Ngày 11/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị loét đường tiêu hóa rất nặng. Bệnh nhi là bé trai H.G.H. (13 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng ói ra máu, đi tiêu phân đen lượng nhiều.
Trẻ đã được các bác sĩ truyền máu, truyền dịch và nội soi cấp cứu. Trên hình ảnh camera nội soi ghi nhận, tại vị trí tá tràng (phần khởi đầu của ruột non nằm giữa dạ dày và hỗng tràng) của bệnh nhi có ổ loét rất lớn. Tại vị trí tổn thương, máu đang phun thành tia, đây là nguyên nhân khiến trẻ bị mất máu cấp, nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
BS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó khoa Tiêu hoá BV Nhi Đồng 2 cho biết, bằng phương pháp nội soi, ê kíp bác sĩ đã tiến hành kẹp kết hợp tiêm cầm máu, xử lý ổ loét đã gây tổn thương rất nặng tá tràng cho bệnh nhi. Sau can thiệp, trẻ không còn bị chảy máu, sức khỏe dần bình phục.
Theo bác sĩ Thuỷ, HP là loại vi khuẩn sống trong dạ dày con người, đây là loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới chỉ sau vi khuẩn gây bệnh sâu răng. Thực tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng do HP gây ra ở trẻ ngày càng gặp nhiều. Thống kê sơ bộ, mỗi năm bệnh viện ghi nhận gần 1.000 bệnh nhi viêm loét dạ dày tá tràng cần được điều trị.
Bác sĩ cảnh báo, đường lây của vi khuẩn HP rất đa dạng phổ biến nhất là lây qua ăn uống khi dùng chung các vật dụng trên bàn ăn, ăn đồ sống; HP cũng có thể lây qua các thiết bị y tế như dụng cụ nội soi, dụng cụ nha khoa nếu không được tiệt trùng.
Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, BS Thu Thuỷ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện đau bụng kéo dài, ợ ói, buồn nôn, xanh xao, thiếu máu dai dẳng, sụt cân, chậm tăng trưởng không rõ nguyên nhân, ói máu, đi tiêu phân đen… phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời.