Di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm đáng ngại, đặc biệt là khi bạn đang ngồi trên một chiếc Boeing 777 sắp bay vào một đám mây tích điện.
RT đưa tin ngày 14/11/2017 về hình ảnh chiếc máy bay của hãng hàng không KLM bị sét đánh trúng trên hành trình di chuyển từ Amsterdam, Hà Lan đến thủ đô Lima của Peru.
Theo đó, chiếc máy bay Boeing 777-300ER vừa cất cánh từ sân bay Schiphol (Amsterdam, Hà Lan) đã bay vào một đám mây tích điện và bị sét đánh trúng.
Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là chiếc Boeing 777-300ER không hề hấn gì sau khi bị sét đánh trúng và tiếp tục chuyến bay và hạ cánh an toàn xuống sân bay Lima theo kế hoạch vào 12h40 phút sau đó.
Chiếc máy bay Boeing 777-300ER của hãng hàng không KLM bị sét đánh ngay sau khi vừa cất cánh. Ảnh: RT
Hãng hàng không KLM chia sẻ với tờ RT cho biết rằng chiếc máy bay Boeing của họ bị sét đánh nhưng không xảy ra sự cố gì nghiêm trọng.
Xem video: Máy bay Boeing 777-300ER bị sét đánh sau khi vừa cất cánh
Chiếc Boeing 777-300ER của hãng hàng không KLM bị sét đánh trúng sau khi vừa cất cánh. Nguồn: RT
Sét đánh máy bay có hiếm gặp và tại sao hành khách không hề hấn gì?
Theo các chuyên gia, hiện tượng máy bay bị sét đánh trúng không phải hiếm gặp mà trên thực tế nó xảy ra nhiều hơn chúng ta tưởng.
Cụ thể, mỗi máy bay trung bình có thể bị sét đánh một lần trong khoảng thời gian hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, chúng sớm được thiết kế để thích nghi với điều đó.
Trên thực tế, vỏ của các máy bay hiện đại như dòng Dreamliner của Boeing và những thế hệ máy bay của Airbus hầu hết được làm từ vật liệu composite có tráng một lớp đồng bảo vệ khoang bên trong khỏi các dòng điện do sét đánh.
Máy bay được thiết kế để ứng phó với sét đánh. Ảnh: Viaggi.corriere.it
Ngoài ra, bình nhiên liệu cũng được thiết kế để chống sét với lớp vỏ kim loại, cửa sổ và cửa ra vào máy bay cũng được làm bằng vật liệu có thể chịu được nhiệt độ lên tới 27.000 độ C.
Theo chia sẻ của các chuyên gia trên tạp chí khoa học danh tiếng Scientific American (Mỹ), hệ thống bên trong của máy bay, bao gồm khoang chứa, ống dẫn, nắp đậy bình nhiên liệu đều được thiết kế bằng vật liệu cách điện và chế tạo để không xảy ra sự cố cháy nổ trong trường hợp bị sét đánh trúng.
Máy bay thường bị sét đánh ở một số vị trí như mũi và đầu cánh. Nguyên nhân là do không có bất kỳ khoảng trống hay khe hở nào trên thân máy bay nên dòng điện sẽ đi qua bề mặt vỏ nhôm bên ngoài và thoát ra môi trường ở vị trí đuôi của máy bay.
Vì vậy, hành khách trong cabin và máy bay đều không hề hấn gì dù vừa bị sét đánh trúng.
Tuy nhiên, hiện tượng sét đánh cũng từng gây ra thảm họa máy bay rơi vào năm 1963.
Theo đó, chuyến bay 214 của hàng hàng không Pan American World Airways (Mỹ) vào ngày 8/12/1963 bị sét đánh trúng đã khiến toàn bộ 73 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi máy bay rơi xuống bang Maryland (Mỹ).
Đây được coi là trường hợp duy nhất mà máy bay gặp nạn do sét đánh.
Hiện nay, hiện tượng máy bay bị sét đánh rất ít khi xảy ra trong năm. Nhưng vẫn có một số phi công phàn nàn rằng hệ thống điện và một số thiết bị trên máy bay bị nhiễu sóng sau khi bị sét đánh.
Bài viết tham khảo các nguồn: RT, Stuff