Sau bài viết giới thiệu về Selex Camel 1 được hàng trăm nghìn bạn đọc quan tâm, chúng tôi quyết định trải nghiệm trực tiếp chiếc xe này.
Selex Camel 1 từng được giới thiệu là mẫu xe máy điện bán tải, tức nói đến mục đích thiết kế đặc biệt của mẫu xe: Chuyên dụng cho ngành giao vận. Tính chất này của mẫu xe được giới thiệu thường xuyên, gắn với hình ảnh từ các tài xế xe ôm công nghệ đến các đơn vị vận chuyển mà cần thùng hàng lớn phía sau xe.
Với mục đích thiết kế xe như vậy, chiếc xe Made by Vietnam này liệu có "sống sót" vượt qua một ngày nhiều thử thách?
"MƯỢT ĐẤY NHỈ"
Tôi bắt đầu hành trình trải nghiệm từ văn phòng của Selex ở Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng chính là nơi hãng bàn giao và sửa chữa xe, đồng thời cũng là nơi đặt trạm đổi pin. Tại đây, đại diện của Selex giới thiệu với tôi về trạm đổi pin, chia sẻ vài thông số cơ bản của xe và hướng dẫn các thao tác vận hành xe.
Selex Camel 1 thường được giới thiệu có 2 chế độ lái là Eco (Tiết kiệm) và Sport (Thể thao), nhưng trong lúc được hướng dẫn thì tôi đã phát hiện ra rằng chiếc xe có chế độ lái thứ 3 mà ít người đề cập tới: Số lùi. Người hướng dẫn tôi cho biết rằng vì xe Camel 1 chuyên cho việc chở hàng, nên số lùi sẽ rất hữu ích khi tài xế phải lùi xe với thùng hàng nặng trong ngõ hẹp.
Selex Camel 1 có chế độ đi lùi, rất hữu dụng khi chở hàng nặng.
Hà Nội bỗng dưng nắng đẹp vào ngày tôi thử xe, nên chụp ảnh chắc chắn sẽ là ưu tiên số 1. Mang xe tới một khu chung cư gần đó để chụp là điều tôi thực hiện ngay sau, và cũng tại đây, một cư dân đã nhận ra mẫu xe Made by Vietnam này và xin đi thử.
"Mượt đấy nhỉ" - anh nói. Anh cũng so sánh giảm xóc trước của Selex Camel 1 với chiếc xe tay ga chạy xăng có giá gấp khoảng 2 lần mà anh đang sử dụng: "Phuộc trước [của Camel 1] mềm đấy, chứ cái xe kia [xe xăng của anh] có mà như không".
Bộ điều khiển mô tơ do Selex tự phát triển là thứ giúp Camel 1 chạy "mượt đấy nhỉ".
Thử thách đầu tiên tôi đặt ra cho Selex Camel 1 là kiểm tra độ linh hoạt trên đường đông, hoặc đường tắc khi chở người phía sau. Ý tưởng của thử thách này đến từ việc Selex Camel 1 được thiết kế làm xe ôm công nghệ hoặc xe chở hàng trong phố, vậy thì xe cần phải linh hoạt để luồn lách và mô tơ phải đủ mạnh để có thể tiếp tục đi - giả sử khi dừng ngang dốc.
Với thử thách này, tôi sẽ đưa một người bạn từ Láng Hạ về Ngã Tư Sở (cung đường khá đông vào giờ trưa), cố tình đi vào những đoạn tắc đường để thử xe. Sau khi thấy đoạn phía gần tòa nhà Peakview Hoàng Cầu đang ùn ứ, chúng tôi phi tới để thử.
Thật ra, với một chiếc xe thuôn dài, nhỏ gọn như Camel 1 thì luồn lách không phải vấn đề lớn, nhưng chúng tôi lại nhận thấy rằng cặp giảm xóc sau dường như hơi cứng cho việc chở người. Mỗi lần đi qua ổ gà hay những mấp mô trên đường, giảm xóc dường như hoạt động không "nhiệt tình".
