Mặt trái của Thai-League

Nguyên Phong |

Các trận đấu hấp dẫn, lôi cuốn người xem, giá trị bản quyền truyền hình lên tới nghìn tỷ đồng/mùa giải…đấy là những gì chúng ta được nghe mô tả lâu nay về giải bóng đá VĐQG Thái Lan - Thai-League. Dịch COVID-19 cho thấy một bộ mặt khác của Thai-League, các CLB đang chật vật để tồn tại.

Một số thông tin gần đây cho hay, Thai-League đang hướng tới khoản tiền bản quyền truyền hình lên tới 9.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2028, tương đương mỗi mùa khoảng 1.400 tỷ đồng. Đó là con số khổng lồ nếu so với quy mô giải đấu của Thái Lan, cũng như đặt trong tương quan so sánh với V-League.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, con số trên không chỉ là tiền bản quyền truyền hình riêng Thai-League. Nếu được “chốt” lại, hợp đồng sẽ bao trọn toàn bộ các giải đấu của Thái Lan, từ hạng 1 đến hạng 4, các trận đấu của hai đội tuyển bóng đá quốc gia nam và nữ, futsal nam, nữ…Và căn bản nhất, đây chỉ là con số những người làm bóng đá Thái đang chờ đợi. Hợp đồng cũ có giá trị khoảng 787,5 tỷ đồng/mùa giải trong giai đoạn 2016-2020, gồm cả Thai-League và giải hạng 2, các trận đấu của đội tuyển quốc gia nam, nữ Thái Lan. Bản quyền truyền hình Thai-League như vậy chỉ chiếm khoảng trên dưới 1 nửa con số trên.

Mặc dù vậy, nó vẫn rất lớn nếu dựa vào sự hấp dẫn, chất lượng chuyên môn của Thai-League như đánh giá của nhiều chuyên gia trong giới truyền hình. Lý do bởi tương tự V-League, Thai-League hầu như không bán được bản quyền truyền hình ra nước ngoài. Nếu đi sâu hơn, các con số thống kê của Thai-League có thể khiến nhiều người phải giật mình.

Hồi tháng 7/2019, Bangkok Post đã có bài viết với nội dung gióng lên hồi chuông báo động đối với giải đấu cao nhất Thái Lan. Cụ thể, báo viết dẫn các số liệu của Trung tâm phân tích kinh tế (EIC) thuộc ngân hàng Siam Comercial Bank (SCB) cho hay, doanh thu Thai-League đã tăng từ 1,9 tỷ bath năm 2014 lên 3 tỷ hồi năm 2018. Nhưng giải đấu vẫn thua lỗ, cụ thể năm 2018, Thai-League lỗ 192 triệu bath (khoảng 139 tỷ đồng). Cũng trong năm này, hơn một nửa số các CLB ở Thai-League bị lỗ. Số liệu thống kê cho thấy Thai-League có 16 đội bóng thì hơn nửa doanh thu tập trung vào 3 đội bóng ở tốp đầu. Dù EIC không nêu chi tiết tên CLB nào nhưng Bangkok Post cho biết, 3 đội dẫn đầu Thai-League là Buriram United, Bangkok United và Port FC.

Vắng khán giả vì thiếu cạnh tranh

Trên transfermarkt, Thai-League hiện có giá trị 62,1 triệu bảng, đứng tốp 10 trong số các giải đấu ở châu Á và cao hơn V-League (7,7 triệu bảng). Tuy nhiên theo thống kê, số khán giả trung bình ở các trận đấu của Thai-League còn thấp hơn cả V-League. Cụ thể ở mùa giải 2018, trung bình mỗi trận đấu của Thai-League chỉ thu hút 4,450 CĐV. Bước sang mùa giải 2019, con số này là khoảng 5.800 người/trận.

Số trận đấu thu hút đông CĐV ở Thai-League chỉ tập trung vào một số trận cầu “đinh” giữa những đội bóng lớn. Ở Việt Nam, những trận đấu giữa Hà Nội với Nam Định, HAGL hoặc TPHCM cũng có lượng khán giả rất đông đảo. Sân Thiên Trường của Nam Định là một trong những sân “nóng” nhất V-League mùa giải trước, có thể khiến các đội bóng Thai-League phải thèm thuồng. Tuy nhiên, giá vé ở các trận đấu Thai-League cao hơn nhiều so với V-League.

Một trong những lý do khiến CĐV bóng đá Thái Lan không mặn mà với Thai-League, theo tờ báo thể thao uy tín Siam Sport, là sự tẻ nhạt ở cuộc đua tốp đầu. Chức vô địch Thai-League thường xuyên chỉ là cuộc đua song mã giữa Buriram United và Muangthong United. Trong 10 mùa giải gần đây, cúp vô địch chỉ là sự hoán đổi giữa hai đội bóng này.

Dịch COVID-19 khiến cho một vấn đề khác của các đội bóng Thái Lan bộc lộ ra, là tài chính. Hầu hết các đội bóng ở Thai-League đều phụ thuộc quá lớn vào nguồn tiền của các ông bầu và doanh nghiệp tài trợ. Siam Sport mới đây cho biết, bên cạnh cắt giảm lương, nhiều đội bóng Thái đã phải thanh lý hợp đồng với cầu thủ để tiết kiệm chi phí trước nguy cơ phá sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại