Máy bay ném bom Mỹ chưa tham chiến nhưng đã bị tên lửa S-75 Liên Xô "hạ gục"

QS |

Đáng ra, B-58 phải đủ sức tiến vào Liên Xô, Trung Quốc với tốc độ và độ cao mà các tên lửa đánh chặn của đối phương khó có thể vươn tới.

Sai lầm "đẹp"

Ngày 11/11/1956, chiếc B-58 Hustler đầu tiên cất cánh nhưng nó không bao giờ có cơ hội tham gia chiến đấu.

Đây là một chiếc máy bay vô cùng đẹp và độc đáo, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công hạt nhân tốc độ cao, khiến Liên Xô phải thay đổi chiến thuật và phương thức phát triển với chi phí gia tăng đáng kể để tiêu diệt nó.

B-58 Hustler ra đời nhằm thay thế cho các máy bay ném bom B-47 Stratojet. Ở một số khía cạnh, mẫu Hustler của Convair, với thiết kế cánh tam giác, là một mẫu máy bay xuất sắc.

Nó là máy bay ném bom siêu thanh có khả năng bay nhanh hơn đáng kể (Mach 2.0) so với chiếc B-52 Stratofortress và Stratojet, trần bay tối đa 19.300m – mức này cũng cao hơn nhiều so 2 mẫu máy bay trên.

Tuy nhiên, Hustler có kích cỡ tương đối nhỏ đối với một máy bay ném bom, nó có chiều dài 29m, sải cánh 17m. Trong khi đó, chiều dài thân và sải cánh của B-52 lần lượt hơn B-58 19m và 39m.

Máy bay ném bom Mỹ chưa tham chiến nhưng đã bị tên lửa S-75 Liên Xô hạ gục - Ảnh 1.

B-58A Hustler năm 1968. Ảnh: Không quân Mỹ

Tốc độ là điều quan trọng nhất đối với Hustler, bởi Không quân Mỹ muốn có một loại máy bay ném bom đủ khả năng mang theo 1 quả bom hạt nhân B-53 với sức công phá lên tới 9 megaton hoặc 4 quả bom hạt nhân B43/B61 dưới cánh.

Nó phải đủ sức tiến vào Liên Xô, Trung Quốc với tốc độ và độ cao mà các tên lửa đánh chặn của đối phương khó có thể vươn tới.

Năm 1964, CIA xác định rằng, Trung Quốc chỉ có duy nhất một loại máy bay có khả năng đánh chặn B-58, đó là MiG-21 Fishbed. Tuy nhiên, "ngay cả khi đó", cơ hội đánh chặn thành công vẫn "rất thấp".

Một phần là bởi Huslter được trang bị 4 động cơ tua-bin phản lực J79-GE-5A và thiết kế cánh tam giác của nó có thể giúp gia tăng tốc độ.

Dấu chấm hết cho Hustler

Song, cũng chính kích cỡ nhỏ của Hustler lại dẫn tới một trong những thiếu sót lớn nhất đối với một mẫu máy bay được thiết kế để thâm nhập không phận Liên Xô: Bán kính chiến đấu (chưa tiếp dầu) của nó chỉ lên tới 2.800km.

Điều này đòi hỏi Không quân Mỹ phải bố trí Hustler ở châu Âu hoặc chuẩn bị một lượng lớn máy bay tiếp dầu trên không.

Theo cuốn "Rearming for the Cold War, 1945-1960" của cựu Đại tá Không quân Mỹ Elliott V. Converse III năm 2012, bán kính chiến đấu ngắn của Hustler đã trở thành mối lo ngại nghiêm trọng đối với Không quân Mỹ.

Trung tướng Curtis LeMay của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) không hề thích thú gì mẫu máy bay ném bom này.

Máy bay ném bom Mỹ chưa tham chiến nhưng đã bị tên lửa S-75 Liên Xô hạ gục - Ảnh 2.

B-58 có bán kính chiến đấu quá ngắn. Ảnh: Không quân Mỹ

Vấn đề trở nên tệ hơn khi B-58 có kết cấu phức tạp, chi phí vận hành quá đắt đỏ (gấp 3 lần chi phí vận hành B-52) và khó phát triển.

Vì thế, số lượng máy bay ném bom B-58 dự kiến được chế tạo ban đầu đã thay đổi, Không quân Mỹ quyết định mua 116 chiếc, chỉ bằng 1/3 số máy bay mà họ cần tới.

Bên cạnh đó, do B-58 bay quá nhanh nên Không quân Mỹ cần tới hệ thống dẫn đường và thả bom mới - Sperry AN/ASQ-42 – tuy nhiên, phát triển hệ thống này cũng rất rắc rối.

Trong thời gian sau đó, động cơ J79, hệ thống phanh, ghế phóng phi công của B-58 bắt đầu gặp vấn đề.

Do đó, "bất chấp một vài kỷ lục về tốc độ đã đạt được, B-58 tỏ ra không xứng đáng với mức chi phí đắt đỏ của nó" – Đại tá Converse viết.

Máy bay ném bom B-58 Hustler

Trên hết, theo trang mạng War is Boring, có 2 yếu tố quyết định đã đặt dấu chấm hết cho Hustler. Thứ nhất, Liên Xô đã phát triển được các loại tên lửa đất-đối-không tiên tiến. Tháng 5/1960, tên lửa phòng không Liên Xô đã bắn hạ máy bay trinh sát tầm cao U-2 do phi công Francis Gary Powers điều khiển.

Tên lửa S-75 Dvina (NATO định danh: SA-2 Guideline) có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao lên tới 25.000m, cao hơn nhiều so với trần bay tối đa của B-58.

Giải pháp dành cho B-58 là bay thấp, tuy nhiên, bay thấp cũng đồng nghĩa với việc phải bay chậm lại, điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích thiết kế ban đầu của Hustler. Chiếc máy bay này tỏ ra rất tệ khi di chuyển với tốc độ thấp.

Vấn đề thứ 2 là do Không quân Mỹ muốn các quy trình phát triển B-58 (công tác chế tạo các hệ thống phụ, cơ sở, thiết bị hỗ trợ và chương trình huấn luyện) được tiến hành đồng thời, tương tự như chương trình tiêm kích tàng hình F-35 nhiều thập kỷ sau này.

Tuy nhiên, theo phương thức đó, một khi phát sinh vấn đề, toàn bộ hệ thống sẽ phải thiết kế lại hoặc đều phải nằm chờ cho tới khi trục trặc được khắc phục.

Kết quả là, tiến độ phát triển bị chậm lại, một số khâu chuẩn bị sản xuất phải hủy bỏ, chi phí gia tăng, kế hoạch triển khai bị trì hoãn.

B-58 Hustler chưa từng tham gia chiến đấu và nó cũng không được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ phi hạt nhân. Tháng 1/1970, Không quân Mỹ loại biên mẫu máy bay này.

Nhiệm vụ tấn công hạt nhân được giao cho các mẫu máy bay ném bom tầm thấp B-52, B-1, F-111, B-2 và các tên lửa đạn đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại