Những năm Thế chiến II, nhằm đối phó với sức mạnh đông đảo của quân đội phát xít Đức, các kỹ sư, nhà thiết kế vũ khí Liên Xô đã đề xuất nhiều ý tưởng phát triển vũ khí độc đáo nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu cho Hồng quân.
Trong số hàng trăm ý tưởng được đề xuất, một số phát huy hiệu quả cao trong thực chiến nhưng một số có phần quái dị, thậm chí điên rồ.
Ý tưởng quái dị
Một trong những ý tưởng quái dị là biến máy bay ném bom Tu-2 thành một máy bay tấn công tầm thấp mang theo 88 súng tiểu liên PPSh-41.
Theo trang mạng Vintagenews, vào năm 1944, trong quá trình nạp bom cho máy bay ném bom Tu-2, phi công trưởng AV Nadashkevich và kỹ sư trưởng mặt đất S. Saveliev đã tìm thấy hàng trăm khẩu tiểu liên PPSh-41 bỏ không tại một kho quân sự.
Dàn súng tiểu liên PPSh-41 được lắp vào khoang bom của Tu-2 bằng dây cáp.
Họ nảy sinh ý tưởng lắp những khẩu súng này lên khoang bom của Tu-2 để tiêu diệt bộ binh Đức quốc xã. Để thực hiện điều này, nhóm kỹ sư đã chế tạo một bộ khung bằng sắt lắp 88 súng tiểu liên, các súng được bố trí thành 11 hàng với 8 khẩu mỗi hàng, cùng 6.248 viên đạn.
Dàn súng máy này sẽ được lắp vào khoang bom của Tu-2 bằng dây cáp. Buồng lái được trang bị kính ngắm đặc biệt cho phép phi công xác định mục tiêu để khai hỏa. Khi phi công ấn nút, 88 khẩu tiểu liên PPSh-41 sẽ nhả đạn cùng lúc.
Tiểu liên PPSh-41 có tốc độ bắn khoảng 900 viên/phút, về mặt lý thuyết, 88 khẩu súng lắp trên máy bay Tu-2 có thể bắn tới 79.200 viên/phút. Người ta ước tính rằng, mỗi giây sẽ có khoảng 1.320 viên đạn rơi xuống mặt đất khi máy bay bay với tốc độ 400 km/h.
Mỗi súng tiểu liên PPSh-41 lắp hộp tiếp đạn 71 viên, như vậy thời gian bắn hết đạn chỉ vọn vẹn 4 giây, tạo nên cơn mưa đạn khủng khiếp. Số lượng đạn bắn ra từ máy bay tạo nên một khu vực hủy diệt có chiều rộng 1,2 m, dài 548 m.
Xét về mặt hỏa lực, với 6.248 viên đạn bắn ra, máy bay Tu-2 có thể quét sạch những đơn vị bộ binh Đức quốc xã, tạo tâm lý hoang mang cho đối phương về một thứ vũ khí hủy diệt ghê gớm.
Ý tưởng không khả thi
Loạt súng tiểu liên PPSh-41 khai hỏa tạo nên cơn mưa đạn khủng khiếp nhưng ít giá trị sử dụng thực tiễn.
Việc lắp dàn súng tiểu liên lên máy bay ném bom là ý tưởng độc đáo, mới lạ, tuy nhiên từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách khá xa. Ngay khi bắt tay thực hiện ý tưởng, nhóm phát triển đã nhìn thấy nhiều bất cập.
Đầu tiên, việc nạp đạn cho 88 khẩu súng tiểu liên cần đến 100 giờ để hoàn thành. Tiếp đến, giá đỡ súng kết nối với máy bay bằng dây treo dẫn đến sự rung lắc, không ổn định khi bay, đạn bắn ra có độ tản mát lớn, độ chính xác rất thấp. Nòng súng hướng về phía trước nên khi bắn, đạn có thể văng vào động cơ, gây nguy hiểm cho máy bay.
Tiếp đến, để tiêu diệt mục tiêu, phi công phải khai hỏa ở độ cao dưới 243 m, tương ứng với tầm bắn hiệu quả của súng. Tuy nhiên, bay ở độ cao này gần như là tự sát vì nằm trong tầm hỏa lực của tất cả các loại súng bộ binh Đức quốc xã.
Những hạn chế trên khiến khả năng áp dụng thực tế của ý tưởng này gần như không có. Tu-2 lắp tiểu liên PPSh-41 không bao giờ có cơ hội bay chiến đấu. Song điều đó không làm giảm đi các ý tưởng phát triển vũ khí độc đáo của các kỹ sư Liên Xô và Nga ngày nay.