Tháng 10/2017, thương hiệu lụa Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải (SN 1963) dính phải bê bối gian lận khi bị phát hiện nhập về sản phẩm tơ lụa Trung Quốc rồi gắn mác “Made in Vietnam”, “mang sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra quốc tế".
Ngay lập tức, thương hiệu Khaisilk đã chìm sâu vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay hàng loạt. Ông Hoàng Khải sau đó cũng thừa nhận việc bán lụa nhập từ Trung Quốc. Chưa hết, kết quả sau khi kiểm tra giám định sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm còn cho thấy không có thành phần 100% lụa như công bố trên nhãn hàng hoá.
Trước khi xảy ra bê bối này, Hoàng Khải là một doanh nhân nổi tiếng thành đạt, thậm chí là biểu tượng được trẻ ngưỡng mộ. Ông đã từng có không ít phát ngôn về chuẩn mực, đạo đức kinh doanh như: “Tôi kinh doanh bằng một tấm lòng trung thực”, “Thà nghèo sang còn hơn giàu hèn”, “Giàu nhân cách hơn giàu có”, “Lòng tử tế luôn là xu hướng thời trang đắt đỏ nhất trong mọi thời đại”,...
Hoàng Khải cũng từng là một “cá mập hụt” khách mời của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên nhưng sau đó cũng phải lập tức rút lui sau vụ việc trên. Từ đó, ông Hoàng Khải “mất tích” trên các phương tiện truyền thông, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông cũng trở nên bí ẩn.
Kinh doanh trồi sụt, chậm nộp thuế
Ngay sau khi dính bê bối, cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai - nơi bị phát hiện gian lận đã đóng cửa im lìm và hiện đã giải thể.
Doanh nghiệp hạt nhân chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp của hệ thống Tập đoàn Khải Silk là Công ty TNHH Khải Đức. Đến cuối năm 2017, chỉ 3 ngày sau khi Bộ công thương ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, thượng tầng doanh nghiệp này đã có sự thay đổi.
Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Khải Đức đã không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty này. Từ ngày 14/12/2017, người đại diện theo pháp luật của Khải Đức là bà Nguyễn Thu Nga (SN 1974). Tuy nhiên, ông Khải vẫn giữ 99% vốn điều lệ.
Thành lập từ 2002, hiện Công ty TNHH Khải Đức có vốn điều lệ 46,5 tỷ đồng, trụ sở chính đặt ở số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP. HCM.
Trước ngày bị phát hiện gian lận xuất xứ hàng hoá, nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt, tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Khải Đức đã không mấy lạc quan. Năm 2016, Khải Đức chỉ ghi nhận doanh thu 33,5 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Đến 2017 - năm xảy ra khủng hoảng, 2 chỉ tiêu này tiếp tục giảm, lần lượt là 27,2 tỷ và âm 1,1 tỷ đồng.
Bên cạnh Công ty TNHH Khải Đức, một doanh nghiệp khác phụ trách hoạt động kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Khaisilk là Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty này cũng không khả quan hơn.
Từ 2016 đến 2018, Hoàng Khải ghi nhận doanh thu ổn định khoảng 27 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại trồi sụt, âm nặng liên tiếp trong 2 năm 2016-2017, có lãi đột biến 27,3 tỷ đồng vào 2018. Đến năm 2019, doanh thu và lợi nhuận chỉ giảm sốc, lần lượt còn 16,1 và 3,5 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải còn bị Cục thuế Tp.HCM bêu tên trong danh sách các doanh nghiệp chậm nộp thuế khi nợ thuế GTGT 4,969 tỷ đồng và tiền chậm nộp 181 triệu đồng. Chi nhánh của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải nợ thuế GTGT 244 triệu đồng, tiền chậm nộp 15 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH Khải Đức cũng nợ thuế GTGT 793 triệu đồng và tiền chậm nộp phát sinh 27 triệu đồng.
Lâu đài trắng TajmaSago
Sau vụ bê bối, 2 công trình từng là biểu tượng của doanh nhân Hoàng Khải là lâu đài trắng TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cũng đã được bán cho Công ty TNHH Chloe Hospitality. Người đứng sau Chloe Hospitality là ông Nguyễn Cao Trí - một đại gia kín tiếng Sài Thành, ông chủ của Capella Holdings.
Doanh nhân Hoàng Khải còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Ông Khải. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập, Phở ông Khải không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào đến hết năm 2019.
Nguyễn Văn Anh – gương mặt vàng trong làng “đa cấp biến tướng” bị truy nã: Từng lên VTV kể mộng làm tỷ phú, hết lừa đảo 500 tỷ đồng lại "nổ" nhập khẩu vaccine Covid-19 về Việt Nam