Ai trong chúng ta hầu như cũng đều ý thức được rằng con người đang ít nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống của Trái Đất - chỉ đơn giản là để vòi nước chảy vô ích thêm vài giây, bỏ thừa thức ăn trong vài bữa,...
Nhưng liệu mấy ai biết rằng, chỉ mỗi việc dùng smartphone hằng ngày, dành ra vài phút (hoặc thậm chí vài tiếng thì càng tệ) lướt web và đọc tin tức, News Feed trên Facebook thôi cũng có hậu quả không hề nhỏ đến môi trường không?
Nếu chưa thì hãy theo dõi những lời giải đáp sau đây nhé:
1. Internet đóng góp 2% vào nguyên nhân ô nhiễm toàn cầu
Các trung tâm dữ liệu khổng lồ.
Chúng ta đều có quan niệm rằng Internet không phải một vật gì đó cụ thể hữu hình, cho nên sẽ không thể làm gì ảnh hưởng đến vật chất hay môi trường sống trực tiếp được. Nhưng gián tiếp thì sao, tất nhiên là có rồi.
Những trung tâm dữ liệu luân chuyển tín hiệu liên tục để giúp đường truyền Internet của bạn ổn định, chúng chính là lý do chủ yếu đó.
Chưa kể đến điện năng dùng để tải điện ngày này qua ngày khác, mà cả công đoạn, quá trình giúp sản sinh ra đủ năng lượng để... làm mát cho chúng trong suốt khoảng thời gian trôi qua cũng đã đủ để tác động đến lượng khí thải trên thế giới rồi.
Bạn có biết là chỉ cần xem những video hot trên YouTube cũng có tác động như vậy không?
Bạn nghĩ 2% là ít ư? Vậy thì bạn nên biết rằng đó là con số tương đương với toàn bộ ngành hàng không toàn cầu gây ra mỗi năm đấy. Và 2% mới chỉ là con số ban đầu mà thôi, chúng được dự đoán sẽ còn tăng gấp 3 lần trong 10 năm tới - theo Independent.
2. Pin smartphone: Nỗi cực khổ của con người
Khác với những suy nghĩ tưởng chừng như nhỏ nhoi về pin smartphone là những món đồ dễ làm, dễ dùng, thì có hàng tá sự thật về nó khiến người ta phải rùng mình khi nghĩ đến.
Pin được làm từ những kim loại như graphite, cobalt, lithium phản ứng phức tạp với nhau, rồi sau đó qua thêm vài công đoạn hoàn thiện nữa. Nhưng đến khi bạn biết được nguồn gốc và công sức để tìm và lấy được những kim loại đó như thế nào thì mới hiểu được nỗi đau đớn của biết bao người.
Các cục pin lithium-ion phổ biến trong mọi smartphone hiện nay.
Chẳng hạn, như Washington Post đã đưa tin, tại Trung Quốc, việc khai thác mỏ graphite dùng mìn đã khiến toàn bộ cả một làng gần đó bị nhiễm độc không khí vì những loạt bụi kim loại tản mác đầy ra xung quanh.
Không chỉ khiến con người bị ảnh hưởng nặng nề khi hít thở, việc này còn khiến cho mùa màng thất bát, đầu độc nguồn nước và gây bệnh lan rộng.
Ở Congo, việc khai thác cobalt - nguyên liệu cốt lõi trong mỗi viên pin bạn đang dùng - được coi là một phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm nhân lực đến 100.000 người phụ trách trữ lượng mỏ lớn đến 25% thế giới.
Nhưng Washington Post đã tiếp tục hé lộ những điều bất ngờ, rằng họ không hề được hưởng một quy chuẩn an toàn đúng mức nào cả, mọi hoạt động gần như đều được làm bằng tay trần, thậm chí nhận cả trẻ em vào làm việc.
Và còn nhiều trường hợp nữa không kể hết, còn chúng ta thì vẫn không hề mảy may biết đến, vẫn còn đang lo lắng cho số phận chiếc smartphone sắp tụt hết pin vì quên sạc hôm qua...
3. Đồ điện tử "giết chết" cả lòng hồ
Tất nhiên là không phải lúc nào bạn cũng sẽ lựa chọn đến thăm thị trấn Bao Đầu ở Mông Cổ, nhưng nếu có thì hãy luôn nhớ mẹo sau đây: Đừng đến đó!
