Tu-160 vẫn là máy bay quân sự siêu âm Mach 2+ lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo.
Mẫu thử nghiệm thứ hai của những chiếc Tu-160 "được nâng cấp cơ bản" đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên mặt đất tại một trạm thử nghiệm bay của nhà máy máy bay Gorbunov ở Kazan vào ngày 30/12.
“Chiếc máy bay thứ hai đang trong quá trình hiện đại hóa,” một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của Nga nói với Tass. "Đang tiến hành thử nghiệm tại trạm bay thử nghiệm."
Theo bản tin, chiếc máy bay thử nghiệm được nâng cấp từ một chiếc Tupolev-160 tiêu chuẩn. Vụ thử mới nhất cho thấy sự tin tưởng của Nga đối với dòng máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh này. Vào đầu tháng 11 năm 2020, chiếc Tu-160 nâng cấp cơ bản đầu tiên được trang bị động cơ NK-32-02 mới đã tham gia chuyến bay thử nghiệm từ nhà máy Gorbunov.
Tập đoàn Máy bay Hợp nhất, cơ quan giám sát việc nâng cấp Tu-160, cho biết trong suốt chuyến bay, nhiều hệ thống đã được thử nghiệm, bao gồm các hệ thống cơ bản của máy bay cũng như thiết bị vô tuyến điện tử. Ngoài ra, hiệu suất của động cơ NK-32 - 02 cũng được đánh giá.
Loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng cánh cụp cánh xòe được đưa vào hoạt động từ năm 1987 và Nga hiện đang vận hành 27 máy bay ném bom Tupolev Tu-160 thời Chiến tranh Lạnh được sản xuất loạt, cùng với 9 nguyên mẫu thử nghiệm.
Chiếc oanh tac cơ Nga có bề ngoài giống với máy bay Rockwell B-1 Lancer của Không quân Mỹ — và mặc dù sự thật là sự phát triển của B-1 đã thúc đẩy Liên Xô phát triển “Thiên nga trắng”, nhưng chúng chỉ giống nhau ở bề ngoài.
Cả hai đều có cánh có thể thay đổi góc tấn và khả năng đạt tốc độ siêu âm, nhưng B-1 Lancer nhỏ hơn và được phát triển để hoạt động như một máy bay ném bom theo nghĩa cổ điển nhất, trong khi Tu-160 được thiết kế để hoạt động như một nền tảng vũ khí đối đầu.
Tu-160 có khả năng phóng tên lửa từ cửa khoang chứa bom và đạt tốc độ Mach 2+, nhưng nó không có vũ khí phòng thủ — máy bay ném bom duy nhất do Liên Xô thiết kế không mang theo bất kỳ thứ gì để phòng thân. Thay vào đó, nó sử dụng tốc độ của mình để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đã định, tấn công và bay về.
Chiếc máy bay này có biệt danh "Thiên nga trắng" nhờ lớp phủ phản chiếu màu trắng rực rỡ bao phủ toàn bộ khung máy bay. Mặc dù tạo ra một máy bay có vẻ ngoài ấn tượng và bóng bẩy, nhưng lớp phủ thực sự được phát triển để bảo vệ phi hành đoàn nếu nó mang vũ khí hạt nhân. Về lý thuyết, lớp phủ sẽ phản xạ một phần nhiệt năng (ánh sáng) trong một vụ nổ hạt nhân.
Trong khi Không quân Mỹ đã nâng cấp phi đội máy bay ném bom B-1, B-2 và đáng chú ý nhất là B-52 trong những năm gần đây, thì Không quân Nga thực sự đã quyết định tiếp tục sản xuất Tu-160M nâng cấp từ năm 2015.
Vào tháng 2 năm ngoái, chiếc Tupolev-160M Igor Sikorsky nâng cấp cơ bản đầu tiên, được chuyển đổi từ phiên bản Tupolev-160 tiêu chuẩn, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên. Theo Tass, chiếc máy bay đó được trang bị thiết bị bay và dẫn đường mới, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống điều khiển, tổ hợp chống radar và vô tuyến điện tử.
Hiện tại, câu hỏi đặt ra là liệu Điện Kremlin đang thiếu tiền mặt có thực sự tạo ra phi đội toàn những chiếc Tu-160M mới nhất hay không. Tuy nhiên, đây có thể là một giải pháp thay thế hợp lý, thay vì phát triển một sản phẩm thay thế.