Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ dùng máy bay không người lái?
Mặc dù các chiến tích từ phi đội máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép phe đối lập tiến hành một cuộc phản công giúp ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria, nhưng điều đó là không đủ để thay đổi tình hình chiến trường ở Idlib.
"Chính quyền Assad đã mất lợi thế tâm lý sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai máy bay không người lái và pháo binh.
Các lực lượng vũ trang Syria không thể chiến đấu dưới làn hỏa lực như vậy, khiến họ tạm thời bị tê liệt", Kirill Semenev, nhà phân tích Trung Đông từ Moscow nói với Al Jazeera. "Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phe đối lập có thể chiếm lại các vị trí đã mất trước đó".
Trước đó hôm 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố lực lượng nước này ở Idlib đã phá hủy hai máy bay chiến đấu Su-24 của Syria, hai máy bay không người lái, 135 xe tăng các loại và năm hệ thống phòng không, đồng thời "vô hiệu hóa" hơn 2.500 chiến binh trung thành với Chính phủ Syria.
Nhà phân tích Semenev bày tỏ sự hoài nghi về con số thương vong và tài sản quân sự của Syria bị phá hủy nói trên, đồng thời nói rằng tổn thất của quân Damascus là "lớn nhưng không nghiêm trọng".
Thổ Nhĩ Kỳ dùng máy bay không người lái khiến quân đội Syria trở tay không ngờ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai máy bay không người lái trong các cuộc tấn công mới nhất đã làm bất ngờ cho nhiều nhà quan sát. Không những vậy, lựa chọn của Ankara đã mang đến hiệu quả đáng kể trên chiến trường.
Theo giới phân tích, một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là do hoạt động quân sự của Nga đã giảm xuống ở Idlib.
Một chỉ huy phe đối lập Syria xác nhận với Al Jazeera rằng, các cuộc không kích của Nga đã được thực hiện tương đối ít trong vài ngày qua. Tuần trước, truyền thông thân Iran cũng cáo buộc Moscow bỏ rơi lực lượng Chính phủ Syria và dân quân Iran trên chiến tuyến Saraqeb.
Theo nhà phân tích Semenev, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có một thỏa thuận, trong đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng máy bay không người lái ở khu vực giảm leo thang ở Idlib, đó là lý do tại sao các lực lượng Nga đến lúc này đã tránh hành động chống lại Ankara.
"Cũng có thể Nga muốn tránh sự leo thang lớn với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này", ông nói thêm.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng nhiều lần khẳng định công khai rằng, họ sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào lực lượng Syria và tránh đối đầu với Nga.
Điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Al Jazeera, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ kết hợp với các cuộc không kích của chiến đấu cơ bay dọc biên giới Syria và pháo hạng nặng đã làm thay đổi đáng kể cán cân trên chiến trường Idlib.
Can Kasapoglu, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng tại EDAM, có trụ sở tại Istanbul cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung sức mạnh pháo binh và máy bay không người lái vào mặt trận ở miền Đông Idlib, nơi lực lượng chính phủ Syria và dân quân Iran đang chiến đấu.
Ngược lại, quy mô tấn công hạn chế hơn ở phía Nam, nơi Sư đoàn 5 do Nga hậu thuẫn được triển khai. Trong những diễn biến tới, việc Nga triển khai quân cảnh tới Saraqeb có thể buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải kìm hãm hỏa lực.
Giới phân tích tin Nga-Thổ sẽ đạt được thỏa thuận ở Idlib.
Những diễn biến này diễn ra trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến gặp nhau tại Moscow vào ngày 5/3 để thảo luận về tình hình ở Syria.
Trong những tuần gần đây, đã có nhiều cuộc họp giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và Nga và các cuộc điện đàm giữa các thành viên của hai Chính phủ.
Theo Marwan Kabalan, giám đốc phân tích chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Ả Rập ở Doha, Qatar, với sự leo thang mới nhất ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gây sức ép với Nga để đạt được một thỏa thuận mới ở tây bắc Syria trước cuộc họp ngày 5/3.
"Người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến hội nghị thượng đỉnh với một vị thế trên chiến trường mạnh hơn nhiều so với vài ngày trước", ông nói. "Theo tôi dự đoán, người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận mới".
Theo quan điểm của nhà phân tích Kabalan, Ankara lo ngại Chính phủ Syria một khi tiếp quản đường cao tốc M4, M5 sẽ để lại một dải đất nhỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ chứa ba triệu người Syria tị nạn. Nơi đây sẽ trở thành "một dải Gaza" mới mà không có triển vọng kinh tế hay cơ sở hạ tầng, khiến Ankara buộc phải viện trợ tài chính.
Vì lý do này, Tổng thống Erdogan có thể sẽ gây áp lực buộc người đồng cấp Putin đồng ý với một thỏa thuận giảm leo thang mới và cùng tham gia vào điều hành đường cao tốc M4 và M5. "Nếu đạt được thỏa thuận như vậy, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ lắng xuống sau ngày 5/3", ông nói thêm.