"Đàn ông phải mạnh mẽ mới đáng mặt làm đàn ông" vốn là điều mà phái đẹp và cả xã hội luôn mặc định là đúng.
Nhưng mạnh mẽ cụ thể là như thế nào? Nó có đồng nghĩa với việc không được khóc, không được buồn bã, và luôn phải kìm nén cảm xúc thật của mình hay không?
Những câu hỏi này, liệu đã có chị em nào từng nghĩ tới?
Nếu đọc đến đây, trong đầu bạn chợt bật ra một chữ "Không", thì "Mặt nạ nam tính" chính là cuốn sách mà bạn nên đọc để hiểu hơn, cảm thông hơn với một nửa thế giới, hoặc chí ít, cũng là người đàn ông ngay bên cạnh bạn lúc này.
1. Gọi tên những chiếc "mặt nạ" mà đàn ông nghiễm nhiên phải đeo vì những định kiến của xã hội
Cuốn sách mở đầu với lời tự tình của tác giả Lewis Howes về động lực thôi thúc anh tìm lại chính mình và thoát khỏi cái khuôn được đúc sẵn cho mọi đàn ông: "Ngay từ bé, tôi luôn được nghe cha mình và cả những người xung quanh nhắc về sự nam tính.
Nam tính tức là làm việc chăm chỉ, có ngoại hình cứng rắn cùng một tinh thần thép không dễ xao động trước biến cố hay khó khăn, và luôn phải chiến thắng bằng mọi giá.
Tôi đã tuân theo chỉ dẫn này và tin rằng mình đã trở thành một người đàn ông thực thụ, cho tới khi nỗi buồn len lỏi và thế chỗ cho cảm giác chiến thắng.
Sự cô đơn và nghiện ngập chiếm hết chỗ dành cho yêu thương và chứng trầm cảm bao trùm lên tất thảy."
Điều đáng nói chính là Lewis Howes có những cảm xúc tiêu cực ấy vào lúc anh đang đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống của mình: Được vinh danh là một trong 100 doanh nhân hàng đầu nước Mỹ có tuổi đời dưới 30, được giới thiệu trên Ellen Show, New York Times, Forbes,...
Chính sự mâu thuẫn này đã thôi thúc Lewis Howes nghiên cứu các báo cáo khoa học về tâm lý (được liệt kê cụ thể trong sách) và đưa ra kết luận về 09 chiếc mặt nạ mà những định kiến về sự nam tính buộc đàn ông phải mang:
Mặt nạ hà khắc: Đàn ông không được yếu đuối.
Mặt nạ thể thao: Đàn ông phải vượt trội về mặt thể chất, hoặc ít nhất là đừng có ẻo lả.
Mặt nạ hiếu chiến: Đàn ông thì không ngán ai hay bất cứ điều gì.
Mặt nạ hài hước: Đàn ông không được nhạt nhẽo.
Mặt nạ tình dục: Đàn ông phải biết cách chinh phục phái đẹp.
Mặt nạ biết tuốt: Đàn ông phải là người đưa ra giải pháp trong những tình huống khó khăn.
Mặt nạ bất khả chiến bại: Đàn ông không được phép bộc lộ dấu hiệu đau đớn về mặt thể xác hoặc cảm xúc.
Mặt nạ vật chất: Đàn ông phải có tiền.
Mặt nạ Alpha: Bằng mọi cách, đàn ông phải có quyền "thống trị" và điều hành trong môi trường của anh ấy.
Không phải tất cả, nhưng chắc hẳn, hầu hết phụ nữ đều giữ trong tâm trí những tiêu chí mà 09 chiếc mặt nạ trên mô tả khi lựa chọn bạn đời như một điều hiển nhiên, vì "đàn ông là phải thế chứ còn sao?!".
Chính điều này đã vô tình khiến đàn ông phải dẹp đi cảm xúc của mình nếu muốn được xã hội ghi nhận và muốn chinh phục được người phụ nữ họ yêu thương.
Nhưng thực tế, đàn ông vốn là sinh vật có nhiều cảm xúc hơn so với phụ nữ từ những năm tháng đầu tiên trong đời.
Lewis Howes viết trong "Mặt nạ nam tính": "Từ khi còn sơ sinh cho đến lúc 4-5 tuổi, các bé trai dễ xúc động hơn các bé gái.
Một nghiên cứu của trường Y Harvard và Viện nhi Boston vào năm 1999 chỉ ra rằng các bé trai 6 tháng tuổi thường có xu hướng thể hiện sự tức giận trên khuôn mặt, để tỏ ra cảm giác phiền phức, để thực hiện cử chỉ rằng nó muốn được bế và có xu hướng khóc nhiều hơn các bé gái".
