Máy bay chiến đấu Nga ở Syria: Tăng đột biến tùy thời, Su-57 "nghênh ngang" giữa ban ngày

Bình Nguyên |

Tháng 9/2015, Nga bất ngờ triển khai lực lượng máy bay chiến đấu lớn ở Syria khiến Mỹ - NATO kinh ngạc. Từ đó, căn cứ KQ Khmeimim bị giám sát chặt chẽ, thế nhưng Su-57 vẫn lọt.

Không quân Nga vào Syria: Mỹ - NATO như "mù"?

Cuối tháng 9/2015, Mỹ-NATO kinh ngạc khi phát hiện ra một lực lượng không quân chiến đấu cực lớn của Nga hiện diện tại căn cứ sân bay Khmeimim.

Họ quá bất ngờ bởi không hề biết các máy bay chiến đấu hiện đại Su-30SM, Su-34 hay những máy bay "cổ lỗ sĩ" như Su-24M và Su-25 Nga đã làm cách nào mà lọt qua được "thiên la địa võng" của tầng tầng lớp lớp các loại radar cũng như khí tài trinh sát hiện đại để bỗng nhiên đồng loạt phơi mình trên sân đỗ mà không có bất cứ sự che đậy hay giấu diếm nào.

Rõ ràng, Nga đã chơi cho Mỹ-NATO một "vố" đau khi ra đòn một cách hết sức thần tốc và bí mật. Đã thế, Nga còn cố tình "trêu ngươi" các phương tiện trinh sát đường không của đối phương chiêm ngưỡng máy bay chiến đấu của mình đậu san sát nhau ở căn cứ sân bay Khmeimim.

Máy bay chiến đấu Nga ở Syria: Tăng đột biến tùy thời, Su-57 nghênh ngang giữa ban ngày - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Nga phơi mình trên căn cứ Khmeimim mặc cho vệ tinh MỸ-NATO tha hồ chụp ảnh.

Đến lúc này, Mỹ-NATO đã không kịp trở tay. Với lực lượng ban đầu gồm 4 tiêm kích bom đa năng Su-34, 4 tiêm kích đa năng Su-30SM, 12 Su-24 và 12 Su-25, Không quân Nga đã thiết lập tại Syria một liên đội không quân chiến đấu hỗn hợp, bắt đầu trực tiếp chi viện cho Quân đội Syria trong chiến dịch tiêu diệt khủng bố IS.

Đó là chưa kể Nga còn triển khai ở Syria một số trực thăng vận tải vũ trang Mi-8AMTSh, Mi-24PN và các tổ hợp pháo tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1.

Sau đó, trước nguy cơ căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus bị tấn công bởi các lực lượng "lạ", Nga điều tiếp sang Syria các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 cũng cận vệ của chúng là các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 vừa để bảo vệ các căn cứ đầu não vừa để bảo vệ các hoạt động của các lực lượng Nga trên khắp đất nước Syria.

Tháng 2/2018 vừa qua, Không quân Nga một lần nữa khiến Mỹ-NATO "chết đứng" khi điều ít nhất 2 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 sang Syria. Cũng như hồi tháng 9/2015, các phương tiện trinh sát đường không của Mỹ-NATO bó tay, không phát hiện ra Su-57, chỉ đến khi mạng xã hội tung clip máy bay chiến đấu thế hệ 5 hạ cánh xuống Khmeimim thì họ mới ngã ngửa.

Lần này, tiêm kích Su-57 "nghênh ngang" đi giữa ban ngày chứ "không thèm đi đêm" như nhóm máy bay chiến đấu đầu tiên (Su-30SM, Su-34, Su-24 và Su-35) của Không quân Nga tới Syria tháng 9/2015.

