Ngày xưa, có một phú ông rất ham mê việc tích trữ của cải. Có thể nói ông ta là một trong những người giàu nhất thiên hạ. Số vàng bạc châu báu mà ông ta có được nhiều đến nỗi chẳng đủ chỗ để cất nữa.
Bỗng một buổi sáng nọ, người đàn ông tỉnh dậy và thấy rằng tất cả số vàng mình đã tích trữ đều biến thành bụi đất. Ông ta như hóa điên. Có người chỉ cho ông ta đến tìm Đức Phật để được giúp đỡ và phú ông đành hấp tấp chạy ngay tới đó.
Người đàn ông mất hết núi vàng đến tìm Đức Phật nhờ giúp đỡ. (Ảnh minh họa: Internet)
Sau khi nghe người đàn ông kể lại câu chuyện, Đức Phật nói với ông ta: "Ngươi hãy làm một việc thôi. Đem hết số vàng đó tới chợ rao bán, nếu có người nhận ra nó là vàng, hãy đưa người đó đến gặp ta".
Người đàn ông hồ nghi hỏi lại: "Chuyện này thì giúp gì được cho tôi?".
Đức Phật trả lời: "Nó sẽ giúp được cho ngươi. Đi đi".
Và thế là, phú ông đem hết số vàng của ông, giờ chỉ là bụi đất, chất đầy lên vô số những chiếc xe bò rồi đem ra chợ. Cả một khu chợ chỉ toàn là những xe đất của ông ta. Nhiều người đến xem rồi thi nhau chỉ trỏ, chế nhạo người đàn ông: "Chuyện vớ vẩn gì thế này? Sao ông lại đem bụi đất đến chợ làm gì? Để làm gì chứ?"
Thế nhưng, người đàn ông vẫn im lặng, không tỏ thái độ gì.
Rồi sau đó, có một phụ nữ xuất hiện. Người này tên là Kisagautami. Cô nói với phú ông: "Sao nhiều vàng thế? Từ đâu mà ông lại có được nhiều vàng đến thế này?"
Người đàn ông hỏi lại Kisagautami: "Cô có thể nhìn thấy vàng ở đây ư?"
Kisagautami đáp lại: "Đúng, hàng ngàn chiếc xe này chứa đầy vàng".
Phú ông hỏi Kisagautami rằng cô có bí mật gì, tại sao cô lại thấy được, vì tất cả mọi người, bao gồm cả ông ta cũng không thấy đó là vàng, mà chỉ là một đống bụi đất mà thôi.
Kisagautami từng đau khổ đến suy sụp khi đến tìm Đức Phật, nhờ Ngài tìm cách giúp hồi sinh đứa con trai đã mất của cô, rồi sau trở thành một đệ tử của Ngài. (Ảnh minh họa: Internet)
Nhớ lại lời Đức Phật dặn, phú ông đưa Kisagautami đến gặp Ngài.
Đức Phật nói: "Ngươi đã tìm được đúng người rồi đấy. Cô ấy sẽ dạy cho ngươi về nghệ thuật nhìn thấu. Thế giới chính là những thứ ngươi nhìn thấy. Nó có thể là địa ngục, cũng có thể là thiên đường.
Vàng có thể là bụi, mà bụi cũng có thể là vàng, tùy vào cách nhìn của ngươi. Ngươi sẽ là một đệ tử của Kisagautami. Kisagautami sẽ dạy cho ngươi. Và ngày mà ngươi biết cách nhìn cho đúng đắn thì cả thế giới sẽ biến lại thành vàng."
Lời bàn: Kisagautami là một cô gái bất hạnh, sinh ra trong nghèo khó, lớn lên được gả vào một gia đình giàu có nhưng sau đó lại rơi vào cảnh đau khổ vì đứa con trai duy nhất qua đời khi còn nhỏ tuổi.
Quá đau khổ, Kisagautami đã tìm đến Đức Phật nhờ cứu giúp và sau này, đã lĩnh hội được Phật pháp và trở thành một trong những đệ tử của Ngài.
Mượn câu chuyện về người đàn ông ham mê của cải vật chất, Đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng sinh một điều cơ bản nhất, nhưng lại bị nhiều người quên mất đi: Thế giới chính là những gì mà ta nhìn thấy, nó có thể là địa ngục, với những khó khăn chồng chất, cũng có thể là thiên đường, với những cơ hội để ta chứng minh bản thân, tất cả là do chúng ta quyết định.
Theo quan điểm của nhà Phật, khi ta bị lòng tham che mờ mắt, thì dù ta có bao nhiêu của cải đi chăng nữa, cũng sẽ thấy mình luôn thiếu thốn, tâm sẽ luôn bất an, con mắt nhìn đâu cũng chỉ tìm kiếm tiền bạc.
Còn khi ta tự thấy bản thân đã có đủ, không còn thèm muốn những của cải của người khác, thì xung quanh ta, mọi vật sẽ trở về đúng vị trí của nó, con mắt sẽ không bị yếu tố nào khác tác động và sẽ có cái nhìn khách quan nhất.
Cái đau khổ của người đàn ông khi bỗng dưng mất đi cả một núi vàng, so với cái đau khổ của Kisagautami, là mất đi đứa con trai duy nhất, không là gì hết. Khi đã trải qua tận cùng của sự bất hạnh, khi biết chấp nhận những quy luật tất yếu thì cũng là lúc Kisagautami thấu tỏ mọi lẽ trên đời, và có thể giúp người đàn ông thay đổi thế giới quan của mình.
Câu chuyện nói trên được trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng I Say Unto You của tác giả Osho, người Ấn Độ (1931 – 1990), tên thật là Chandra Mohan Jain).
Osho là một bậc thầy tâm linh và thiền, nghiên cứu nhiều tôn giáo khác nhau, từ Ấn Độ giáo, cho tới Phật giáo.
Ông cũng viết rất nhiều cuốn sách và có nhiều bài thuyết giảng đậm chất tôn giáo, triết học và lãnh đạo nhiều phong trào chống lại những quan niệm cổ hủ và lạc hậu trong xã hội Ấn Độ, cổ vũ thanh niên đi theo một lối sống tích cực và hiện đại.
Theo Atmaboda