Tuy nhiên, phải đi tới gần chục kilômét tôi mới nhận ra điều đó vì Selex Camel 1 có một thứ bù trừ rất tốt: Đệm yên rất dày!!! Thực sự, yên trước lẫn yên sau của Selex Camel 1 thiết kế rất tốt, đủ to rộng để ngồi thoải mái, đủ êm ái để người ngồi gần như không nhận ra cặp phuộc sau cứng chắc.
Selex Camel 1, như thường được giới thiệu, là một mẫu xe chuyên dụng cho giao vận. Với riêng Camel 1 thì việc chở hàng được ưu tiên hơn, nên giảm xóc cứng không phải điều vô lý; thậm chí, nhà sản xuất còn tính sẵn nơi để bắt thêm giảm xóc với những tài xế thực sự muốn biến Camel 1 thành một chiếc xe chuyên tải.
Ngoài cặp giảm xóc, chúng tôi còn nhận thấy rằng người ngồi phía sau có không gian rất thoải mái, từ việc không chạm chân vào chân người lái đến mũi giày người ngồi sau không cạ chân người ngồi trước khi người lái phải chống chân hoặc khi "bơi" chân lúc đi chậm. Tôi cho rằng đây là một ưu điểm rất tinh tế khi sử dụng Camel 1 làm xe ôm.
"ĐƯA CHÌA KHÓA ANH LÀM MỘT VÒNG"
Sau khi đưa bạn quay lại Láng Hạ, tôi tạt vào một hàng cơm ở khu Hoàng Cầu để ăn và nghỉ trưa. Vì đây là hàng quen nên anh chủ quán đã nhẵn mặt tôi với chiếc xe thường đi; cũng bởi vậy mà lúc thấy tôi đi đến bằng một chiếc xe lạ, anh không ngừng hỏi han về nó: "Giá chưa đến 23 triệu á? Đưa chìa khóa anh làm một vòng nào".
Sau anh chủ quán, tiếp tục đến những người bán hàng khác quanh khu đó ra nhìn ngó chiếc xe "lạ". Hầu hết mọi người đều bất ngờ về hai thứ: Made by Vietnam (nội địa hóa tới 80%) và giá 23 triệu đồng.
Selex Motors thực ra thành lập từ năm 2018 (thời điểm trước Covid); nhà máy sản xuất xe nằm "bên kia sông Đuống" tại dốc Vân, Gia Lâm, Hà Nội. Hiện nay, hãng chú trọng đến xe cho ngành giao vận chứ không phải xe cá nhân nên việc ít được biết tới có lẽ là điều dễ hiểu.
Theo một số nguồn tin không chính thức, rất có thể Selex sẽ sớm cho ra mắt xe máy điện cá nhân mà vẫn sẽ áp dụng phương thức đổi pin. Như lời giới thiệu của hãng, việc đổi pin có thể diễn ra trong vòng vài phút thay vì mất từ 3 đến 8 tiếng sạc pin, từ đó "xóa bỏ được khái niệm 'quãng đường tối đa' của xe máy điện".
Nhân lúc mọi người ở khu đó đang quan tâm, tôi cũng giới thiệu những điều rất thú vị mà Selex đã thiết kế cho một chiếc xe vận tải: Gương có thể kéo dài, khung yên có thể nới dài, xe có thể gài số lùi, cụm đèn hậu và biển số có thể tháo rời để gắn lên thùng hàng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định, người dùng có thể đổi pin...
Nghe được từ khóa "xe chở hàng", anh chủ quán liền nhờ ngay tôi với anh đi đổi hai bình nước cho quán từ hàng tạp hóa cách khoảng 500m. Hai người lớn với tổng cân nặng khoảng 130kg, hai bình nước loại 19 lít là 38kg, xác xe là 105kg (khi có 3 pin), vậy mô tơ chiếc xe đang gánh tổng cộng hơn 270kg, nhưng tiến hay lùi đều không có vấn đề gì.
