"Tấn công giả định"
Hiện tại đang có nhiều thông tin khác nhau về tình tiết vụ việc.
Theo tiết lộ của một quan chức Mỹ với tờ Wall Street Journal (WSJ), các cuộc chạm trán xảy ra trong 2 ngày 11 và 12/4.
Cụ thể, trong ngày 11/4, máy bay ném bom Su-24 (không rõ số lượng) của Nga đã nhiều lần bay qua tàu Cook, trong đó có lần làm gián đoạn hoạt động của trực thăng Ba Lan trên boong tàu. Chiếc máy bay Nga được xác định là không mang vũ khí.
Tiếp đó, vào ngày 12/4, sau khi một chiếc trực thăng Ka-27 của Nga bay quanh tàu Cook, một máy bay ném bom Su-24 tiếp tục bay qua con tàu này nhiều lần ở độ cao thấp.
Khi xảy ra vụ việc, tàu Cook (lớp Arleigh Burke) đang tuần tra và tiến hành các bài tập huấn luyện bằng trực thăng với Ba Lan và một số đối tác khác của Mỹ tại phía tây nam biển Baltic, sau khi cập cảng Ba Lan hôm Chủ nhật tuần trước.
Phía Mỹ khẳng định lúc đó, tàu Cook đang hoạt động tại vùng biển quốc tế.
Tàu khu trục USS Donald Cook.
Trong khi đó, theo thông tin mà CBS News có được, vụ việc ngày 11/4 diễn ra khi tàu Cook rời cảng Gdynia của Ba Lan ra biển Baltic, cách Kaliningrad khoảng 70 hải lý.
2 chiếc Su-24 của Nga đã 20 lần bay qua lại sát tàu Cook, chỉ cách chưa đầy 1km và ở độ cao khoảng 30m.
Còn trong ngày 12/4, 2 chiếc trực thăng Ka-27 của Nga đã lượn vài vòng quanh tàu Cook, có vẻ để chụp ảnh. Sau đó, 2 chiếc Su-24 tiếp tục nhiều lần bay áp sát con tàu như thể "tấn công giả định".
Tờ Military Times cũng đăng tải tình tiết tương tự về vụ việc nhưng cho biết chỉ có 1 chiếc Su-24 và 1 chiếc Ka-27 tham gia. Riêng ngày 12/4, chiếc Ka-27 đã lượn 7 vòng quanh tàu Cook và chiếc Su-24 đã bay qua lại 11 lần.
Các quan chức Mỹ cho biết thêm rằng, tàu Cook đã bị phía Nga theo dõi trước khi xảy ra vụ chạm trán.
Máy bay ném bom Su-24.
Giới chức Mỹ hiện đang tiến hành kiểm tra đoạn video thu từ tàu Cook và dữ liệu radar để xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra.
Song, sĩ quan chỉ huy của tàu tường thuật với các nhà chức trách rằng, máy bay Nga đã tiếp cận con tàu với tốc độ rất cao và ở góc độ nguy hiểm.
Một quan chức Mỹ mô tả hành động của máy bay Nga như thể đang "oanh tạc", chỉ có điều là nó không khai hỏa bất cứ vũ khí nào. Chiếc máy bay của Nga nhào xuống theo cách thức dùng trong các đợt tấn công.
Kíp thủy thủ Mỹ cho biết, họ đã thông báo qua radio rằng tàu Cook đang thực hiện các hoạt động thường lệ, song phía Nga đã phớt lờ.
Một quan chức Nga thừa nhận vụ chạm trán có xảy ra nhưng từ chối đưa ra bình luận.
Gửi thông điệp tới cả Ba Lan
Theo WSJ, vụ việc lần này là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa 2 phía đang có nguy cơ dâng cao, mặc dù Moscow gần đây đã chấp nhận nối lại đàm phán với các nước phương Tây - hoạt động bị gián đoạn sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Các quan chức Mỹ chỉ trích rằng hành động của máy bay Nga là không an toàn, có dấu hiệu khiêu khích và có thể gây tai nạn.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, một loạt các vụ chạm trán có liên quan đến máy bay và tàu chiến của 2 phía đã xảy ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa Moscow và NATO. Trong vài tháng gần đây, tình hình đã dịu xuống đôi chút.
Tuy nhiên, các vụ việc trong tuần này có thể một lần nữa làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là khi liên minh phương Tây đang chuẩn bị cho đợt tập trận quy mô lớn ở Ba Lan và tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu.
Ngoài ra, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới của NATO cũng sẽ được tổ chức tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng 7.
USS Donald Cook từng có xảy ra vụ chạm trán tương tự với máy bay ném bom Su-24 của Nga.
Theo hãng tin CNN, hiện ở Lầu Năm Góc đang diễn ra một cuộc thảo luận gay gắt về việc công bố video và các bức ảnh tĩnh liên quan tới những lần chạm trán với phía Nga, để cho thấy rõ mức độ nguy hiểm mà các máy bay này mang lại cho con tàu của họ.
Việc máy bay Nga áp sát chiếc tàu khu trục Mỹ đang chở theo trực thăng Ba Lan tham gia huấn luyện đã khiến một số chuyên gia trong giới quân sự suy đoán rằng ngoài Mỹ, có thể Nga còn muốn "gửi thông điệp tới Ba Lan".
Trước đó, tàu Donald Cook cũng từng xảy ra vụ chạm trán tương tự với máy bay Nga. Vào tháng 4/2014, một tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, máy bay ném bom Su-24 của Nga đã 12 lần bay qua lại gần tàu Cook khi con tàu di chuyển trên Biển Đen.
Vụ việc đã kết thúc sau khoảng 90 phút mà không có sự cố gì xảy ra nhưng sau đó, báo chí Nga loan tin rằng các thành viên thủy thủ đoàn USS Donald Cook đã bị căng thẳng tâm lý, 27 thủy thủ đã nộp đơn xin từ chức vì không muốn mạo hiểm với tính mạng của mình.
Còn về phần mình, Mỹ khẳng định: "Tàu USS Donald Cook chưa bao giờ gặp nguy hiểm, nó có thừa khả năng phòng thủ trước 2 chiếc su-24. Đây đơn thuần chỉ là một hành động khiêu khích”.