Cá tra chính là mặt hàng tiềm năng có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân của sự sụt giảm này là do kinh tế suy thoái, người dân tại các nước phát triển phải hạn chế chi tiêu, tình trạng tồn kho lớn và ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023, nhưng với sự điều hành của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, những sản phẩm cá tra của Việt Nam vẫn xuất khẩu sang 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có nhiều sản phẩm từ cá tra được các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Singapore... ưa chuộng.
VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ đạt 271 triệu USD trong năm 2023, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Dù giảm mạnh nhưng Mỹ vẫn được coi là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của cá tra Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), trong 10 tháng đầu năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD cá thịt trắng từ thế giới, trong đó chủ yếu là những sản phẩm phi lê đông lạnh. Đáng chú ý là số lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 19% thị phần, đồng thời trở thành nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ hai của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc (chiếm 45%).
Trên thực tế, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang từng bước khả quan hơn, đồng thời có tăng trưởng nhẹ vào tháng cuối cùng của năm 2023. Cụ thể, trong tháng 12/2023, lần đầu Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, sau 11 tháng sụt giảm, với kim ngạch đạt gần 20 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Truốc đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đều giảm từ 22 – 81% trong 11 tháng đầu năm 2023.
Cơ hội chuyển mình cho cá tra Việt Nam trong năm 2024
Theo VASEP, trong năm 2024, Việt Nam kỳ vọng Trung Quốc vẫn sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra, sau khi quốc gia này tiến hành dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng dịch Covid-19. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng có thể kỳ vọng vào một số thị trường chính khác, chẳng hạn như Mỹ.
Trong năm nay, toàn ngành cá tra đặt ra mục tiêu phấn đấu về diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Theo các chuyên gia tại Rabobank, dự báo cá tra của Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2024. Dự báo sản lượng toàn cầu đạt 3,2 triệu tấn thì Việt Nam có thể chiếm tới 52% sản lượng.
VASEP cho biết, để ngành cá tra có thể phục hồi và đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, toàn ngành cần phải tập trung trong việc xây dựng thương hiệu mạnh, đồng thời tiến hành các chiến dịch tiếp thị, xây dựng mạng lưới đối tác... nhằm tăng cường sự hiện diện và uy tín của mặt hàng này của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bài viết tham khảo nguồn: Customs, VASEP, Rabobank