Cần lưu ý rằng trọng tải tối đa Selex nêu trong bảng thông số xe chỉ là 225kg. Có lẽ đó là mức tải trọng để xe vận hành an toàn, còn khi thực hiện nhiệm vụ như trên có lẽ sẽ khiến xe... giảm thọ.
THỬ THÁCH "THĂNG LONG TỨ TRẤN"
Buổi chiều là lúc tôi thử xem một chiếc xe dành cho tài xế có khiến tài xế thoải mái khi phải cầm lái lâu hay không. Nói một cách đơn giản hơn, tôi phải đi thật nhiều! Tôi lựa chọn Thăng Long Tứ Trấn để mô phỏng phần nào hành trình giao thông mà các tài xế phải đối mặt hàng ngày: Đi liên tục trong nội đô, xuyên qua từ đường lớn đến đường hẹp.
Điểm đầu tiên tôi tới là Trấn Nam - Đình Kim Liên (đường Xã Đàn, quận Đống Đa), sau đó tới Trấn Tây - Đền Voi Phục (đường Kim Mã, quận Ba Đình), đi tiếp tới Trấn Bắc - Đền Quán Thánh (đường Thanh Niên, quận Ba Đình), và kết thúc tại Trấn Đông - Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).
Selex Camel 1 tại Thăng Long Tứ Trấn.
Hành trình di chuyển tới cả Tứ Trấn chỉ mất hơn một tiếng với quãng đường khoảng 15km - một quãng đường rất ngắn so với quãng đường trung bình 200km mỗi tài xế di chuyển mỗi ngày, nhưng chừng đó vẫn đủ giúp tôi nhận thấy một vài điều thú vị:
- Đệm yên ngoài dày thì còn rộng, ngồi lâu không bị tê, mỏi; tuy nhiên, vì đệm yên rộng nên người lái phải hơi kiễng chân khi chống chân; người có chiều cao 1,65 mét như tôi thì chỉ nhón gót một chút, phần bàn chân tiếp xúc đủ rộng để cảm thấy tự tin giữ xe;
- Tay lái cao vừa vặn với tôi để đi liên tục mà không bị mỏi cổ tay hay cẳng tay;
- Tư thế ngồi tương đối thẳng lưng, nhưng nếu người lái không chủ động ngồi thẳng lưng thì vẫn sẽ bị mỏi lưng dưới khi đi lâu, tương tự nhiều mẫu xe máy đi phố phổ thông khác. Một ý kiến từng được nêu ra là Selex có thể tham khảo tư thế ngồi của dòng mô tô Adventure (dòng xe chuyên chạy đường trường) với thiết kế kích thích người ngồi lái thẳng lưng, giảm khó chịu.
- Tốc độ tối đa chế độ Eco 30km/h không chậm! Phải thừa nhận rằng khi đi trên những con đường lớn như Trường Chinh hay Xã Đàn, chạy 30km/h khá nhàm chán, nhưng nếu bạn không thể giữ nguyên tốc độ đó trong 10 giây liên tục thì bạn phải đồng ý với tôi rằng 30km/h là đủ.
CẦU LONG BIÊN
KHI PHỐ XÁ LÊN ĐÈN
Dừng tại đền Bạch Mã lúc hơn 4h chiều ngày nắng đẹp, tôi nảy ra ý tưởng về việc lên cầu Long Biên để chụp ảnh xe cùng hoàng hôn, và cũng quan trọng không kém là... thử độ êm ái của xe.
Cầu Long Biên dài gần 1,7km, bắt đầu đi vào sử dụng từ năm 1903 nên tới nay, mặt đường không còn tốt. Nếu đệm yên của Selex Camel 1 có thể bù đắp được một vài ổ gà, mấp mô trên đường đô thị thì với một con đường xóc nảy nhỏ liên tục, người ngồi xe cảm thấy thế nào?
