Sự kiện hai chiếc máy bay "made in China" của hãng hàng không Comac Express xuất hiện tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) thu hút được nhiều chú ý từ công chúng, đặc biệt là những tín đồ của công nghệ, máy móc.
Là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam có cơ hội tận mắt thấy, ngồi thử hai chiếc máy bay này, anh Hoàng Đức, người sáng lập kênh YouTube Nhà TO vừa công bố những hình ảnh và review thực tế tại hiện trường.
Tận dụng cơ hội hiếm hoi được tiếp cận các chi tiết kỹ thuật, máy móc, thân vỏ của máy bay thương mại, anh Hoàng Đức "soi từng mi li mét" hai chiếc ARJ21 và C919. Anh nhận định, phần sơn và các mối nối, vật liệu thân vỏ... của hai chiếc máy bay này rất hoàn hảo, cho thấy sự chỉn chu trong thiết kế cũng như công nghệ.
"Nhìn bên ngoài không khác gì Boeing, Airbus luôn, mà đặc biệt là bên cạnh chữ tiếng Anh thì luôn có chữ Trung Quốc ở các vị trí cảnh báo. Nhìn vào máy bay do Trung Quốc sản xuất có thể thấy ngành chế tạo kỹ thuật cao của nước bạn đã phát triển cỡ nào rồi", Hoàng Đức tấm tắc.
Với mẫu ARJ21 - máy bay thương mại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, do có biệt danh Phượng Hoàng Lửa nên nhà sản xuất dùng sơn tone đỏ để trang trí thân vỏ máy bay, tạo cho cho mẫu này vẻ kiêu hãnh.
Khi vào bên trong chiếc ARJ21, có thể hiểu tại sao dòng này được khuyến nghị dùng trong các hành trình ngắn, nội địa. Vì là máy bay thân nhỏ (chứa được 87 - 97 người, tính cả tổ bay) nên chỗ ngồi của ARJ21 không quá thoải mái.
Ngay cả trên khoang Business, khách hàng cũng không có chỗ để đặt chân, duỗi người thư giãn như ở máy bay của Boeing, Airbus.
Với khoang phổ thông, một bên được thiết kế 3 hàng ghế, một bên có 2 hàng ghế. Chỗ ngồi của ghế hạng phổ thông cũng phù hợp với người có tầm vóc nhỏ bé kiểu "chuẩn châu Á", và khách hàng khó lòng co duỗi, vắt chân, do khoảng cách giữa ghế trước và sau khá hẹp.
ARJ21 đi được hành trình tối đa khoảng 3.000 km. Tại Trung Quốc, mẫu máy bay ARJ21 này đã khai thác 400 chặng bay khác nhau, vận chuyển an toàn hơn 11 triệu hành khách khắp nội địa Trung Quốc.
Hãng Comac đã bán được hơn 130 chiếc cho các hãng bay nội địa Trung Quốc và hãng Air Asia của Indonesia.
Máy bay C919 vừa được ra mắt sau hơn 16 năm nghiên cứu và chế tạo là mẫu hiện đại hơn. "Đây là dòng máy bay thân hẹp, được coi là đối thủ của Air 320 và Boing 737. Ý nghĩa tên của dòng này cũng khá hay, C là viết tắt của China, số 9 là vĩnh cửu, còn 19 là ẩn ý cho số người tối đa máy bay chứa được: 190 người". Hoàng Đức nhận định.
To hơn hẳn chiếc ARJ21 nên máy bay C919 được thiết kế rộng rãi hơn, từ buồng lái cho đến khoang hành khách. Ghế cơ trưởng của máy bay C919 được bọc da, phủ lông, nhiều nút bấm hiển thị thông tin hơn và được trang bị 5 màn hình chính, 2 màn hình phụ hai bên hiển thị camera quan sát.
Khoang Business của máy bay C919 có ghế kê chân, tương tự mẫu ghế của các hãng hàng không lớn như Turkey hay Emirates.
Đặc biệt, khoang phổ thông cũng được trang bị gối tựa đầu bọc da và bẻ được hai bên thành gối tựa hình vòng cung để cố định đầu, tránh rung lắc. Khoảng cách giữa hai hàng ghế và ghế trước ghế sau của máy bay dòng này cũng khá rộng.
Hãng Comac công bố, C919 đã được khai thác thương mại bởi hãng hàng không China Eastern Airlines và nhận được nhiều hơn đặt hàng của các hãng bay nội địa Trung Quốc. C919 có hành trình tối đa 5.500km, đã bay chuyến thương mại đầu tiên vào tháng 3 năm 2023.
Với giá bán chỉ bằng 3/4 của hãng Airbus hay Boeing mẫu tương đương, hãng Comac tham vọng có thể nhận được đơn đặt hàng C919 của các hãng hàng không Việt Nam và Đông Nam Á. Hãng cũng dự định sẽ dùng máy bay này để khai thác các tuyến du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Sau khi triển lãm tại sân bay quốc tế Vân Đồn, hai chiếc máy bay ARJ21 và C919 sẽ bay trải nghiệm đến Đà nẵng, thành phố Hố Chí Minh và Phú Quốc, sau đó sang Lào.
Máy bay C919 có phần lớn thiết bị ở phần đầu và trong buồng lái đến từ Mỹ và châu Âu. C919 cũng có một số bộ phận khác được các doanh nghiệp ở Mỹ sản xuất như bánh và phanh, hộp đen, vỏ nhôm thân máy bay. C919 sử dụng động cơ CFM International LEAP từ nhà sản xuất Mỹ và Pháp.
Với mẫu máy bay thương mại đầu tiên tự mình sản xuất, Comac rất tự tin về năng lực cạnh tranh cả về giá cả lẫn vị thế trên thị trường quốc tế.
Ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch Tập đoàn Comac chia sẻ, việc hai chiếc máy bay của Trung Quốc đến Vân Đồn chính là bước tiến quan trọng để quốc tế hóa máy bay thương mại do Trung Quốc tự sản xuất.
Nguồn: Nhà TO