Hành trình đưa "ngựa thồ" về Hà Nội
Tại Hà Nội, người dân sắp đựợc tham quan "ngựa thồ" C-130 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - công trình đang xây dựng trên địa bàn phường Tây Mỗ và Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nằm sát Đại lộ Thăng Long.
Chiếc "ngựa thồ" C-130 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội, trải qua quãng đường 1.800km với vô vàn khó khăn.
Trò chuyện với VnExpress, Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết máy bay được vận chuyển từ Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân ở TP.HCM ra Hà Nội bằng đường bộ.
Các bộ phận của chiếc C-130 đã được tháo rời và vận chuyển bằng 5 xe rơ-moóc siêu trường siêu trọng. Một đoàn xe gồm hơn 10 chiếc đã tiến hành vận chuyển và hộ tống máy bay C-130 ra Hà Nội vào tối ngày 11 tháng 10 năm 2023, trong mùa mưa bão ở khu vực miền Trung nên khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Đoàn xe không thể di chuyển theo lộ trình thông thường Bắc - Nam mà phải chọn lựa các tuyến đường tránh các trạm soát vé, né tránh những cây cầu không chịu đựng nổi trọng tải cũng như tính toán kỹ các lối rẽ lên cầu sao cho đủ rộng để các xe có thể cua an toàn nên quãng đường vận chuyển lên tới 1.800 km.
Quá trình tháo dỡ và lắp ráp máy bay đòi hỏi nhiều bước phức tạp, được tiến hành bởi đội ngũ gần 20 cán bộ, kỹ sư của Nhà máy A41 thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trong chiến tranh, C-130 có tham gia phục vụ Không quân Mỹ tại Việt Nam, thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm vận chuyển hàng hóa, thả truyền đơn và vận chuyển vũ khí dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Việt Nam thu được 7 chiếc C-130 và đã bổ sung ngay vào lực lượng không quân. Đến hiện tại, những chiếc máy bay C-130 cũ, không còn giá trị sử dụng đã được chuyển đổi sang làm hiện vật trưng bày tham quan.
Tại di tích sân bay Tà Cơn, Quảng Trị, chiếc máy bay vận tải hạng nặng C-130 của quân đội Mỹ số hiệu 532 đã được Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bàn giao cho sân bay Tà Cơn năm 2012. Chiếc máy bay này tham chiến tại chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn cách đây gần 60 năm.
Hay tại khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cũng đang trưng bày máy bay C-130 số 005 được Quân đội Mỹ sản xuất tháng 10 năm 1970, đưa sang Việt Nam tháng 2 năm 1971.
Ngắm tận mắt "ngựa thồ" tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tối 20/10/2023, tất cả bộ phận của C-130 đã có mặt tại quảng trường Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đại lộ Thăng Long để lắp đặt và hiện đã hoàn thiện để sẵn sàng phục vụ các tầng lớp nhân dân tới tham quan sau khi Bảo tàng khai trương.
Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên địa bàn phường Tây Mỗ và Đại Mỗ của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có diện tích 74,3ha, gồm một công trình 4 tầng nổi và một tầng bán âm, mang kiến trúc hiện đại.
Công trình được thiết kế mang đậm phong cách hiện đại, tối giản, nhằm mô phỏng dòng chảy lịch sử một cách trực quan và đảm bảo sự hài hòa giữa ánh sáng nhân tạo và tự nhiên.
Dự án áp dụng công nghệ đa phương tiện tiên tiến cùng hệ thống âm thanh hướng dẫn, tạo cơ hội để du khách tương tác và khám phá trải nghiệm độc đáo.
Đây là dự án cấp đặc biệt do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng. Khi hoàn thành, bảo tàng sẽ trưng bày 8 chuyên đề, 7 bộ sưu tập và 12 lĩnh vực quân sự, phản ánh lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các hiện vật lớn như máy bay, xe tăng, và các loại khí tài khác có liên quan đến các cuộc kháng chiến và lịch sử quốc gia sẽ được trưng bày tại hai khu vực lân cận quảng trường với tổng diện tích trưng bày trên 20.000 m2.
Dự thảo thiết kế cho biết, tòa nhà chính của bảo tàng có diện tích hơn 23.000 m2, phía trước là hai hồ nước có tổng diện tích 2.000 m2. Giữa quảng trường, Tháp Chiến thắng cao 45m, biểu tượng của năm 1945 - năm mà Việt Nam giành được độc lập, sẽ được đặt làm điểm nhấn.
Theo kế hoạch, ngày 30/6/2024 dự án giai đoạn một cơ bản sẽ hoàn thành và thực hiện công tác chuẩn bị để cuối năm 2024 có thể vận hành, khánh thành, đưa vào hoạt động, phục vụ công chúng trong nước và quốc tế.
Đôi nét về "ngựa thồ" C-130
69 năm trôi qua kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1954, máy bay C-130 vẫn nổi tiếng là mẫu máy bay đáng tin cậy, hoạt động bền bỉ, có khả năng không vận "khủng".
C-130 có thể được điều chỉnh để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau như vận tải quân sự, triển khai lính dù, tuần tra biển, tiếp nhiên liệu trên không, chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ và chữa cháy từ trên không. Nó phù hợp cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Máy bay nặng hơn 34 tấn với sải cánh 40 mét, chiều dài hơn 30 mét, cao gần 12 mét, có bốn động cơ và có khả năng chở 19 tấn hàng hoặc 64 lính dù, với tổng trọng lượng cất cánh lên tới hơn 70 tấn. Khoang hàng của C-130 dài 16 mét, rộng 3 mét và cao 2,7 mét.
Tính đến nay, đã có hơn 2.600 chiếc C-130 được sản xuất. Phiên bản kế nhiệm của C-130 với tên gọi C-130 Super Hercules, bay lần đầu tiên vào ngày 5 tháng 4 năm 1996 và vẫn đang được tiếp tục sản xuất.
Tổng hợp