Điểm cấm đến gần vì nước hồ và môi trường nhiễm độc.
Chỉ có duy nhất khu vực hồ lớn ở đó là điểm hút khách du lịch, nhưng trừ khi bạn là một dị nhân với siêu năng lực trong các bộ phim của Hollywood thôi nhé - vì ở đó chứa hàng tá những chất thải acid, dung môi công nghiệp và bùn phóng xạ (theo BBC).
Nhiều khi ở xa cả hàng trăm dặm vẫn còn được khuyến cáo không cho phép ấy chứ!
Đây là hậu quả gây ra bởi chính những chiếc smartphone quen thuộc đó. Hầu như những chất liệu cần thiết để chế tạo nên một chiếc smartphone đều có mặt ở Bao Đầu vì nguồn khoáng sản giàu có ở đây - chiếm đến 70% những khoáng chất liên quan.
Nhưng để làm được từ trạng thái thô đến khi dùng được cho công đoạn làm ra smartphone thì lại không hề đơn giản, vì nó yêu cầu các chất hóa học trung gian, kể cả độc hại và nặng.
Và để tìm chỗ loại bỏ những tàn dư hóa học đó, họ đã làm nên một con đập, tạo nên lòng hồ lớn để... đổ chất thải vào. Và giờ thì chỉ ngửi không khí gần đó thôi cũng đủ để khiến bạn đổ bệnh.
4. Màn hình smartphone: Ác mộng của công nhân Trung Quốc
Đừng nghĩ rằng màn hình làm ra là đơn giản và tự động hóa hết trong những dây chuyền.
Nhiều công nhân tại đây chỉ được trả đồng lương còm rẻ mạt để tẩy rửa các tấm cảm ứng màn hình dành cho smartphone với một dung dịch được gọi là "dầu chuối" - nghe có vẻ nhẹ nhàng và gần gũi thế thôi chứ nó đã khiến 30 người nhập viện chỉ trong 1 sự cố nhỏ (Wired đưa tin).
Loại "dầu chuối" đó là sản phẩm làm ra từ một chất dầu thô rất độc hại mà khi phơi nhiễm một chút thôi đã có thể làm bạn đau đầu, buồn nôn, suy nhược, tổn hại hệ thần kinh. Bất kỳ ai làm việc dính dáng đến chất này đều phải được đảm bảo cơ sở an toàn và cả đồ bảo hộ hợp tiêu chuẩn.
Nhưng đáng buồn là trái với lợi nhuận và cái mác giá khổng lồ từ những chiếc iPhone, các công nhân làm công việc liên quan này vẫn không nhận được sự bảo đảm đó.
Chỉ có duy nhất một chiếc mặt nạ cơ bản được phát cho mỗi người, thêm vào nữa là một ai đó phụ trách ngồi trên cao, thi thoảng báo hiệu giờ giải lao đến.
5. Smartphone: Không thể tái chế
Smartphone có thực sự được tái chế?
Tái chế là một phong trào luôn được ủng hộ hiện nay, tuy nhiên hầu hết các thương hiệu smartphone lại không thực sự mặn mà với điều đó. Đơn giản là vì tâm lý của chính chúng ta mà thôi, chẳng ai muốn dùng lại một chiếc smartphone đã bỏ đi cả.
Hơn nữa, việc bóc tách từng lớp linh kiện và khung máy rồi lấy lại nguyên vẹn các chất liệu như cũ cũng rất phức tạp và khó khăn, cho sự thật là họ chỉ cố gắng tăng tuổi thọ máy và chức năng đa dạng khiến người dùng gắn bó lâu hơn, chứ đến lúc vứt bỏ máy đi thì cũng đành... nhắm mắt cho qua (trích dẫn bởi Quartz).
Có đến tầm 50 nguyên vật liệu hiếm tham gia vào cấu thành nên mỗi chiếc smartphone, và chỉ có khoảng 10-12 trong số đó là có khả năng tái chế. Mà đó là còn tùy thuộc vào thương hiệu nào "có tâm" mà quyết tâm tái chế hay không.
Bỏ chúng đi cũng chẳng mất mát đáng kể lắm so với lợi nhuận khổng lồ mà các hãng smartphone thu được, nhưng đó sẽ là một cái tát đau đớn cho những người phải chịu đựng đánh đổi sức khỏe vì chúng khi lao động thôi.