Mặt trận Donbass khốc liệt trở lại sau khi Nga rút khỏi Kherson

Hoàng Phạm |

Giao tranh ở khu vực Donbass sẽ trở nên khốc liệt hơn trong những tuần tới sau khi Nga rút khỏi Kherson và tái tập hợp lực lượng tại mặt trặn này.

Xe tăng Nga di chuyển gần Mariupol tiến về hướng Donbass gần Donetsk ngày 20/5/2022. Ảnh: Reuters

Xe tăng Nga di chuyển gần Mariupol tiến về hướng Donbass gần Donetsk ngày 20/5/2022. Ảnh: Reuters

Giao tranh xảy ra ác liệt trở lại ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh các lực lượng Nga tái tập hợp tại đây sau khi rút quân khỏi thành phố Kherson . Việc rút khỏi Kherson giúp Nga có thể tái triển khai 20.000 binh sĩ tới các mặt trận khác, bao gồm cả ở khu vực Donetsk, thuộc vùng Donbass.

Nga dồn lực ở Donbass

Các nhà phân tích cho rằng, chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, sẽ chịu áp lực phải mang lại kết quả ở Donbass sau khi rút khỏi Kherson để thiết lập các vị trí phòng thủ mới ở bờ Đông sông Dnieper.

Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới ở miền Đông khi quân đội Nga từ Kherson được điều tới mặt trận này cùng với một phần trong số 300.000 binh sĩ mà Nga mới bổ sung để củng cố chiến dịch tại Ukraine.

Trong bài phát biểu ngày 19/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine đã đẩy lùi khoảng 100 cuộc tấn công ở khu vực Donetsk chỉ riêng trong ngày 18/11.

Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga đang tăng cường tấn công gần các thành phố Bakhmut và Avdiivka. Tuần trước, Nga tuyên bố đã kiểm soát được một phần khu định cư Bilohorivka và Pavlivka, phía Tây Nam Donetsk.

Việc tập trung trở lại mặt trận Donbass hiện nay tương tự như động thái của Nga sau khi quân đội nước này rút khỏi khu vực Kiev và miền Bắc Ukraine hồi tháng 3. Thời điểm đó, Nga cho biết họ sẽ tập trung vào việc kiểm soát toàn bộ Donbass, khu công nghiệp phía Đông Ukraine.

Các lãnh đạo do Nga chỉ định ở Donetsk cho biết giao tranh xảy ra ác liệt trong ngày 19/11. Theo ông Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, quân đội Nga đã có một trận chiến khốc liệt trên từng con phố ở Bakhmut.

Sau nhiều tuần pháo kích dữ dội, các lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố Severodonetsk và Lysychansk vào mùa hè này, đồng thời kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Lugansk. Tuy nhiên, sự xuất hiện của pháo chính xác tầm xa của Mỹ đã giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Nga và kể từ đó Moscow gặp nhiều khó khăn khi tiến hành các cuộc xâm nhập.

Từ cuối mùa hè, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công, buộc Nga phải rút lui ở các vùng Kharkiv và Kherson trong khi Kiev vẫn giữ được phòng tuyến trước các cuộc tấn công của Nga ở Donbass.

Ukraine có thể phải chuyển hướng từ phía Nam sang phía Đông

Khi mùa đông đến, các nhà phân tích quân sự dự đoán cường độ giao tranh ở tiền tuyến sẽ giảm đáng kể. Bùn lầy và thời tiết nhiều mây vào cuối mùa thu, đầu mùa đồng có thể cản trở việc sử dụng các phương tiện quân sự và UAV, trong khi những hàng cây trụi lá có thể khiến các binh sỹ dễ bị lộ. Tuy nhiên, mặt đất đóng băng và bầu trời quang đãng hơn vào giữa mùa đông sẽ giúp ích cho bên nào có đủ trang thiết bị mùa đông.

Giới chức cấp cao của Mỹ đang thúc giục Ukraine cân nhắc về việc đàm phán hòa bình với Nga sau khi giành lại Kherson. Một số quan chức ở Washington đặt câu hỏi liệu lực lượng Ukraine có thể giành lại thêm bao nhiêu lãnh thổ trong những tháng tới. Nhiều quan chức phương Tây đặc biệt hoài nghi về việc Ukraine có thể chiếm lại Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Một số quan chức phương Tây cảnh báo rằng bất chấp động lực của Kiev, “khi bước sang năm 2023, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn là một cuộc xung đột "tĩnh" và sẽ không bên nào thắng hay thua rõ rệt”.

Ông Konrad Muzyka, thuộc Rochan Consulting, một tổ chức theo dõi cuộc chiến có trụ sở tại Ba Lan, cho biết việc huy động khoảng 300.000 quân gần đây cũng như việc rút quân khỏi Kherson mang lại lợi thế Nga, cho phép họ tăng cường sức mạnh lực lượng dọc theo chiến tuyến phía Đông.

“Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, Nga tiến vào Ukraine với mật độ lực lượng thấp và mở ra nhiều hướng tác chiến, họ cho rằng các cuộc tấn công từ phía Bắc, Nam và Đông sẽ buộc Kiev phải khuất phục. Kế hoạch này không thành hiện thực vì các lực lượng Nga quá mỏng”, ông Muzyka nhận định.

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Khi Nga kiểm soát ít lãnh thổ hơn, mật độ lực lượng của Nga sẽ tăng lên và Moscow sẽ có nhiều binh sĩ trên mỗi km2 hơn so với thời điểm đầu tháng 3”.

Trong khi đó, Ukraine cũng đang tính toán lại các bước đi tiếp theo. Kiev có thể sẽ buộc phải chuyển hướng quân đội từ phía Nam sang phía Đông.

Ông Oleksiy Melnyk, cựu trung tá lực lượng không quân Ukraine và hiện là cố vấn tại Trung tâm Razumkov ở Kiev, đánh giá: “Theo logic, Ukraine sẽ phải tái bố trí thêm quân đến Donetsk để Nga không thể thành công. Đối với phía Ukraine, mặt trận phía Đông rất quan trọng, nhưng mặt trận phía Nam hướng tới Mariupol và Melitopol quan trọng hơn về mặt hoạt động vì đây là nơi Ukraine có thể cắt nguồn tiếp tế của Nga cho lực lượng của họ ở Ukraine và cắt đứt hành lang tới bán đảo Crimea”.

Theo các nhà phân tích, Ukraine sẽ cố gắng bố trí lực lượng cho một cuộc tấn công trên bộ mới có thể xảy ra giữa mặt trận phía Đông và phía Nam. Việc giành lại các thành phố phía Nam Melitopol, Berdyansk và Mariupol có thể giúp thiết lập một hành lang tiếp cận Crimea, mặc dù các nhà phân tích cũng như các quan chức Ukraine và phương Tây có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu một động thái như vậy có khả thi hay không./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại