Màu sắc của nước tiểu phụ thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Nếu uống ít nước, lâu đi tiểu thì nước tiểu sẽ có màu sẫm hơn. Ví dụ nước tiểu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ đậm màu hơn nước tiểu bài tiết trong ngày. Tuy nhiên, nếu màu của nước tiểu thay đổi có thể báo hiệu vấn đề sức khỏe. Do đó, hãy chú ý đến những thay đổi sau đây trong nước tiểu:
Có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu: Dấu hiệu này có thể cảnh báo tình trạng viêm nặng. Nếu kèm đau khi đi tiểu, rất có thể bạn đang bị nhiễm trùng bàng quang. Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận cũng có thể gây ra tiểu máu. Các nguyên nhân khác có thể xảy ra nhưng hiếm gặp hơn là ung thư thận hoặc tuyến tiền liệt, và ung thư bàng quang, thường gặp ở những người hút thuốc.
Màu nâu: Nguyên nhân có thể do viêm bàng quang hoặc bệnh thận. Tuy nhiên, nước tiểu màu nâu cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng của gan (xơ gan, viêm gan), mật (sỏi mật), hoặc tuyến tụy (viêm tụy).
[Đọc thêm: Cương cứng liên tục 3 tiếng vì COVID-19 và kết cục bi thảm của người đàn ông]
Hồng hoặc đỏ: Tình trạng này có thể do ăn các loại rau quả màu đỏ như củ cải đường, việt quất, rau đại hoàng... Nếu không, màu này có thể báo hiệu khá nhiều bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiểu, các bệnh về thận, khối u ác tính và bệnh tuyến tiền liệt.
Nước tiểu sủi bọt: Nếu nước tiểu sủi bọt khi đi tiểu xảy ra thường xuyên có thể do chế độ ăn dư thừa protein hoặc rối loạn chức năng thận. Rối loạn này có thể do khối u thận, tiểu đường và huyết áp cao gây ra.
Nước tiểu đục: Đây không chỉ là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu mà còn là một trong những triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu…