Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu "B-52, thần sấm, con ma" Mỹ

Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự / BTTM |

Ngày 11/5/1966, kíp trắc thủ tiểu đoàn 73 đã không phát hiện được tín hiệu tên lửa Sơrai rất nhỏ và lẫn trong màn nhiễu dày đặc nên bị đánh trúng làm 12 chiến sĩ ta thương vong.

Màn nhiễu dày đặc của quân thù

Năm 1965 Không quân Mỹ sử dụng chủ yếu là nhiễu tiêu cực (tức là biện pháp thả các sợi nhiễu kim loại từ máy bay), hầu như chưa có nhiễu tích cực nên tình huống nhiễu điện tử chưa có gì phức tạp, trên các màn hiện sóng radar và tên lửa của ta đều nhìn thấy rõ tín hiệu mục tiêu.

Nhưng từ cuối 1965, các nhà quân sự Mỹ đã đề ra 5 biện pháp chống tên lửa, trong đó có 2 biện pháp chính là gây nhiễu điện tử và sử dụng tên lửa tự dẫn chống radar.

Từ năm 1966 lần lượt xuất hiện các thiết bị gây nhiễu tích cực ngoài đội hình (đặt trên các máy bay gây nhiễu chuyên dụng như EB-66, EC-121, EA-6B…) và trong đội hình (máy gây nhiễu được đặt ngay trên các loại máy bay chiến đấu) với số lượng 1-2 máy cho 1 máy bay chiến thuật và tới 15 máy gây nhiễu các loại cho 1 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Hầu hết trong số đó đều là các loại nhiễu điện tử công suất lớn, gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện mục tiêu và điều khiển tên lửa của ta.

Thời kỳ đầu (1965-1966) mỗi tốp 4 máy bay địch chỉ có 50% được trang bị máy gây nhiễu tích cực (nhiễu trong đội hình), sau đó thì từng máy bay đều được trang bị máy gây nhiễu (tức là số máy gây nhiễu trong 1 tốp đã tăng gấp đôi) và cường độ nhiễu bắt đầu tăng lên, thường được gọi là nhiễu cường độ 1. Việc phát hiện mục tiêu bắt đầu khó khăn.

Từ giữa 1966, trong các đợt đánh lớn, KQ Mỹ đã kết hợp cả máy bay gây nhiễu ngoài đội hình từ cự ly 60-100 km.

Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu B-52, thần sấm, con ma Mỹ - Ảnh 1.

Máy bay gây nhiễu chuyên dụng EA-6B.

Sang năm 1967 có khi cả 4 hướng đều có 6-8 máy bay gây nhiễu hoạt động, cùng với các máy gây nhiễu của từng máy bay trong đội hình đánh phá, tạo nên màn nhiễu dày đặc cường độ 2 và 3, trắc thủ rất khó phát hiện và phân biệt các loại mục tiêu, tên lửa không bắn được vì nhiễu nặng.

Trong các trận đánh có máy bay chiến lược tham gia thì mật độ nhiễu lại càng tăng cao hơn do mỗi B-52 có 15 máy gây nhiễu tích cực, tức là mỗi tốp 3 chiếc sẽ có 45 máy gây nhiễu cùng hoạt động và sẽ tạo ra cường độ nhiễu rất lớn, nhiễu toàn màn cường độ 3.

Trên các màn hiện sóng radar và tên lửa bị nhiễu dày đặc như bão tuyết, rất khó hoặc không thể phát hiện được mục tiêu.

Trong cuộc chiến, hải quân Mỹ thường sử dụng loại máy bay gây nhiễu EA-6B, tầm hoạt động 1.700 km, được trang bị từ năm 1971 với 10 máy gây nhiễu công suất lớn loại ALQ-99 có thể tạo ra đủ loại nhiễu chặn, nhiễu ngắm, nhiễu quét trong dải tần 50-10.500 MHz, bao quát hết dải tần các loại radar, tên lửa và mạng thông tin liên lạc của ta.

Các đợt tấn công của máy bay Hải quân vào miền Bắc đều được sự hỗ trợ của máy bay EA-6B trên tàu sân bay Mỹ từ hướng biển phối hợp với các máy bay EB-66 và EC-121 ở hướng tây bắc hỗ trợ cho Không quân chiến thuật từ Thái Lan sang.

Máy bay của Hải quân Mỹ gần như suốt cuộc chiến là sử dụng các máy gây nhiễu xung trả lời như: ALQ-41 gây nhiễu ở băng sóng 3 cm; ALQ-51 ở băng sóng 10 cm đối với radar SON-9A và đài điều khiển tên lửa, sau đó được cải tiến thành ALQ-100 ở băng sóng 5-10 cm với công suất lớn hơn (400 W) nên gây nhiễu cho cả cánh sóng phụ của các đài radar và tên lửa…

Còn Không quân chiến thuật Mỹ thường sử dụng nhiễu tạp với các loại máy gây nhiễu như: QRC-160 ở băng sóng 10 cm (tần số 2.600-3.100 MHz), công suất nhiễu 150 W, sau đó nó tiếp tục được cải tiến mở rộng tần số, tăng công suất và gây nhiễu rãnh đạn (ALQ-71); ALQ-87 đến ALQ-101 với công suất 250-400 W.

Trong đó ALQ-101 gây cả nhiễu tạp và nhiễu xung trả lời, được trang bị cho máy bay F-111…

Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu B-52, thần sấm, con ma Mỹ - Ảnh 2.

Mảnh xác chiếc máy bay F-111 bị bộ đội phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Không quân chiến lược thì biết rõ B-52 to xác, nặng nề, cơ động kém, lại bay ở độ cao đúng tầm bắn hiệu quả của SAM-2 nên đã rất chú trọng đến hệ thống điện tử cho B-52 khi được trang bị mạnh gấp nhiều lần các loại máy bay chiến thuật và liên tục cải tiến nhằm bịt mắt radar và tên lửa của ta.

Trên mỗi chiếc B-52 có nhiều thiết bị trinh sát điện tử với 3 máy thu các tín hiệu radar, tên lửa của ta và báo động nguy hiểm về tên lửa phòng không cho kíp lái.

Chúng còn được trang bị 15 máy gây nhiễu tích cực, trong đó có 9 máy loại ALT-22 và ALT-28 nhằm vào tần số của SAM-2 với công suất tới 250 W mỗi máy, 4 máy gây nhiễu sóng m và dm đối với các đài radar cảnh giới và mạng thông tin-liên lạc, 2 máy gây nhiễu sóng 3 cm với công suất 50-80 W mỗi máy nhằm vào radar của máy bay MiG.

Ngoài ra B-52 còn nhiễu tiêu cực gồm 2 máy phóng nhiễu, mỗi máy có 450 bó sợi nhiễu (cho dải sóng 3 cm, 5 cm và 10 cm) và 2 máy phóng nhiễu hồng ngoại gồm 56 quả pháo sáng dạng mồi bẫy nhiệt lắp ở cánh đuôi ngang để chống tên lửa tự dẫn hồng ngoại của MiG.

Cuối chiến tranh, Không quân Mỹ có thêm loại máy ALQ-117 để gây nhiễu cho băng sóng 3 cm (tên lửa SAM-3) nhưng trong số B-52 rơi ở Hà Nội 12/1972 chưa có loại này. Có lẽ tình báo Mỹ nắm được Việt Nam chưa có SAM-3 tham chiến lúc đó nên chưa lắp loại máy gây nhiễu này cho số B-52 tham gia đánh Hà Nội –Hải Phòng.

Trí tuệ của chiến sĩ tên lửa Việt Nam

Những ngày đầu phải đối phó với các loại nhiễu điện tử của địch thật là vô cùng khó khăn với các chiến sĩ tên lửa, radar Việt Nam vốn là những nông dân, học sinh… chưa hề tiếp xúc với kỹ thuật hiện đại.

Bài học thu được nhiều khi phải trả bằng máu: ngày 11/5/1966 khi đang tập trung tìm mục tiêu trong màn nhiễu dày đặc, kíp trắc thủ tiểu đoàn tên lửa 73 đã không phát hiện được tín hiệu tên lửa Sơrai (Shrike) rất nhỏ và lẫn trong nhiễu nên bị nó đánh trúng trận địa làm 12 chiến sĩ ta thương vong…

Đầu tháng 12/1967 Không quân Mỹ bắt đầu sử dụng máy gây nhiễu loại mới ALQ-71 chuyên gây nhiễu rãnh đạn với công suất lớn để chế áp việc điều khiển tên lửa, làm nhiều quả đạn của ta phóng lên bị rơi xuống đất.

Nhưng trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy, ngày 11/2/1968 tiểu đoàn tên lửa 61 đã mưu trí, thao tác chính xác bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-105 trên nền nhiễu, thu được máy gây nhiễu ALQ-71 còn nguyên vẹn để các cơ quan kỹ thuật của ta nghiên cứu. Ngày 30/3/1968, tiểu đoàn tên lửa 64 lại bắn rơi 1 máy bay F-111 mang máy gây nhiễu rãnh đạn.

Qua nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật quân sự VN và chuyên gia Liên Xô đã tìm ra hướng giải quyết cơ bản vấn đề này và tiến hành cải tiến khí tài chống được nhiễu rãnh đạn, bảo đảm cho bộ đội tên lửa sau này chiến đấu đạt hiệu quả rất cao: bắn rơi tất cả 40 kiểu loại máy bay chiến đấu mà Không quân Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam (trừ 1 loại máy bay trinh sát SR-71).

Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu B-52, thần sấm, con ma Mỹ - Ảnh 3.

Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô cùng BCH một trung đoàn TLPK Việt Nam

Ta cũng đã kết hợp linh hoạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật để bảo đảm phát hiện và đánh trúng B-52 như bố trí đội hình dãn sang 2 bên, tránh nhiễu chính diện, phát sóng đúng thời cơ, đánh nhanh có chuẩn bị với 1 lần phát sóng…

Với tất cả sức mạnh của bộ máy quân sự hiện đại bậc nhất thế giới, Lầu Năm Góc tin rằng hệ thống tên lửa, radar VN sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa và B-52 sẽ tiến hành chiến dịch này như "đi dạo", Hà Nội rồi sẽ phải khuất phục…

Thế nhưng kết quả thực tế diễn ra ngược lại vì họ đã đánh giá nhầm sức mạnh của hệ thống phòng không Hà Nội với trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

Sự hiểu biết kỹ lưỡng về khả năng tác chiến điện tử của KQ Mỹ và vận dụng sáng tạo các biện pháp đối phó là trí tuệ và cả xương máu của rất nhiều chiến sĩ tên lửa cũng như các cán bộ Kỹ thuật quân sự Việt Nam trong 8 năm liên tục chiến đấu.

Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu B-52, thần sấm, con ma Mỹ - Ảnh 4.

Xác máy bay B52 bị bắn rơi ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) ngày 27/12/1972.

Để đến 12 ngày đêm cuối năm 1972, những kinh nghiệm ấy đã vụt tỏa sáng, giúp chúng ta lập nên kỳ tích "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" độc nhất vô nhị: bắn rơi tại chỗ hàng loạt siêu pháo đài bay B-52, hạ gục uy danh của Không quân chiến lược Mỹ.

B-52 tại căn cứ không quân Davis-Monthan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại