Trong chuyến thăm này, Campuchia và Trung Quốc đã ký kết 19 thỏa thuận hợp tác song phương. Ngay sau chuyến thăm, trang mạng của tờ Phnom Penh Post (Bưu điện Phnom Penh) của Campuchia đã đăng bài viết với tựa đề “Các nhà phân tích cho rằng viện trợ của Trung Quốc vẫn có những hậu quả tiêu cực”.
Theo đó, trong những năm gần đây, Campuchia ngày càng xa rời nguồn viện trợ từ các nước phương Tây, trong khi các giá trị về nhân quyền ngày càng đi xuống; đồng thời Phnom Penh cũng chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang nguồn viện trợ từ Trung Quốc vốn “không đi kèm điều kiện”.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt nguồn viện trợ dành cho Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) để phản ứng lại việc bắt giữ lãnh đạo và giải thể đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia là CNRP. Washington cũng đã cấm thị thực đối với các quan chức cấp cao của Campuchia.
Thế nhưng, Trung Quốc đã ủng hộ cho những “nỗ lực của Campuchia để bảo vệ sự ổn định chính trị” và đã công khai bày tỏ việc cung cấp nguồn viện trợ của mình đối với NEC cũng như Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia (CMAC).
Thủ tướng Hun Sen bày tỏ sự vui mừng và cho rằng Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã để lại. Các cường quốc phương Tây “đang sợ Trung Quốc chiếm chỗ của họ”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết viện trợ của Trung Quốc vẫn có thể có những hậu quả tiêu cực và một số người dân vẫn nhận ra điều này, khi mà một số quan chức chính phủ và doanh nhân Trung Quốc đang hưởng lợi từ việc chuyển sang Trung Quốc.
Các nhà quan sát bày tỏ mối quan ngại rằng hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc trong vấn đề phát triển thủy điện không giới hạn trong khu vực Mekong, khi mà Trung Quốc đã từ chối tham gia Ủy hội sông Mekong độc lập.
Tiến sĩ Bill Laurance là một nhà sinh thái học nổi tiếng và được Australia kính trọng tại Đại học James Cook. Nhóm của ông đang hoạt động tại 20 quốc gia ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đang gây ra những thiệt hại và tác động to lớn cho môi trường ở những nước này.
Tiến sĩ Laurance đã viết trong một bài báo hồi tháng 3/2017 rằng “sự phát triển quốc gia tất nhiên là cần cải thiện cơ sở hạ tầng và nhiều quốc gia thực sự đang hưởng lợi từ đầu tư của Trung Quốc.
Nhưng thật không may, hiếm có công ty và nhà đầu tư Trung Quốc nào có sự cải thiện trong việc phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ trong việc bảo vệ môi trường bền vững, cũng như là thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế ổn định và lâu dài”.
Ông Laurance chia sẻ: “Hầu hết các doanh nhân Trung Quốc đang nghĩ đến lợi ích riêng của họ. Họ sống và làm việc cùng nhau, và đa phần là họ thuê chính nhân viên người Trung Quốc của họ trước khi họ thuê người dân địa phương”.
Laurance thừa nhận rằng, hơn các nước khác, Trung Quốc không chỉ khai thác duy nhất ở lĩnh vực môi trường mà còn khai thác ở nhiều lĩnh vực khác nữa.
Công ty Union Development Group (UDG) ở Koh Kong là một ví dụ về sự phát triển thu lợi của Trung Quốc. Công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã được cho thuê đất với thời hạn 99 năm tại khu bảo tồn Botum Sakor. UDG có kế hoạch xây dựng các khu nghỉ mát ven biển và các sân bay quốc tế, trị giá 3,8 tỷ USD và trục xuất hàng ngàn gia đình ở hai huyện.
UDG cũng bị cáo buộc khai thác gỗ trái phép trong khu vực và không tuân thủ việc bồi thường với những người dân bị ảnh hưởng tại vùng dự án.
Brian Eyler là một chuyên gia về quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Đông Nam Á và Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Học viện Stimson đã nhận xét rằng viện trợ của Trung Quốc gây ra thiệt hại cả về ngắn và dài hạn.
Tuy nhiên, ông Sao Sopheap, người phát ngôn Bộ Môi trường, đã bác bỏ những nhận định cho rằng viện trợ của Trung Quốc là nguy hiểm. Đồng thời, ông khẳng định rằng các quy định về môi trường ở Campuchia là “chắc chắn”.
Ông nói: “Tôi không kén chọn về những đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia. Tất cả đầu tư và phát triển phải tuân thủ các quy định của đất nước”.