Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận IS không còn "mảnh đất cắm dùi" nào ở Syria.
SDF - lực lượng do người Kurd dẫn đầu - mở chiến dịch nhằm vào thành trì cuối cùng của IS tại Syria hồi đầu tháng 3. Các quan chức Washington tin rằng dù để mất Baghuz nhưng IS vẫn còn khoảng 15.000-20.000 thành viên và những kẻ ủng hộ hoạt động trong khu vực, nghĩa là mối đe dọa IS chưa bị dập tắt hoàn toàn.
Bà Karin von Hippel, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định với trang Yahoo! News rằng diễn biến trên là một cột mốc quan trọng nhưng IS vẫn là mối đe dọa không nhỏ. Nhiều tay súng IS ở Syria lẫn Iraq sẽ ẩn náu và bất ngờ ra tay tấn công khi có cơ hội. Ngoài ra, bà Hippel lưu ý nhiều tay súng nước ngoài gia nhập IS sẽ không trở về quê hương mà đến các nước khác để gieo rắc tội ác.
Với nữ chuyên gia này, cuộc chiến chống lại các nhóm như IS là một thách thức to lớn bởi mỗi khi xuất hiện một nhóm cực đoan mới, chúng thường bạo tàn và khát máu hơn.
Trong khi đó, ông Raffaello Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại RUSI, cảnh báo việc IS mất hết lãnh thổ ở Syria không phải kết thúc bởi còn đó nỗi lo chúng sẽ lợi dụng tình hình bất ổn ở quốc gia Trung Đông này để trỗi dậy. Chưa hết, theo ông Pantucci, hiểm họa còn đến từ các chi nhánh của tổ chức này ở Yemen, Nigeria, Afghanistan, Ai Cập...