Mất mật vì chủ quan
PGS.TS Trần Đình Thơ – PGĐ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ trong thời gian gần đây người dân ý thức hơn về việc khám sức khoẻ và qua đó cũng phát hiện nhiều trường hợp bị bệnh lý đường mật trong đó chủ yếu là sỏi mật.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị sỏi mật biến chứng. Ví dụ như bệnh nhân trường hợp của chị N.T.H. (42 tuổi, tại Điện Biên) là điển hình. Chị H thường bị đau bụng theo cơn và đã đi khám nhưng không tìm ra bệnh. Trước đó, chị đã phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ nhưng chủ quan là bệnh đã khỏi.
Khi tình trạng nặng gia đình đưa vào Bệnh viện tỉnh Điện Biên nhưng nhiễm trùng nặng quá nên chị H được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Điện Biên tới Bệnh viện Việt Đức đã ở trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nghi ngờ sỏi mật.
PGS Thơ tư vấn cho bệnh nhân.
Tình trạng nhiễm trùng đường mật nặng các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu. Lúc đó, gia đình người bệnh cũng nghĩ bệnh nhân khó qua khỏi được. Sau mổ 1 tuần, bệnh nhân đã hồi phục tốt nhưng biến chứng sỏi mật gây xơ gan.
Trường hợp của chị Đỗ L.H (34 tuổi, Hà Nội) cũng tương tự, chị không biết mình bị sỏi mật nhưng thời gian gần đây chị thường xuyên bị đau bụng. Cơn đau vật vã kèm theo ngây ngấy sốt nhất là về buổi chiều. Chị H tìm tới bác sĩ khám được chẩn đoán sỏi túi mật.
Sau đó, chị H đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám lại lần nữa. Bác sĩ chẩn đoán sỏi túi mật và phải cắt mật vì mật không còn chức năng tiết mật do sỏi mật lâu ngày làm dày thành túi mật. Nếu không cắt mật thì nguy cơ ung thư mật rất lớn.
Chị H đã được phẫu thuật cắt bỏ mật kèm theo cả đống sỏi mật cholesterol rắn như đá. Trường hợp của chị H may mắn nếu để bệnh một thời nữa chắc chắn có nguy cơ ung thư.
Dấu hiệu sỏi mật
Theo PGS Thơ hiện nay sỏi mật chiếm 20% dân số mắc. Có hai loại sỏi đường mật và sỏi túi mật. Ở nông thôn người dân chủ yếu mắc sỏi đường mật do tập quán sinh hoạt, nhiễm giun, ký sinh trùng nhiều hơn.
Ở thành phố do thói quen ăn uống giàu chất béo, tình trạng thừa cân béo phì dẫn tới lắng động cholesterol trong mật kết hợp dịch mật tạo thành sỏi. Sỏi túi mật chiếm 70 % số ca sỏi mật.
Đa số bệnh nhân sỏi mật đều không biết mình bị mắc, thông thường sỏi có thể lắng tụ từ 5 đến 20 năm. Các bệnh nhân đều xuất hiện biến chứng mới tìm tới bác sĩ khám.
PGS Thơ cho biết, thói quen ăn uống gây rối loạn chuyển hoá là nguyên nhân gia tăng bệnh lý đường mật trong đó có sỏi mật. Thậm chí, có bệnh nhi đã bị sỏi túi mật và nguyên nhân chỉ vì thừa cân, béo phì gây ra.
Dấu hiệu của sỏi mật là gì?
Các bệnh nhân bị sỏi túi mật sẽ được làm phẫu thuật cắt mật một số có thể tán qua da. Còn sỏi đường mật, sỏi trong gan điều trị khó hơn rất nhiều do ống mật nhỏ, gấp khúc, sỏi mắc kẹt dễ gây viêm. Sỏi đường mật điều trị phải phẫu thuật hoặc lấy sỏi ngược dòng.
TS Đỗ Anh Tuấn - Trưởng khoa phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cho biết, sỏi mật có 3 loại chính là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố, sỏi hỗn hợp.
Sỏi sắc tố thường ở ống mật hình thành do dịch mật và bilirubin tạo nên, mềm hơn đây cũng là loại sỏi hay gây các biến chứng nguy hiểm như: sốc nhiễm trùng đường mật, viêm phúc mạc mật, hoại tử đường mật và cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Sỏi túi mật là lắng động cholesterol cứng hơn. Sỏi túi mật không gây biến chứng, không đau chỉ tình cờ phát hiện qua đi khám sức khoẻ thì bác sĩ khuyến cáo chỉ theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên hơn chưa cần phẫu thuật, uống thuốc.
TS Tuấn Anh cũng cho biết bệnh lý sỏi túi mật dễ nhầm với dạ dày và đại tràng. Sỏi túi mật, còn sỏi ống mật và sỏi trong gan thì không nhầm với cơn đau của dạ dày đại tràng.
Cách phân biệt dấu hiệu của sỏi túi mật: Đau dạ dày có thể đau chu kỳ liên quan tới bữa ăn, thời tiết còn sỏi túi mật không liên quan. Còn cơn đau của viêm đại tràng cũng giống bệnh lý dạ dày và túi mật nhưng ở đại tràng thì có triệu chứng rối loạn tiêu hoá.
Những bệnh nhân có sỏi đường mật, sỏi gan thường có triệu chứng như đau nhiều ở vùng gan, tình trạng nhiễm trùng nặng nề: sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.