Chiếc Boeing Dreamliner đã hạ cánh xuống sân bay Troll vào lúc 2h sáng ngày 15/11. Tuy nhiên, trời vẫn còn sáng vì lúc này đang là mùa hè ở Nam bán cầu. Đây cũng là lần đầu tiên một chiếc Dreamliner – một chiếc máy bay thân rộng có thể chở tới 330 hành khách – đã đến được lục địa thứ sáu.
Chuyến bay N0787 trên không phải là chuyến bay chở khách thông thường. Nó chở theo 45 hành khách bao gồm các nhà khoa học từ Viện Địa cực Na Uy, đơn vị đã ký hợp đồng bay đưa 12 tấn thiết bị đến trạm nghiên cứu Troll ở Queen Maud Land, Nam Cực.
Máy bay khởi hành từ Oslo vào ngày 13/11, dừng lại ở Cape Town trước khi bay xa hơn về phía Nam vào tối 15/11 để thực hiện màn hạ cánh kỷ lục.
Xem video Boeing Dreamliner hạ cánh xuống sân bay Troll (nguồn: Flightradar24):
Daniel Carey của Aircontact – công ty môi giới sắp xếp chuyến bay - cho biết không gian chở hàng rộng của Dreamliner khiến nó trở thành chiếc máy bay lý tưởng cho chuyến bay. Paul Erlandsson, đại diện Boeing giải thích hiệu quả sử dụng nhiên liệu của mẫu máy bay này cũng là một yếu tố được quan tâm. Chiếc Boeing Dreamliner đã tới Nam Cực và quay trở lại Cape Town mà không cần tiếp nhiên liệu.
“Thật vinh dự cho toàn bộ đội ngũ Norse khi chúng tôi đã cùng nhau đạt được khoảnh khắc quan trọng, hạ cánh chiếc 787 Dreamliner đầu tiên xuống đây. Với tinh thần khám phá, chúng tôi tự hào chung tay vào sứ mệnh quan trọng và độc nhất này. Đó là minh chứng thực sự cho thấy các phi công và phi hành đoàn được đào tạo bài bản và có tay nghề cao của chúng tôi cũng như năng lực của máy bay Boeing hiện đại”, ông Bjørn Tore Larsen - Giám đốc điều hành của hãng Norse Atlantic Airways, tuyên bố.
Bà Camilla Brekke, Giám đốc Viện Địa cực Na Uy, cho biết sử dụng máy bay lớn là cách tiếp cận bền vững hơn đối với lục địa nổi tiếng vốn dĩ mong manh này.
“Điều chúng ta quan tâm nhất là lợi ích môi trường mà chúng ta có thể đạt được bằng cách sử dụng máy bay lớn và hiện đại… Nó có thể giúp giảm lượng khí thải tổng thể ở Nam Cực. Việc hạ cánh một chiếc máy bay lớn như vậy cũng sẽ mở ra những khả năng hoàn toàn mới về công tác hậu cần tại Troll, điều này cũng sẽ góp phần tăng cường hoạt động nghiên cứu của Na Uy ở Nam Cực”, nữ lãnh đạo chia sẻ.