Video ghi lại hình ảnh 2 chiếc Su-57 của Nga xuất hiện tại Syria

Tăng giảm đột biến tùy thời điểm

Như đã nói ở trên, từ số lượng ban đầu gồm 4 tiêm kích bom đa năng Su-34, 4 tiêm kích đa năng Su-30SM, 12 Su-24 và 12 Su-25, tại các thời điểm khác nhau, số lượng máy bay chiến đấu Nga ở Syria tăng giảm tùy thời điểm, phụ thuộc diễn biến chiến trường và yêu cầu hỗ trợ hỏa lực của Quân đội Syria) cũng như mức gia tăng nguy cơ bị tấn công của các thế lực thù địch.

Máy bay chiến đấu Nga ở Syria: Tăng đột biến tùy thời, Su-57 nghênh ngang giữa ban ngày - Ảnh 3.

Số lượng và chủng loại máy bay chiến đấu Nga ở Syria theo thống kê của trinh sát đường không Mỹ-NATO từ 30/9/2015-15/07/2017.

Máy bay chiến đấu Nga ở Syria: Tăng đột biến tùy thời, Su-57 nghênh ngang giữa ban ngày - Ảnh 4.

Số lượng và chủng loại máy bay chiến đấu Nga ở Syria theo thống kê của trinh sát đường không Mỹ-NATO từ 19/08/2017-23/02/2018.

Căn cứ vào kết quả giám sát bằng vệ tinh liên tục của Mỹ-NATO thì có thể thấy số lượng máy bay chiến đấu Không quân Nga có tăng giảm về số lượng và thay đổi về cơ cấu cũng như chủng loại. Có vài điểm nhấn đáng chú ý:

Thời điểm Không quân Nga có nhiều máy bay nhất ở Syria là cuối tháng 2/2016 với tổng số 44 chiếc gồm 36 máy bay cường kích (8 Su-34, 16 Su-24, 12 Su-25) và 8 máy bay tiêm kích đa năng (4 Su-35, 4 Su-30SM). Đây cũng là lần đầu tiên tiêm kích Su-35 hiện đại của Nga có mặt ở Syria và cũng là lần "ra trận" đầu tiên của dòng chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không này.

Có ít nhất 3 tiêm kích MiG-29SMT được điều sang Syria từ tháng 9/2017 tới tháng 11/2017, kết quả trinh sát đường không bằng vệ tinh tháng 12/2017 cho thấy MiG-29SMT đã "biến mất" khỏi căn cứ Khmemim.

Tiêm kích tàng hình Su-57 "nghênh ngang" đi giữa ban ngày. Như đã biết, chỉ đến khi clip máy bay chiến đấu thế hệ 5 mới nhất của Nga hạ cánh xuống căn cứ Khmeimim lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội thì Mỹ-NATO "ngã ngửa".

Máy bay chiến đấu Nga ở Syria: Tăng đột biến tùy thời, Su-57 nghênh ngang giữa ban ngày - Ảnh 5.

Tiêm kích tàng hình Su-57 bị vệ tinh Mỹ-NATO "nhòm" thấy ở Syria.

Sau đó, trinh sát đường không của phương Tây "nhòm thấy" có ít nhất 1 chiếc Su-57 tại căn cứ sân bay này. Trên thực tế đã có từ 2-4 tiêm kích Su-57 của Nga được điều sang Syria, trong đó, Bộ Quốc phòng Nga chỉ xác nhận có 2 chiếc và đã rút về nước chỉ sau vài ngày ngắn ngủi hiện diện ở Syria.

Hiện nay, Quân đội Syria đang giành những chiến thắng áp đảo trước các lực lượng phiến quân và khủng bố, nhu cầu yểm trợ hỏa lực đường không đã giảm, có thể số lượng máy bay chiến đấu của Nga ở Syria cũng giảm theo diễn biến chiến trường, nhưng nhiều khả năng vẫn giữ ở quanh mức không dưới 24 chiếc.

Tiêm kích Su-57 biểu diễn tại Triển lãm hàng không MAKS-2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại