Cháy rừng bùng phát trên khắp miền Tây đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh gay gắt để giành sự ủng hộ của khối cử tri ngoại ô giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt là phụ nữ, khi những hình ảnh về sự tàn phá khủng khiếp xuất hiện trên báo chí.
Tổng thống Trump đã tìm cách đối phó với sự giảm sút tỷ lệ ủng hộ của các cử tri ngoại ô bằng cách khẳng định rằng nếu đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng thì đó sẽ là mối đe dọa đối với sự an toàn của các vùng ngoại ô.
Tuy nhiên, ông Biden, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ, đang tìm cách “định nghĩa lại” khái niệm “an toàn” cho một khối cử tri đang bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ đại dịch, bất ổn xã hội trên các đường phố và giờ là những đám cháy rừng chết chóc.
Mối đe dọa thực tế và tức thời
Ông Biden coi biến đổi khí hậu như một mối đe dọa thực tế và tức thời đối với các vùng ngoại ô hơn là tình trạng bạo lực được mô tả trong các đoạn quảng cáo và tuyên bố công khai của ông Trump. Ông nhấn mạnh trong một bài phát biểu ngày 14/9 rằng các đám cháy khủng khiếp đang tàn phá các khu rừng, phá hủy nhà cửa và cướp đi nhiều mạng sống.
“Đó là điều đặc biệt rõ ràng đối với mọi người ngay ở thời điểm này”, Kate Bedingfield, Phó quản lý chiến dịch của ông Biden nói.
Bài phát biểu của ông Biden đưa ra trong bối cảnh ông Trump đã có chuyến thăm vào giờ chót tới California để gặp gỡ giới chức địa phương đang phải vật lộn với thảm họa cháy rừng. Trong chuyến thăm này, ông Trump đã tuyên bố rằng “nó sẽ nguội đi thôi, rồi bạn sẽ thấy”.
Các diễn biến trên cho thấy một vấn đề vốn luôn nằm bên lề trong các chiến dịch tranh cử tổng thống - và có vẻ như lần này càng bị “che khuất” bởi đại dịch và bất ổn xã hội - có thể trở thành mặt trận mới khi chỉ còn 7 tuần nữa là tới Ngày Bầu cử.
Đối với các số cử tri vùng ngoại ô, đặc biệt là những người sống ở phía Tây, mối đe dọa mất nhà ở vì cháy rừng, rủi ro y tế đối với gia đình họ từ những đám khói dày đặc có vẻ như tức thời hơn cả bất ổn xã hội mà ông Trump đã nhấn mạnh trong các bài phát biểu và quảng cáo chiến dịch tranh cử.
“Những đám cháy ở miền Tây là các bang màu xanh [ủng hộ đảng Dân chủ], và phần lớn đất nước đang không trải nghiệm điều đó. Tuy nhiên, đây là lời nhắc nhở đối với rất nhiều người – đặc biệt là với những cử tri ở ngoại ô có học thức cao – rằng ông ấy [Tổng thống Trump] đã ‘phản khoa học’ như thế nào”, Anna Greenberg, một nhà thăm dò dư luận cho đảng Dân chủ nói.
Rob Stutzman, một nhà chiến lược đảng Cộng hòa tại California, nói rằng, các cử tri ngoại ô đang dao động, họ đã “nản lòng vì cách Tổng thống nói về biến đổi khí hậu” nói riêng cũng như khoa học nói chung.
Tầm quan trọng của mặt trận này lại đang được nhấn mạnh một lần nữa vào hôm 15/9 khi Thượng nghị sĩ Kamala Harris - liên danh tranh cử của ông Biden, trở lại bang quê nhà (California) để đánh giá thiệt hại và thị sát một số khu vực bị tàn phá trong trận cháy rừng Creek.
Các trận cháy rừng đã cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa Nhà Trắng của ông Trump với ứng viên tổng thống tiềm năng Biden. Cháy rừng nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung sẽ là một mặt trận cạnh tranh nòng cốt khi 2 ứng cử viên sắp bước vào 3 cuộc tranh luận trực tiếp.
“Donald Trump cảnh báo rằng, sự hội nhập đang đe dọa các vùng ngoại ô. Đó là điều lố bịch. Nhưng các bạn có biết điều gì đang thực đe dọa các vùng ngoại ô của chúng ta không? Đó chính là những đám cháy rừng đang thiêu đốt các vùng ngoại ô phía Tây. Lũ lụt đã càn quét các ngoại ô lân cận ở Trung Tây. Những cơn bão cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các vùng ngoại ô ở duyên hải”, ông Biden nói hôm 14/9.
