Món 'hàng hiếm' giúp đánh tan đòn phản công của Ukraine?
Ít giờ trước, tờ Geek Week của Ba Lan đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Filip Koziarek với tiêu đề "Khí tài hiếm của Nga bị phía Ukraine phá hủy. Nó là gì?". Dưới đây là lược dịch những phần đáng chú ý nhất:
"Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới Độc lập số 47 của Ukraine mới đây đã công bố đoạn video được máy bay không người lái (UAV/Drone) trinh sát ghi hình.
Nó cho thấy quá trình một Hệ thống rải mìn từ xa (ISDM) "Zemledeliye" (Nông nghiệp) rất hiếm của Nga bị lực lượng Ukraine tấn công trên trục đường tiếp cận Thị trấn Pokrovsk ở Donetsk.
Tính tới thời điểm hiện tại, người Nga đã mất tổng cộng 4 khí tài hiện đại này. Đơn vị bị phá hủy gần nhất là vào giữa tháng 6/2024.
Video tuyên truyền của phía Ukraine về vụ tấn công.
"Zemledeliye" thực sự đã khiến người Ukraine rất khó chịu vì nó giúp nhanh chóng rải một lượng lớn mìn trong một khu vực rộng lớn - thứ chắc chắn sẽ cản trở lớn đến khả năng cơ động của các lực lượng Ukraine.
Được biết lô hàng "Zemledeliye" mới nhất đã được nhà sản xuất bàn giao cho lực lượng Nga vào tháng 10/2023 - nhanh hơn ngày giao hàng dự kiến ban đầu.
Từ đó tới nay, các khí tài này đã được triển khai ở nhiều mặt trận, bao gồm hướng Zaporizhia cũng như miền bắc Ukraine. "Zemledeliye" đã nhận được sự chú ý khi đóng vai trò trong việc đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine ở Zaporizhia vào năm 2023.
Vậy nó có thể làm gì?
"Zemledeliye" được phát triển trên khung gầm xe tải Kamaz 6560 8x8 và đã được Quân đội Nga đưa vào trang bị từ năm 2020.
Phương thức hoạt động của nó tương tự như Pháo phản lực phóng loạt (MRLS) BM-21 "Grad" tức là từ 25 ống phóng (2 cụm với 50 ống), đạn phản lực 122 mm có thể triển khai mìn chống tăng hoặc mìn sát thương bộ binh đến mục tiêu cách khu vực cách xa từ 5 đến 15 km.
Điều thú vị là các loại mìn được sử dụng trong hệ thống đi cùng với các giải pháp mới và hiện đại, bao gồm khả năng lập trình để mìn chống tăng chỉ tấn công một loại khí tài cụ thể.
Việc này nhằm giảm nguy cơ phát nổ ngẫu nhiên, cũng như nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng mìn khi chỉ hướng tới các mục tiêu quan trọng.
Ngoài ra, các cảm biến có trong mìn cũng có thể nhận diện địch - ta, tự hủy trong khoảng thời gian cụ thể...
Cuối cùng, người Nga cũng có thể sử dụng "Zemledeliye" trong cả các nhiệm vụ phòng thủ lẫn tấn công, vì ngoài đạn phản lực chứa mìn, loại đạn có thể tấn công chính xác mục tiêu cũng được phát triển...".
Tại sao người Nga im lặng?
Tính tới thời điểm hiện tại đã nhiều giờ trôi qua sau khi bài viết nói trên được tờ báo Ba Lan đăng tải. Nhưng trái với các chủ đề khác, các kênh truyền thông chính thống của Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.
Tuy nhiên câu trả lời cho thái độ của người Nga có thể đến từ 1 nhận định được các nhà phân tích Alexander Timokhin đưa ra trong từ bài viết "Mìn tấn công" được Topwar đăng tải vào tháng 2/2024 như sau:
"... không thể không thừa nhận rằng những nỗ lực tích cực đang được thực hiện nhưng một lần nữa nó đến từ các cấp chỉ huy trên thực địa... những người thường bị buộc phải giải quyết vấn đề của mình bằng những công cụ không phù hợp.
