Khai thác lithium trên cánh đồng muối Salar de Atacama, miền Bắc Chile
Nơi pin lithium-ion được sinh ra
Lithium được dùng để chế tạo pin lithium-ion (có thể sạc lại) cho các thiết bị điện, từ điện thoại di động, máy tính xách tay, cho đến ô tô và máy bay. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), có khoảng 80 triệu tấn trữ lượng lithium được xác định trên toàn cầu tính đến năm 2019. Tuy nhiên, hiện nay, trữ lượng “vàng trắng” này chỉ do một vài nước trên thế giới nắm giữ như Tam giác Lithium (gồm Bolivia, Chile và Argentina) chiếm 60%, Australia chiếm 20%, Trung Quốc hiện nắm 17% trữ lượng lithium của thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản lượng lithium gần như là tình trạng độc quyền của 5 quốc gia đang nắm giữ hơn 90% sản lượng lithium của thế giới nói trên.
Hiện tại, nhu cầu về lithium đã vượt xa nguồn cung, và đẩy giá lithium tăng 500% trong một năm, nhưng việc khai thác lithium thật ra không “sạch” như nhiều người tưởng.
Trang Euronews.com mới đây đã tiết lộ mặt tối của cánh đồng khai thác lithium sặc sỡ nhiều màu sắc qua những tấm hình chụp được từ trên không của nhiếp ảnh gia người Đức Tom Hegen, qua loạt bài mang tên Tam giác lithium. Những bức ảnh chụp cho thấy màu sắc sống động là do các nồng độ khác nhau của lithium carbonat. Màu sắc của các ô chứa lithium có thể từ màu trắng hồng, đến màu ngọc lam, màu vàng hoàng yến đậm… Các cánh đồng này là nơi pin lithium-ion được sinh ra. Những tưởng xe điện sẽ giải quyết được ô nhiễm môi trường, nhưng câu chuyện đằng sau những cánh đồng lithium sản xuất pin cho loại xe này ở Nam Mỹ đang để lộ mặt trái phức tạp không kém gì nhiên liệu hóa thạch, đại diện cho mặt tối của thế giới điện khí hóa nhanh chóng.
Hệ lụy từ hoạt động khai thác
Khi nghĩ đến khai thác, chúng ta nghĩ đến nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt. Còn lithium có thể được mô tả là khoáng chất không tái tạo có thể tạo ra năng lượng tái tạo. Thực tế, theo báo cáo của tổ chức Friends of the Earth (FoE) - một mạng lưới quốc tế gồm các tổ chức môi trường tại 73 quốc gia - việc khai thác lithium chắc chắn gây hại cho đất và gây ô nhiễm không khí. Nơi tìm thấy lithium thường nằm ở những vùng đất khô cằn. Ở những nơi này, tiếp cận với nước là chìa khóa cho cộng đồng địa phương và sinh kế của họ, cũng như hệ động thực vật địa phương. Việc khai thác làm ô nhiễm và chuyển hướng nguồn nước khan hiếm ra khỏi cộng đồng địa phương. Khi nhu cầu tăng lên, các tác động khai thác ngày càng ảnh hưởng đến các cộng đồng nơi diễn ra hoạt động khai thác có hại này, gây nguy hiểm cho việc tiếp cận nguồn nước của họ.
Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Nature cho biết, phải cần khoảng 2,2 triệu lít nước để sản xuất một tấn lithium. Do vậy, báo cáo của FoE nêu rõ, việc khai thác lithium đã gây ra xung đột liên quan đến nước với các cộng đồng khác nhau, chẳng hạn như cộng đồng Toconao ở phía Bắc Chile. Một báo cáo tương tự do tổ chức phi lợi nhuận BePe (Bienaventuradors de Pobres) công bố vào năm 2021 cũng xác định nước là mối quan tâm chính đối với các hoạt động khai thác lithium. Báo cáo tuyên bố rằng, chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện về khả năng ô nhiễm nước và “hoạt động khai thác phải được dừng lại cho đến khi có các nghiên cứu xác định mức độ thiệt hại”.
Không chỉ ở Nam Mỹ, xa hơn, Congo là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất do khai thác quặng cobalt phục vụ sản xuất pin lithium-ion. Người dân quốc gia này đã và đang đối mặt nhiều căn bệnh quái ác. Việc khai thác lithium gần đây cũng đặc biệt gây tranh cãi ở Bồ Đào Nha khi người dân liên tục biểu tình phản đối việc khai thác kim loại hiếm do những tác động lớn đến môi trường. Dù chính phủ bật đèn xanh cho việc khai thác ở 6 khu vực khác nhau, 95% dân số ở các địa phương đã từ chối các kế hoạch này, bất chấp lời hứa của công ty khai thác rằng việc khai thác quặng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Theo các chuyên gia, khi khai thác các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất pin như cobalt, nickel, asen antimon hay lithium đều gây hại cho đất đai, nguồn nước, hệ sinh thái và cả con người. Việc loại bỏ các nguyên liệu thô này có thể dẫn đến thoái hóa đất, thiếu nước, mất đa dạng sinh học, hủy hoại các chức năng của hệ sinh thái và gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Trong bài báo được đăng trên tạp chí Nature cùng với đồng tác giả là nhà khoa học Kostiantyn Turcheniuk, Giáo sư Gleb Yushin tại Trường Vật liệu và Kỹ thuật thuộc Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) lập luận rằng, công nghệ pin mới cần được phát triển bằng cách sử dụng các vật liệu phổ biến hơn, thân thiện với môi trường hơn. Vì trữ lượng lithium và cobalt sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai, nên các nguyên tố được đề xuất tập trung vào thay thế có thể là sắt và silicon, vốn ít độc hại hơn và dễ tiếp cận hơn.