2. Nghiện tình dục, chất kích thích, sử dụng bạo lực... chính là hậu quả của việc đeo quá nhiều lớp mặt nạ
Sau khi liệt kê và phân tích 09 chiếc mặt nạ mà đàn ông thường mang, Lewis Howes đi sâu vào phân tích hậu quả của việc này. Rõ ràng, "đeo mặt nạ" giúp đàn ông được công nhận, nổi trội hơn so với một nửa thế giới,...
Và thực tế, không phải người đàn ông nào cũng nhận ra bản thân họ đang sống dưới tầng tầng lớp lớp những định kiến sai lầm.
Cuộc sống của họ vẫn "ổn" theo nghĩa nào đó. Vậy thì tại sao họ cần phải nhận diện cảm xúc, ghi nhận dù nó không đúng với chuẩn mực xã hội?
Tác giả mượn lời của Tiến sĩ Tâm lý học Niobe Way để chỉ ra tác hại đầu tiên của việc này: "Khi ngôn ngữ cảm xúc dần biến mất khỏi câu chuyện của các chàng trai, những cậu trai đó có tỉ lệ tự sát cao gấp 5 lần các cô gái.
Một nghiên cứu về phòng chống tự sát tiến hành tại Thụy Sĩ đã tóm tắt phát hiện này của Niobe Way theo lối văn phong sát nghĩa nhất: Phụ nữ tìm sự giúp đỡ, còn đàn ông tìm đến cái chết."
Nếu không tìm đến cái chết, dưới đây là 03 thứ mà những người đàn ông luôn kìm nén cảm xúc thường làm để giải tỏa: Tình dục, chất kích thích (thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện,...) và bạo lực.
Lewis Howes viết: "Tình dục là cách hầu hết đàn ông thường dùng để giải tỏa cảm xúc. Sự thân mật về thể xác khiến họ cảm thấy như đang được vỗ về, quan tâm và hàn gắn sau những áp lực từ việc phải đeo mặt nạ.
Nhưng vấn đề chính là khi một người chỉ chú tâm vào khía cạnh thể xác, họ sẽ không bao giờ thấy đủ.
Sự hưng phấn ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi và đó là lý do có những người đàn ông không thể ngừng việc tìm kiếm nhân tình mới dù bản thân anh ta biết đó là việc hoàn toàn không nên."
Vậy đấy, có thể bản chất của đàn ông vốn không hề lăng nhăng, hoặc nóng tính như hầu hết những điều mà phụ nữ và xã hội thường nghĩ khi đàn ông gây ra những hành động không tốt.
Và rồi người gánh hậu quả, chịu tổn thương từ những hành động đó lại chính là phụ nữ.
Đàn ông ngoại tình, phụ nữ đau khổ vì gia đình tan nát. Người yêu quan hệ tình dục không kiểm soát, phụ nữ chuốc nguy cơ cao mắc bệnh tình dục.
Đàn ông ưa bạo lực, người hứng chịu tổn thương về thể xác hầu hết là phụ nữ.
Bởi thế, đã đến lúc đàn ông nên bớt hà khắc với bản thân, và phái đẹp nên quan tâm hơn tới cảm xúc của người đàn ông ngay bên cạnh mình. Đừng quăng thêm cho anh ấy những chiếc mặt nạ vốn đã khó khăn để tháo xuống.
Khép lại "Mặt nạ nam tính", Lewis Howes chia sẻ một điều mà có thể rất nhiều đàn ông đang khao khát: "Thay vì nói rằng "Anh phải…", đôi khi chúng tôi chỉ mong người phụ nữ của mình hỏi mình rằng: "Anh đang cảm thấy như thế nào?".
Câu hỏi đó quý giá hơn bất kỳ lời động viên hay khích lệ nào."
Vậy đấy, không phải chỉ có phụ nữ mới khát khao được quan tâm, mới nhạy cảm. Đàn ông cũng vậy.
Thông qua cuốn sách này, hy vọng rằng phụ nữ có thể bao dung hơn, tinh tế hơn, và nhất định rồi, đời sống tình cảm của bạn vì thế mà cũng sẽ rạng ngời hơn.
Với mong muốn phát triển, duy trì văn hóa đọc và đem tới cho phái đẹp những công cụ thiết thực để tư duy chủ động - sống độc lập, aFamily cho ra mắt chuyên mục "Sách hay cho phái đẹp" - Nơi sẽ giới thiệu tới bạn những cuốn sách về các chủ đề: Tình yêu - Hôn nhân, Phong cách sống, Làm đẹp, Văn học lãng mạn,...