Cứ mỗi lần có một vụ việc bạo hành, ngoại tình xảy ra, người ta đều kháo nhau rằng: “Cái loại người này còn giữ làm gì? Bỏ đi?
Đánh thằng chồng chứ sao lại đánh bồ? Tại sao lại để chồng hành hạ như vậy? Đánh lại đi? Bỏ nó đi!”.
Nói thì dễ, nhưng đánh là đánh thế nào mà bỏ là bỏ ra sao?
Chúng ta thật sự đã chọn sai người?
Mọi câu chuyện về bạo hành đều khó mà kể lể và phân định rõ ràng kẻ đúng và người sai. Người xấu cũng có những góc tốt và ai dám chắc người tốt không có những khoảng tối xấu xa?
Khi mảng khuất bắt đầu bao trùm lên người đàn ông của bạn, anh ta trở thành một kẻ bạo hành. Bạo hành không chỉ bao gồm đánh đập về thể chất, bạo hành còn là sự thao túng về cảm xúc. Anh ta điên loạn, ghen tuông, kiểm soát.
Hoặc không kiểm soát, không ghen tuông, nhưng anh ta mặc kệ cảm xúc của bạn và buộc bạn phải trở thành người cố gắng nhiều hơn để giữ gìn mối quan hệ. Đó cũng chính là bạo hành.
Bạo hành là một phần của mọi mối quan hệ ngày nay. Phần còn lại là tình yêu.
Tình yêu thì bao giờ cũng đẹp, bạn và người ấy nói chuyện về tất cả mọi thứ trên đời, hàng ngày, hàng giờ, hàng đêm. Tôi và người ấy của tôi cũng vậy. Anh ta cho tôi cảm giác an toàn mà tôi chưa từng cảm nhận được với ai bao giờ.
Bạo lực gia đình không chỉ diễn ra trong gia đình, nó xảy ra trong mọi mối quan hệ. Nó âm ỉ và sinh sôi trong cái mà chúng ta gọi là tổ ấm, trong vòng tay của những người mà ta yêu thương, nơi ta nghĩ là an toàn nhất, ấm áp nhất.
Kẻ bạo hành, ai mà ngờ được, cũng là người đã từng làm ta cười tưởng như chết đi sống lại, người mà ta coi là anh chàng hài hước nhất trên đời.
Người thức cả đêm cùng ta chăm lo chú chó cưng đang ốm. Người sẵn sàng dừng xe để giúp đỡ một người bán hàng rong bị ngã. Có ai ngờ được, người đàn ông “gentleman” ấy lại trở thành một kẻ bạo hành?
Chúng ta không hề chọn sai người. Bạn của bảy năm trước đã yêu, yêu chân thành người đàn ông của bảy năm trước, thông minh, hài hước, lịch thiệp và giàu lòng nhân ái.
Chúng ta không hề sai, chỉ là chẳng thể lường trước được sự thay đổi.
Khi mối quan hệ của tôi bước vào giai đoạn khó khăn, tức là vài năm sau, khi mọi sự hấp dẫn đã thành thói quen, những thứ mới mẻ đã trở nên thân thuộc và không cần phải nâng niu trân trọng nữa.
Mặt tối của người đàn ông bắt đầu hiện ra một cách đáng sợ.
Mặt tối đó, không phải là việc chung sống với một người đàn ông sáng nắng, chiều mưa, thay đổi tâm trạng liên tục.
Mặt tối đó là việc dường như luôn tồn tại 2 thái cực đối lập trong con người anh ta. Điều mà tôi chưa từng biết đến.
Tại sao từ bỏ không hề dễ dàng như người ta luôn khuyên bạn?
Bạo hành luôn là tội ác quỷ quyệt nhất trong tất cả các tội ác, bởi mọi người đều coi nhẹ nó.
Khi tôi kể với bạn bè tôi về việc tôi bị bạo hành, hoặc là họ sẽ khuyên tôi từ bỏ, một cách nhẹ tựa lông hồng, hoặc là họ sẽ tặc lưỡi cho rằng chỉ bằng một bó hoa hay bữa tối lãng mạn dưới ánh nến lung linh, anh ta và tôi lại có thể vui vẻ với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Nhưng họ không hề hiểu, bị một người lạ đâm một nhát dao cũng không đau bằng một lời to tiếng từ những người mà chúng ta yêu thương nhất.
Và việc tôi - vì yêu mà - tha thứ cho kẻ đã bạo hành tôi, không có nghĩa là chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, cũng không đồng nghĩa với việc tôi sẽ quen và không bao giờ đau đớn vì nó nữa.
Bạn hỏi tôi vì sao tôi lại chịu đựng, vì sao tôi cứ mãi đầm mình vào một mối quan hệ độc hại như vậy trong một thời gian quá lâu ư. Hãy ngồi xuống và tôi sẽ nói cho bạn nghe câu trả lời.
