Nhắc tới những viên quan khét tiếng trong lịch sử nhà Thanh, không thể không kể tới Ngao Bái – một quyền thần tên tuổi dưới thời vua Thuận Trị và Hoàng đế Khang Hi.
Ngao Bái (1610? – 1669), vốn là viên mãnh tướng người Mãn Châu và từng giữ danh hiệu Mãn Chậu Đệ nhất dũng sĩ trong suốt 3 đời vua. Dưới triều Khang Hi, ông cũng là một trong tứ trụ đại thần quyền cao chức trọng và còn là Nguyên Lão Tam Triều.
Mặc dù là viên đại thần cốt cán từng được Tiên đế ủy thác nắm quyền phụ chính, Ngao Bái lại sở hữu không ít tật xấu như hám sát, lạm quyền và thậm chí có những hành động bị cho là coi thường Thiên tử.
Thế nhưng ngay cả khi đã bị cách chức và bắt giam với bản cáo trạng lên tới 30 đại tội, thì quyền thần họ Ngao này vẫn thoát án tử một cách ngoạn mục, thậm chí cả gia tộc ông còn may mắn không bị tru di và chỉ chịu án lưu đày.
Vậy đâu là lý do khiến Khang Hi không dám xuống tay với Ngao Bái cũng như gia tộc họ Ngao?
Cho tới ngày nay, đây vẫn là một trong những nghi vấn lịch sử nổi tiếng Thanh triều. Và chỉ tới khi bức mật thư do chính tay Ngao Bái viết ra lúc sinh thời được tìm thấy, chân tướng phía sau nghi vấn ấy mới dần được hé lộ…
Phạm tới 30 đại tội, Ngao Bái vẫn thoát khỏi án tử một cách ngoạn mục
Năm xưa Thanh triều từng có 4 vị đại thần được Thuận Trị ủy thác làm phụ chính cho Khang Hi, thế nhưng Ngao Bái là người ngang ngược và lộng hành hơn cả. (Ảnh minh họa).
Vào năm Khang Hi thứ 8, nội bộ triều đình nhà Thanh phát sinh một biến cố chính trị kinh thiên động địa.
Bấy giờ, Hoàng đế Khang Hi tuy mới 16 tuổi nhưng trên danh nghĩa đã chấp chưởng triều đình 2 năm. Tuy nhiên kế hoạch trừ Ngao Bái đã được vị quân trưởng trẻ tuổi ấy chuẩn bị từ năm lên 14.
Sử cũ ghi lại, đại thần Ngao Bái vì ngạo mạn khinh thường vua còn nhỏ tuổi, thường xuyên cáo bệnh không vào triều. Trước đó, viên quan họ Ngao đã làm ra hàng loạt hành động đại nghich bất đạo như kết bè kéo phái và thậm chí còn ngông nghênh tới mức thẳng tay thanh trừng nhiều thế lực đối địch trong triều.
Đối với những hành động ngạo mạn và coi thường quyền uy của Ngao Bái, Khang Hi dù ngoài mặt không tỏ vẻ gì nhưng lại cùng Sách Ngạch Đồ âm thầm bày kế diệt trừ quyền thần này.
Trong thời gian chuẩn bị cho kế hoạch nói trên, vị Hoàng đế trẻ một mặt vừa thăng chức tước cho họ Ngao, lai vừa lấy cớ thích học võ nghệ để tuyển chọn nhiều người trong hàng ngũ con em Thân vương làm thị vệ cho Ngao Bái, đồng thời liên tục tìm cách điều động vây cánh của viên quan này đi xa.
Tới năm 1669, Khang Hi bày kế mời Ngao Bái vào cung uống trà và ra lệnh cho đội thị vệ thân tín bắt giữ.
Kế hoạch bắt giữ Ngao Bái được Khang Hi chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Quyền thần khét tiếng này cuối cùng cũng đành phải chịu thua trước sự tâm cơ của vị vua trẻ. (Tranh minh họa).
Bấy giờ, bản cáo trạng về Ngao Bái từng kể ra 30 đại tội. Số tội danh này đủ để khiến cho quyền thần họ Ngao phải chịu án tử hoặc thậm chí là tru di cả gia tộc.
Thế nhưng sự thực là Khang Hi sau khi bắt giữ Ngao Bái đã ra sức dẹp bỏ nghị luận để thi hành án giam cầm chung thân thay cho việc xử chém.
Không lâu sau khi bị bắt giữ, quyền thần này lâm bệnh và chết trong ngục. Gia tộc của Ngao Bái sau đó cũng không bị tru di mà chỉ phải chịu án đi lưu đày ngoài quan ngoại.
Mặc dù từng bị xem là cái gai trong mắt Hoàng đến, nhưng Khang Hi sau này vẫn thường nhắc tới công lao của "cựu công thần" Ngao Bái trước các hoàng tử.
Điều này đủ để cho thấy viên quan họ Ngao vốn sở hữu công trạng không hề tầm thường. Và rất có thể đây chính là lý do khiến Khang Hi không dám xuống tay xử tử ông cùng gia tộc Ngao thị.
Bức mật thư tiết lộ nguyên nhân khiến Khang Hi không dám mạnh tay với Ngao Bái
Mặc dù đã thanh trừng thành công phe cánh của Ngao Bái, nhưng đối với quyền thần này, Khang Hi cương quyết không xử chém hay thi hành án tru di mà chỉ bỏ ngục. (Ảnh minh họa).