Một trong những công cụ không phù hợp này là lực lượng và phương tiện rải mìn từ xa hiện có - và vấn đề chính là do cách tổ chức sử dụng chúng.
... theo truyền thống thì ở Nga người ta có xu hướng tạo ra nhiều loại "vũ khí thần kỳ" bao gồm một hệ thống đặc biệt được gọi là ISDM "Zemledeliye".
Về lý thuyết thì ngoài hệ thống này, lực lượng Nga có thể rải mìn từ xa bằng các MRLS BM-21 "Grad", BM-27"Uragan", BM-30 "Smerch"... nhưng thực tế tiềm năng này không được tận dụng...
Ngoài ra mìn cũng có thể được rải từ trên không, nhưng do các vấn đề về việc chế áp phòng không đối phương nên vấn đề này có thể tạm gác lại.
Nhưng hiện tại, điều có thể giúp tăng mạnh hiệu quả rải mìn là cần chú ý đến cách làm hiện tại của người Nga... và để hiểu được nó, chúng ta hãy bắt đầu từ quan điểm sử dụng mìn của người Mỹ.
Với họ, mìn không được coi là chỉ mang tính phòng thủ mà có thể được sử dụng làm vũ khí tấn công...
Ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô và Nga có thể dễ dàng sản xuất ra các tổ hợp pháo binh có năng lực tương tự Mỹ và NATO, nhưng vẫn chưa có học thuyết chiến tranh bom mìn nào đủ vững chắc.
Mặt khác lực lượng công binh Nga lại là những người sở hữu ISDM "Zemledeliye" và việc sử dụng các đơn vị khí tài công binh này trong hoạt động tấn công sẽ không được tính tới vì lý do tổ chức.
Cần lưu ý từ quan điểm kỹ thuật rằng thay vì sử dụng ISDM, MLRS với loại đạn phù hợp có thể và lẽ ra phải được sử dụng - điều sẽ giúp tiết kiệm tiền và phổ biến hoạt động rải mìn từ xa ra ngoài phạm vi lực lượng công binh.
Clip Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga về đoàn xe bọc thép Ukraine liên tục phát nổ trên bãi mìn Nga vào mùa hè năm 2023.
Tình huống giả định của tôi sẽ là đạn phản lực 300 mm từ MRLS BM-30 "Smerch" hay 220 mm từ BM-27 "Uragan" có thể rải những bãi mìn lớn chứa cả mìn chống tăng và mìn sát thương bộ binh PFM-1...
Việc sử dụng BM-21 "Grad" để rải mìn vẻ không hợp lý vì mỗi đạn phản lực chỉ có thể chứa 5 quả mìn sát thương bộ binh hoặc 3 quả mìn chống tăng, con số này là rất hạn chế...
Việc rải mìn từ xa có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tấn công, trước hết nó giúp cô lập khu vực chiến đấu, gây khó khăn cho việc cơ động của đối phương...
Để phát huy hết tiềm năng của chiến thuật này, cần có các biện pháp tổ chức cũng như đào tạo... nhưng bước đầu tiên phải là sự thay đổi trong nhận thức - mìn nên dần được coi là vũ khí tấn công của pháo binh chứ không chỉ là vũ khí phòng thủ của công binh..."
Hiện vẫn chưa rõ chính xác số lượng ISDM "Zemledeliye" nằm trong trang bị của lực lượng công binh Nga. Tuy nhiên theo truyền thông Nga, một tổ hợp MRLS đa năng có tên "Vozrozhdeniye" (Phục hưng) đang được phát triển dựa trên ISDM "Zemledeliye".
"Vozrozhdeniye" được cho là có tính module tương tự như MRLS M142 HIMARS của NATO.
Tức là nó có thể vừa làm các công việc của người tiền nhiệm cũng như tấn công bằng đạn phản lực 220 mm của BM27 "Uragan" cũng như đạn nhiệt áp của các tổ hợp TOS-1, TOS-1A và TOS-2. Điều này có nghĩa là nó sẽ nằm trong trang bị của Lục quân Nga.