Cảm thấy không dễ chịu!
Khi liên tiếp gặp những rãnh và gờ ngang mặt đường, xe nảy lên và liên tục dội vào lưng người ngồi xe. Nếu phải đi hai vòng cầu Long Biên liên tục (một vòng để cảm nhận giảm xóc và một vòng tìm chỗ chụp ảnh) thì hẳn ai cũng sẽ cảm thấy giống tôi.
Thật ra, trừ một vài mẫu xe máy cao cấp rất chú trọng vào sự thoải mái với phuộc mềm, đệm êm thì hầu như xe máy phổ thông nào cũng đều gặp vấn đề như trên. Nếu ai đi qua cầu Long Biên mà có thể nói xe êm thì hoặc chiếc xe đó thật sự êm, hoặc người đó đã quá mải nhìn ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp bao lấy cây cầu này.
Thử thách cuối cùng tôi dành cho Camel 1 là độ hữu dụng của đèn xe khi đi buổi tối. Hiện nay, các con phố đông người qua lại tại Hà Nội hầu như đều được lắp đủ đèn đường để chiếu sáng cho người tham gia giao thông. Selex Camel 1 sử dụng đèn cốt và đèn pha LED màu trắng, có đi kèm tính năng nháy pha (còn gọi là đèn passing) khi mở đèn.
Qua trải nghiệm, tôi cho rằng khả năng chiếu sáng của Selex Camel 1 rất ấn tượng.
Khi đứng trong ngõ tối, có thể thấy đèn cốt chiếu tràn sang cả hai bên xe. Về độ sáng, có lẽ không giúp ích nhiều khi đi trên đường đã có đèn điện, nhưng nếu đi trong một con ngõ thiếu đèn đường thì độ rộng của đèn mang lại sự tự tin cho người lái.
Một điều tôi cũng hơi lo lắng là khi gặp quán nước trong các phố hoặc ngõ nhỏ, đèn cốt của xe dường như khiến họ chói mắt. Thực ra, có ai nhìn vào đèn mà không chói mắt cơ chứ? Và nếu như ai có nghi ngại về độ cao hay mặt cắt của đèn thì có thể yên tâm. Tôi đã tới nhà máy của Selex và biết rằng họ có dây chuyền kiểm thử xe trước khi xuất xưởng (bao gồm kiểm tra đèn) nhằm đảm bảo xe đạt tiêu chuẩn của Cục Đăng kiểm.
Bấm vào ảnh để xem sự khác biệt giữa đèn cốt (ảnh trước) và đèn pha (ảnh sau) trên một con đường không quá sáng.
Hành trình thử xe của tôi chính thức kết thúc vào sáng hôm sau. Với một ngày di chuyển liên tục chủ yếu là đi một mình trên quãng đường gần 80km (theo bộ đếm trên ứng dụng điện thoại Selex), ba pack pin của xe còn lại khoảng 15% - tương đương hơn 20km theo bộ tính của xe.
Trước khi quay trở lại với chiếc xe máy xăng của mình, tôi đã thử đổi pin tại trạm của Selex đặt tại văn phòng. Đáng lý ra việc đổi pin diễn ra trong phút mốt, nhưng tôi gặp một khoang pin bị lỗi, mất vài phút mới nhận pin nên tổng thời gian tôi dành để đổi lấy 3 pack pin đầy lên đến hơn 8 phút - lâu gấp 4 lần thời gian được giới thiệu nhưng so với những lần chờ đổ xăng thì có lẽ không có gì khác biệt.
Tôi tham gia hội người dùng xe điện Selex trên mạng xã hội đã gần một năm nhưng gần như chưa gặp bác tài nào than phiền về trạm pin lỗi. Theo lý giải của kỹ thuật viên hỗ trợ tôi lúc đổi pin thì trạm tại văn phòng ở Hà Nội thường xuyên được sử dụng để thử kỹ thuật nên xác suất lỗi cao hơn.