Về lý do Ngao Bái được miễn tử dù phạm đủ mọi tội danh nghiêm trọng, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử Thanh triều nhận định rằng viên quan họ Ngao ấy đã từng lập được đại công đối với cha con Thuận Trị - Khang Hi.
Thậm chí sẽ không hề quá lời khi đưa ra đánh giá, nếu không có Ngao Bái thì dòng dõi của Thuận Trị - Khang Hi hẳn sẽ không có cơ hội ngự trên đế vị.
Và công lao to lớn của viên quan họ Ngao này chính là tạo điều kiện cho Thuận Trị kế vị giữa bối cảnh mà cuộc chiến tranh ngôi đoạt vị đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Bởi vị Hoàng đế ấy vốn mang xuất thân con thứ và cũng không phải là ứng cử viên sáng giá cho ngai vàng vào thời điểm bấy giờ.
"Thanh sử cảo" từng ghi lại, năm xưa sau khi Hoàng Thái Cực bất ngờ băng hà, hai nhân vật có khả năng được kế vị hơn cả phải kể tới hoàng trưởng tử Hào Cách và em trai ruột của Tiên đế là Đa Nhĩ Cổn.
Bấy giờ, Hào Cách vốn là con trưởng của Hoàng Thái Cực, đồng thời cũng là người thích hợp nhất để kế thừa ngai vị. Thế nhưng Đa Nhĩ Cổn lại từng có công lao rất lớn trong việc giúp Mãn Thanh nhập quan, nên thế lực của hai ứng cử viên cho ngai vàng khi ấy quả thực khó phân cao thấp.
Ngao Bái năm xưa vốn có đại công giúp Thuận Trị đế (bên trái) lên ngôi và nắm quyền trước sức ép từ một thành viên hoàng tộc đầy quyền lực là Đa Nhĩ Cổn.
Ngay trong lúc Đa Nhĩ Cổn và Hào Cách đang ganh đua khốc liệt thì Ngao Bái với tư cách là tâm phúc của Hoàng Thái Cực đã công khai đứng lên ủng hộ con trai của Tiên đế lên ngôi.
Không màng tới sự uy hiếp từ Đa Nhĩ Cổn, viên quan này đã bôn ba khắp nơi để tập hợp thế lực, thậm chí còn lấy sinh mạng bản thân để thề sẽ ủng hộ con trai Hoàng Thái Cực kế vị.
Để có thể áp chế thế lực của Đa Nhĩ Cổn, Ngao Bái đã đánh cược toàn bộ tài sản cũng như danh tiếng và tính mệnh của mình để viết ra một bức mật thư nhằm lôi kéo các nguyên lão Bát Kỳ.
Năm 1994, bức mật thư của viên quan họ Ngao đã được phát hiện và chính thức được công bố sau gần 350 năm bị lịch sử lãng quên. Trong đó có một câu rất hùng hồn do chính ông viết ra:
"Ta đời này ăn cơm của Tiên đế cho, mặc y phục của Tiên đế cấp, xin lấy tính mạng để thề bảo vệ con trai của Ngài, nếu không lập con trai Tiên đế, ta nguyện lấy cái chết để tạ tội…".
Mặc dù từng phạm phải nhiều tội danh đại nghịch bất đạo, nhưng đa số các nhận định đều cho rằng Ngao Bái dù ngang ngược nhưng chưa từng có dã tâm làm phản. (Ảnh minh họa).
Chính sự liều lĩnh và bất chấp mà Ngao Bái đã khiến cả Đa Nhĩ Cổn buộc phải thỏa hiệp. Mặc dù cuối cùng trưởng tử Hào Cách không có cơ hội lên ngôi, nhưng công lao của viên quan họ Ngao đã "dọn đường" để cho người con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực kế vị, cũng chính là Thuận Trị đế sau này.
Trong thời kỳ đầu Thuận Trị tại vị, hầu hết mọi việc trong triều đều do Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn chấp chưởng. Ngao Bái khi ấy cũng chịu đủ mọi khó khăn nhưng vẫn một lòng trung thành phò tá tân đế.
Sau khi Đa Nhĩ Cổn đột ngột qua đời, ông cùng một số vị đại thần khác đã là nhóm đại thần đi tiên phong trong việc giúp Thuận Trị thanh trừng phe cánh của Nhiếp chính vương khét tiếng một thời ấy.
Điều này cũng giải thích lý do vì sao trước lúc qua đời, Thuận Trị lại chọn Ngao Bái là một trong những đại thần ủy thác.
Và rất có thể đây cũng là nguyên nhân khiến Khang Hi không thể xuống tay với quyền thần họ Ngao. Bởi một khi hạ sát Ngao Bái, Khang Hi tuy có thể diệt trừ được mối lo nhưng lại mang tiếng là bội bạc với công thần.
Hơn nữa, đa số các ý kiến đều khẳng định rằng Ngao Bái dù có phần ngang ngược nhưng quả thực chưa từng có dã tâm soán ngôi đoạt vị.
Bởi vậy mà khi chứng kiến cảnh con cái huyết nhục tương tàn vì tranh đoạt ngôi báu, Khang Hi đế vẫn không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về lòng trung thành cũng như công lao phò tá của quyền thần họ Ngao năm nào…
*Theo quan điểm của QQNews.