Thu hút sự ủng hộ của “các bà nội trợ vùng ngoại ô”
Trong một cuộc bầu cử mà khoảng cách giới tính vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng đối với Tổng thống - khi các cuộc thăm dò cho thấy phụ nữ ủng hộ ông Biden với số lượng đông đảo hơn nhiều so với nam giới - biến đổi khí hậu có thể trở thành một mặt trận để lôi kéo sự ủng hộ của khối cử tri mà ông Trump từng coi là “các bà nội trợ vùng ngoại ô”.
“Phụ nữ thường quan tâm nhiều hơn so với nam giới. Nhóm không quan tâm đến biến đổi khí hậu là nam giới da trắng bảo thủ”, Edward Maibach, Giám đốc Trung tâm thông tin biến đổi khí hậu tại Đại học George Mason nói.
Trong một cuộc khảo sát đầu năm nay, Trung tâm nghiên cứu Pew nhận thấy những phụ nữ ủng hộ đảng Cộng hòa lại ủng hộ hơn đối với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu so với nam giới ủng hộ đảng Cộng hòa. Ví dụ, 47% phụ nữ ủng hộ đảng Cộng hòa nói rằng chính phủ đang làm quá ít để bảo vệ chất lượng không khí, trong khi con số này ở nam giới ủng hộ đảng Cộng hòa chỉ là 32%. Cũng có sự chia rẽ tương tự trong vấn đề chất lượng nguồn nước, giới hạn khí thải của các nhà máy điện và tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu.
“Trong số các lá phiếu dao động trong cuộc bầu cử lần này, sẽ có rất nhiều phụ nữ vốn có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, rất nhiều trong số họ là những người sống ở ngoại ô. Và đây là vấn đề mà họ quan tâm”, John D. Podesta, cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống Barack Obama trong vấn đề biến đổi khí hậu và cũng từng là Chủ tịch ban tranh cử của bà Hillary Clinton.
Một cuộc khảo sát khác của Pew công bố hồi tháng trước cho thấy 69% những người ở ngoại ô nói rằng biến đổi khí hậu, ít nhất sẽ là yếu tố quan trọng trong quyết định bỏ phiếu của họ năm 2020 và 41% đánh giá đây là vấn đề rất quan trọng.
Các đám cháy rừng và không khí nguy hiểm mà chúng sinh ra lâu nay đã tập trung ở các khu vực ủng hộ đảng Dân chủ, ngoại trừ Arizona, không được chú trọng trên bản đồ các bang chiến địa giữa ông Biden và ông Trump.
Tuy nhiên, các cố vấn của Biden, tin rằng sự tàn phá đơn thuần của các đám cháy rừng đã trở thành một vấn đề có trọng lượng. Điều này đặc biệt là sự thật trong mùa mưa báo, nhiệt độ thay đổi bất thường, điều kiện thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ. Khi các đám cháy bùng phát, Gulf Coast đang chuẩn bị đối phó cơn bão Sally cùng những trận mưa lớn, lũ lụt mà nó đem lại.
Biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng
Ông Biden đặc biệt coi biến đổi khí hậu là 1 trong 4 cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt, cùng với đại dịch, suy giảm kinh tế và làn sóng phản đối bạo lực cảnh sát.
“Lần đầu tiên, một người Mỹ bình thường coi biến đổi khí hậu là một vấn đề ‘ở đây, bây giờ và của chúng ta’. Trước đây họ coi đó là một vấn đề xa xôi. Xa xôi về thời gian: có thể là năm 2100 chứ không phải bây giờ. Xa xôi về không gian: có thể là Bangladesh chứ không phải Boston. Và xa xôi về chủng loài: đối với gấu bắc cực chứ không phải con người”, ông Maibach, người nghiên cứu quan điểm dư luận về môi trường nói.
Katie Porter, Hạ nghị sĩ (đảng Dân chủ) bang California nói rằng bà nhận thấy sự thay đổi lớn trong môi trường chính trị từ khi ông Trump trở thành tổng thống.
“Bạn biết cần phải giải một cách rõ ràng quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đây là sự thay đổi quan trọng so với cách đây 4 năm”, bà nói./.