Vài giờ sau khi Iran bất ngờ thừa nhận tên lửa của họ đã vô tình bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu Boeing 752 của Hàng không Quốc tế Ukraine, Kiev cũng đã có một hé lộ lớn khi công bố các bức ảnh chụp từ một ngày trước đó. Những tấm hình ghi lại xác máy bay có những lỗ thủng nhỏ - bằng chứng về việc nó đã bị bắn trúng.
Có vẻ như từ trước lời thừa nhận của Iran, Ukraine đã nhận ra máy bay bị trúng tên lửa, nhưng chính quyền Kiev đã chọn đi theo một con đường ngoại giao cẩn trọng.
"Họ [Iran] không có luận cứ để từ chối tất cả những điều này", ông Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine nói với tờ The Washington Post.
Giới chức Mỹ và các nhà lãnh đạo Canada và Anh là những người đầu tiên chia sẻ với thế giới rằng, gần như chắc chắn chiếc máy bay xấu số đã bị tên lửa Iran bắn hạ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã đề nghị được chia sẻ thông tin nhưng trì hoãn công bố bất kỳ kết luận nào từ phía Ukraine.
Theo ông Donilov, đây là một quyết định mang tính chiến lược. "Chúng tôi đã có kết luận như vậy trước cả người Mỹ và Canada", ông cho hay. Ukraine muốn các điều tra viên của mình thu thập được các chứng cứ thuyết phục trong khi giới lãnh đạo tránh đưa ra các chỉ trích cứng rắn nhằm vào Iran, để có thể đạt được sự hợp tác tốt nhất trong quá trình điều tra.
Còn bà Katharine Quinn-Judge, một nhà phân tích cho tổ chức tư vấn chính sách Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định, do bị "kẹt" giữa Washington và Tehran sau khi Mỹ tiến hành không kích giết chết Tướng Iran Quassem Soleimani tại Baghdad, Iraq, Tổng thống Zelensky phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo "sự hợp tác giữa những người ủng hộ phương Tây và Iran mà không bị kéo vào bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột Mỹ - Iran".
Bốn ngày sau thảm kịch máy bay, ông Zelensky công bố, ông và Tổng thống Iran Hassan Rouhani "đồng ý hợp tác toàn diện về pháp lý và kỹ thuật, bao gồm cả các vấn đề đền bù".
Một bức ảnh do Văn phòng Tổng thống Ukraine công bố ghi lại hình ảnh mảnh vỡ của chiếc máy bay bị rơi tại Tehran ngày 8/1
"Một lần nữa, ông Zelensky bước trên sợi dây căng bằng ngoại giao mỏng manh và hoàn tất đi ra mà không bị ngã nhào", bà Nina Jankowicz, một học giả tại Trung tâm Wilson đánh giá. "Đối với một chính trị gia mới vào nghề, ông ấy dường như biết làm sao có thể hòa hợp các bên đối đầu một cách chính xác nhất để bảo vệ được lợi ích của Ukraine".
Với Iran, Ukraine đã tìm ra được cách giải quyết mà họ vẫn chưa làm được với Nga trong vụ máy bay Malaysian Airlines MH17 bị rơi vào tháng 7/2014. Chiếc máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa từ vùng lãnh thổ quân nổi dậy ở miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Một nhóm các điều tra viên từ Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã xác định được một đơn vị vũ trang Nga phụ trách hệ thống tên lửa chống máy bay. Họ đã tiến hành khởi tố các cá nhân người Nga và Ukraine có liên quan tuy nhiên Moscow kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc.
"Khi một chiếc máy bay khởi hành từ một thủ đô châu Âu từ hơn 5 năm trước, châu Âu vẫn chưa hoàn tất điều tra thảm kịch và không thể nói ai có tội", ông Danilov nói. "Trong trường hợp của chúng tôi, thời gian để hiểu điều gì đã xảy ra ít hơn nhiều".
45 chuyên gia và nhân viên tìm kiếm – cứu nạn của Ukraine, bao gồm cả những người từng tham gia vụ máy bay Malaysia Airlines, đã có mặt tại Tehran vào sớm hôm thứ năm (9/1) để điều tra nguyên nhân thảm kịch và nhận dạng thi thể.
Ngày 10/1, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko phát biểu trước báo giới, nhóm điều tra Ukraine "không hài lòng". "Họ muốn được tiếp cận nhiều hơn và nhanh hơn", ông Prystaiko nói. "Họ muốn có thêm thông tin vv. Đây có phải là một yêu cầu hợp lý hay không, điều đó rất khó nói".
Những bức ảnh chụp tại hiện trường tai nạn được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những mảnh vỡ của một tên lửa từ hệ thống phòng thủ tên lửa Tor do Nga sản xuất. Nga từng xuất khẩu hệ thống tên lửa đất đối không tới nhiều nước, bao gồm cả Iran vào năm 2005. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu từ tầm ngắn tới tầm trung.
Một trong các thách thức mà các điều tra viên của Ukraine phải đối mặt tại Tehran là hiện trường vụ việc bị dọn dẹp với một tốc độ quá nhanh. Những gì còn lại của máy bay được đưa tới một nhà kho gần đó.
Cho tới tận thứ sáu (10/1), Ukraine mới được tiếp cận hộp đen. Nhóm điều tra đã nghiên cứu các mảnh vỡ máy bay và những dấu vết hóa học ở trên chúng, cũng như "phân tích các thi thể nạn nhân trong vụ tai nạn" ở bệnh viện.
"Công nghệ hiện đại, trao đổi thông tin tốc độ nhanh, làm việc với các nguồn thông tin khác nhau có được trên thế giới – tất cả đều đem tới khả năng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi rất khó khăn", ông Danilov nói. "Họ [Iran] hiểu rằng, lựa chọn nguyên nhân vụ việc không phải là họ, không thể tồn tại nữa".
Ông chia sẻ: "Quá trình phân tích các thông tin mà chúng tôi có được – không phải tại Tehran và tại Ukraine – đã chỉ ra, Iran không còn gì để phản đối".
Tránh được một sự rạn nứt quốc tế lớn hơn là một nhiệm vụ quan trọng rõ ràng mà Tổng thống Zelensky phải giải quyết. Ông đã bị kéo vào tiến trình luận tội tại nước Mỹ nhằm vào Tổng thống Donald Trump, đồng thời cũng đang đàm phán với Nga, Pháp và Đức để kết thúc cuộc xung đột tại miền đông Ukraine.
Trong bài phát biểu trước người dân Ukraine hôm chủ nhật (12/1), ông Zelensky tỏ ra nhẹ nhõm nhưng không kém phần tự tin khi tuyên bố: "Chúng ta đã làm việc một cách hệ thống, mà không bị kích động, vì một điều: đạt được kết quả, tìm ra sự thật về nguyên nhân của vụ tai nạn".