Thứ hạng đáng tự hào
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra một bài kiểm tra mang tên là Pisa, được thực hiện ba năm một lần để đánh giá khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề của các học sinh trên thế giới.
Và tuy chỉ là một quốc gia nhỏ bé, nhưng học sinh của Singapore đã tự hào đứng đầu danh sách này.
Học nhiều, nhưng mệt mỏi, và không hạnh phúc, liệu có đáng với học sinh Singapore?
Tuy nhiên, học sinh ở quốc đảo Sư tử cũng gặp phải tình trạng căng thẳng mức độ cao ngay từ khi học tiểu học bởi những áp lực cạnh tranh không ngớt mà nhà trường và cha mẹ đặt lên vai các em.
Năm 2015, có tới 27 trường hợp tự tử của các em học sinh từ 10 đến 19 tuổi ở Singapore, cao gấp đôi so với năm trước đó và cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Vào tháng 5/2016, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy lầu tự tử từ tầng 17 của một căn hộ vì sợ phải cho bố mẹ xem kết quả thi. Và đây là lần đầu tiên em thi trượt.
Học nhiều, nhưng mệt mỏi, và không hạnh phúc, liệu có đáng với học sinh Singapore?
Không chỉ có Singapore, Hong Kong cũng gặp phải vấn đề tương tự
Hong Kong cũng gặp phải tình cảnh tương tự như Singapore. Cả hai thành phố đều có những lớp học đông học sinh, đều rất cạnh tranh, tập trung vào việc học thuộc lòng cũng như kết quả thi, và tất nhiên là đều có “văn hóa dạy thêm, học thêm”.
Tỷ lệ tự tử của học sinh Hong Kong cũng là một thực tế đáng lo ngại. Một báo cáo do chính quyền Hong Kong thực hiện công bố đầu năm nay cho thấy từ năm 2013 đến năm 2016, có 71 học sinh đã tự kết liễu đời mình. Trong khi đó, Hong Kong chỉ đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng bài kiểm tra Pisa, thấp hơn Đài Loan (thứ 4) và Macau (thứ 6).
Áp lực của học sinh Singapore còn tới từ việc phân chia trình độ lớp học
Theo Howard Tan, một người từng là giáo viên cấp 1 tại Singapore, việc quá đông học sinh so với giáo viên là một vấn đề lớn ở Singapore, nhưng áp lực đặt lên vai học sinh còn tới từ việc phân chia các lớp học theo trình độ học sinh.
Nếu bị đưa vào các lớp tương đương với trình độ yếu, học sinh sẽ phải học ngày học đêm để được “ngoi” lên những lớp có chất lượng cao hơn. Trong khi đó, những em đã được may mắn học ở những lớp top đầu cũng phải cày cuốc cật lực để không bị rớt xuống những lớp yếu kém.
Chính điều này đã vô hình trung khiến cho học sinh ở Singapore lúc nào cũng có cảm giác “ngộp thở”.
Jamie Sisson, một giảng viên về giáo dục tại Đại học Nam Australia cho biết việc phân chia trình độ và các kỳ thi với tỷ lệ chọi cao chỉ “làm hạn chế các cơ hội cho người học và ảnh hưởng đên các cơ hội của các em trong cuộc sống sau này”.
Và rằng “con người là những sinh vật phức tạp. Khó mà biết được học sinh nào sau này sẽ đạt những gì khi các em lớn lên”.
Genato, một phụ huynh người Philippine cũng cho ý kiến: “Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên, đặc biệt là người Trung Quốc đã gặp những khó khăn vì các em quen với việc học thuộc lòng các câu trả lời. Khi đi du học ở Australia, các em đã phải thay đổi cách tư duy”.
Giáo dục ở Phần Lan giúp học sinh thỏa sức sáng tạo nhờ vào việc không bị áp lực học hành.
Cũng theo giảng viên Sisson, nếu chúng ta không hiểu được cơ chế vận hành của nhiều thứ trong cuộc sống đời thực, thì thực chất chúng ta chẳng hiểu gì cả, chúng ta chỉ học thuộc lòng. Điều này sẽ làm hạn chế những cơ hội để đứa trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề mà ta cần cho tương lai sau này.
Hãy lấy Phần Lan làm ví dụ
Trong hệ giáo dục ở Phần Lan, học sinh có rất ít bài tập về nhà, hầu như không có và ở đây không hề có văn hóa “dạy thêm, học thêm” như ở nhiều nước châu Á.
Phần Lan đứng thứ 6 trong thứ hạng của các bài kiểm tra Pisa, và các trường học ở đây đã đào tạo ra những học sinh trẻ tuổi với khả năng tư duy phản biện sắc sảo cũng như giải quyết các vấn đề rất nhanh nhạy.
Học sinh Phần Lan đi học tiểu học năm 7 tuổi, và các em chỉ có duy nhất một bài kiểm tra vào năm cuối của trung học. Các kỳ nghỉ của học sinh cũng dài hơn. Phần Lan xếp thứ 5 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2016, trong khi Singapore chỉ đứng thứ 26.
Hy vọng về một sự thay đổi ở Singapore
Năm ngoái, Bộ Giáo dục Singapore đã tuyên bố một hệ thống cho điểm mới sẽ có hiệu lực vào năm 2021, trong đó sẽ giảm áp lực cho học sinh bằng cách khuyến khích các em tự học thay vì học để cạnh tranh với những bạn cùng lớp khác.
Trong khi đó, theo Roy Ngerng, một nhà hoạt động tại Singapore thì cho biết để “sửa chữa” hệ thống giáo dục thì nước này sẽ phải giảm sĩ số học sinh của các lớp học cũng như giảm tải cho các giáo viên để họ có thể tập trung vào sự phát triển của mỗi học sinh, từ đó giúp các em giảm bớt áp lực.
Ngoài ra, Roy cũng gợi ý về việc giảm bớt các giờ học, để giúp giáo viên tạo ra những hoạt động mang tính sáng tạo hơn nhằm phát triển kỹ năng tư duy phản biện của học sinh.