Cảm biến nói trên, được gọi là cảm biến góc tấn (AOA), cung cấp dữ liệu về góc nghiêng của phần mũi máy bay nhằm ngăn chặn máy bay bị đâm bổ xuống.
Vào đầu tuần này, giới chức Indonesia nói rằng lỗi thiết bị đo vận tốc bay có thể đóng vai trò trong vụ chiếc Boeing 737 MAX 8 lao xuống biển, khiến 189 người thiệt mạng.
Ông Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC), hôm 7-11 cho biết thêm thiết bị đo vận tốc bay của chiếc Boeing 737 MAX 8 đã gặp trục trặc trong 4 chuyến bay cuối cùng.
Sau 2 nỗ lực khắc phục thiết bị đo vận tốc nhưng bất thành, Lion Air đã thay cảm biến AOA cho chiếc Boeing 737 MAX 8 vào hôm 28-10, ông Tjahjono cho biết.
Trong chuyến bay nội địa ngay sau đó, đi từ Bali đến Jakarta, các cảm biến của cơ trưởng và cơ phó hiển thị dữ liệu không đồng nhất. Vài phút sau khi cất cánh, chiếc Boeing 737 MAX bị hạ độ cao đột ngột nhưng phi công khắc phục được. Sau đó, họ quyết định bay đến Jakarta ở độ cao thấp hơn bình thường và hạ cánh an toàn.
Tuy nhiên, trong chuyến bay định mệnh ngay sau đó, chiếc Boeing 737 MAX lao xuống đất với tốc độ cực nhanh sau khi cất cánh được 13 phút.
Ông Soerjanto Tjahjono, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC). Ảnh: Reuters
"Có thể là sau khi thay cảm biến AOA, vấn đề của Boeing 737 MAX 8 không những không được giải quyết mà còn trầm trọng hơn. NTSC muốn làm rõ giả thuyết này" – ông Tjahjono nói thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi cảm biến AOA hư, máy bay vẫn có một hệ thống dự phòng. Chưa hết, phi công được huấn luyện xử lý máy bay an toàn trong trường hợp những cảm biến nói trên gặp trục trặc, theo giới chuyên gia an toàn hàng không.
Quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn dù chỉ mới sử dụng được 2 tháng. Ảnh: Reuters
Máy bay của Lion Air lại gặp sự cố
Một máy bay của hãng Lion Air đã bị hỏng cánh trái vì tông vào cột điện trong lúc di chuyển về phía đường băng để cất cánh.
Chuyến bay mang số hiệu JT633 của hãng Lion Air, đi từ tỉnh Benkula đến Jakarta, đã bị hủy vào tối 7-11 sau vụ việc nói trên. Rất may là không có thương vong xảy ra. Được biết, sự cố nói trên xảy ra tại sân bay Fatmawati.
Chuyến bay mang số hiệu JT633 của hãng Lion Air đã bị hủy sau khi máy bay tông vào cột điện, khiến cánh trái bị hư. Ảnh: CNA