Chúng ta cứ nghĩ thời gian sẽ trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi nhưng hóa ra điều ngược lại mới đúng. Do Mặt Trăng ngày càng di chuyển ra xa Trái Đất nên một ngày trên Trái Đất đang ngày càng trở nên dài hơn.
Dựa trên một nghiên cứu về mối quan hệ giữa Trái Đất và Mặt Trăng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng 1,4 tỷ năm trước một ngày trên Trái Đất chỉ có 18 tiếng. Điều này đồng nghĩa với việc từ đó đến nay một ngày trên Trái Đất đã dài thêm 6 tiếng hoặc trung bình mỗi năm một ngày dài thêm 0,00001542857 giây.
Và lý do là Mặt Trăng liên tục, không bao giờ ngừng di chuyển ra xa Trái Đất hơn. 1,4 tỷ năm trước, Mặt Trăng gần Trái Đất hơn và vì thế vòng quay của Trái Đất nhanh hơn một chút.
Để phát hiện ra điều này, các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin-Madison đã sử dụng một kỹ thuật gọi là astrochronology, liên kết hồ sơ địa chất với lý thuyết thiên văn để tái tạo lịch sử Trái Đất và Hệ Mặt Trời.
Cụ thể hơn, họ sử dụng cái gọi là chu kỳ Milankovitch, sự thay đổi khí hậu của Trái Đất bị gây ra bởi quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời và các thông số khác liên quan tới độ nghiêng của trục dọc Trái Đất và sự rung lắc của trục Trái Đất khi hướng ra xa Mặt Trời...
Điều này dẫn đến sự thay đổi về lượng bức xạ Mặt Trời tới các vĩ độ khác nhau và những thay đổi về khí hậu ấy được lưu lại trong đá và hóa thạch cổ.
Bằng astrochronology, các nhà khoa học có thể nghiên cứu khí hậu Trái Đất và sự ảnh hưởng của nó với những vật thể khác trong Hệ Mặt Trời trong hàng trăm triệu năm trước.
Thậm chí, bằng cách tính toán khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng ở thời điểm cách đây hàng tỷ năm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng Mặt Trăng rời xa Trái Đất với tốc độ thấp hơn hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc một ngày trên Trái Đất sẽ tiếp tục dài hơn theo thời gian.
Vì thế, kết quả nghiên cứu gần đây cho rằng mỗi năm một ngày trên trái đất lại dài thêm 0.001818 giây là hoàn toàn có cơ sở.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn sử dụng phương thức tiếp cận của họ để tái tạo lại sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời trong hàng tỷ năm qua.