Lý do thứ nhất: Tôi yêu, và tôi tin rằng tình yêu có thể cảm hóa bằng ánh sáng soi rọi đến những nơi tối tăm nhất trong tâm hồn con người. Tôi tin rằng tình yêu sẽ đánh thức được người đàn ông mà tôi đã từng ngưỡng mộ.
Lý do thứ hai: Nếu bạn thật lòng yêu một người, việc chống trả, từ bỏ, tố cáo người đó liệu có thật sự dễ dàng đến thế?
Người ta hay khuyên nhau “bỏ quách đi cho rồi”, nhưng có những khó khăn, vướng mắc, ràng buộc mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.
Hãy tin tôi đi, nếu 100% các cặp đôi chọn cách bỏ nhau ngay khi mâu thuẫn xảy ra, thì thế giới này sẽ tràn ngập những người độc thân, li dị, cau có và oán trách về đường tình chông gai của mình.
Nếu bạn thật lòng yêu một người, việc từ bỏ, chống trả hay tố cáo người đó để rồi mãi mãi chia lìa là điều vô cùng khó khăn.
Nếu ta yêu thật lòng, cho dù chỉ còn một tia hy vọng để níu kéo mối quan hệ, ta cũng sẽ nắm lấy. Cho dù chỉ có 1% cơ hội rằng anh ta sẽ trở về với con người mà bạn đã từng thương, bạn cũng sẽ chấp nhận 99% thất bại còn lại.
Khi hai bạn là người yêu, chuyện tình cảm chỉ là chuyện riêng của hai người. Nhưng khi lập gia đình rồi, nó không còn lại câu chuyện của hai cá nhân nữa, nó còn là tương lai của những đứa trẻ vô tội. Bạn có thể
Tôi không có ý nói rằng: bạn quyết định từ bỏ tức là bạn không yêu người khác. Biết đặt bản thân mình lên trên tất cả là tốt, nhưng nếu bạn thật lòng yêu người ấy, hãy cho anh ta một, thậm chí là nhiều cơ hội.
Cơ hội để thay đổi, chứ không phải cơ hội để tiếp tục chà đạp lòng vị tha của bạn.
Nếu không chịu từ bỏ, phải làm gì khi mọi mối quan hệ tốt đẹp đều trở nên tồi tệ?
Suốt thời gian chống chọi với một người chồng bạo hành, những sinh hoạt thường nhật đối với mọi người đều trở thành mối đe dọa đối với tôi.
Tôi thèm khát một giấc ngủ yên bình chứ không phải khóc đến lúc mệt quá rồi thiếp đi, thèm một buổi sáng đi làm bình thường chứ không phải mau mau chóng chóng biến khỏi nhà để tránh một cuộc cãi vã.
Tôi thèm cảm giác thoải mái và an tâm khi mở cửa nhà. Tôi thèm cảm giác được coi nhà là tổ ấm, chứ không phải nỗi sợ hãi rằng mở cánh cửa kia ra lại là cãi vã, quát tháo và đập phá.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn chữa lành một mối quan hệ đã rạn nứt, hay “cảm hóa” một kẻ bạo hành, cách tốt nhất là hãy tránh xa anh ta ra.
Bằng sự xa cách, bạn sẽ có không gian để bình tĩnh lại, có thời gian để nghĩ cho thấu, để đặt câu hỏi về mối quan hệ của mình.
Tôi đã ra đi, và không bao giờ hối tiếc về quyết định đó. Bạn không thể chữa lành vết gai đâm nếu bạn cứ ngày ngày rúc trong cái bụi rậm đó.
Ra đi ở đây không có nghĩa là cắt đứt quan hệ, ra đi tức là không chung sống với nhau, chạm mặt nhau từng ngày từng giờ nữa. Khi có không gian, thời gian và sự yên tĩnh, chúng ta mới đủ tỉnh táo để suy xét mọi chuyện.
Liệu người ấy là một kẻ xấu xa thật sự, hay là một người đang có bệnh và rất cần sự giúp đỡ? Liệu tôi có đang quá vô tâm và bỏ rơi một người đang cần sự hiện diện của tôi nhất?
Vì sao người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu lại không chịu từ bỏ người chồng vũ phu của mình?
Dưới góc nhìn của người trẻ, đây ắt hẳn là một người phụ nữ nhu nhược khiến bản thân bà ta phải chịu khổ, con cái bà ta phải chịu khổ theo.
Câu chuyện này không khuyên chúng ta cam chịu một cách cực khổ.
Câu chuyện ấy khuyên chúng ta nên cho những người mình thương yêu một cơ hội; cho người chồng bạo hành một cơ hội để thay đổi, cho những đứa con vô tội một cơ hội để có mái ấm bình yên, đủ cha đủ mẹ.
Bởi buông bỏ thì dễ lắm, cầm lại những thứ đã hỏng và sửa chữa nó mới khó, và mới thể hiện bản lĩnh của con người.
Dĩ nhiên, chỉ khi nó còn có thể sửa được.