Mặt hàng quý hiếm này chính là hoa hồi. Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới. Đó chính là cây hồi. Sở dĩ cây hồi nói chung và hoa hồi nói riêng được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Trên thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Hơn nữa, mỗi năm chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 15.054 tấn hoa hồi, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 78,1 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều quốc gia trên thế giới nhập khẩu hoa hồi của Việt Nam. Cụ thể, hoa hồi của Việt Nam được tiêu thụ mạnh tại nhiều khu vực Nam Á (chẳng hạn như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), Mỹ và các quốc gia thuộc EU. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc được coi là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, chiếm lần lượt 49,4% và 25,1%.
Tính cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tới 83 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022. Theo VPA, giá xuất khẩu bình quân của hoa hồi trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm 2022. Đặc biệt, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ước đạt 7.860 tấn (chiếm 48,7%) và 4.116 tấn (chiếm 25,5%).
Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS), hồi là một cây gỗ nhỡ cao từ 2 - 6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Nếu được trồng và chăm sóc tốt, cây hồi sẽ cho ra hoa sau 4 năm trồng. Trong năm, hoa hồi ra hoa hai lần, nhưng không có ranh giới rõ ràng. Cụ thể, vụ thứ nhất thường diễn ra trong tháng 6, gọi là hoa vụ tứ quý. Đợt hoa nở thứ hai ngay sau lứa đầu, khoảng tháng 8 – 9 sẽ cho thu hoạch và được gọi là vụ hồi mùa.
Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng. Năng suất của cây hồi từ năm thứ 4 – 6 là khoảng 0,5 – 1 kg/cây. Tuy nhiên, kể từ năm thứ 20 trở đi, cây hồi sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50 kg/cây.
Cây hồi có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là vùng Đông Bắc của Việt Nam và phía Nam của Trung Quốc. Trên thực tế, ở Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, với sản lượng hàng năm lên tới hơn 16.000 tấn.
Hoa hồi có tác dụng gì?
Hoa hồi có màu hồng thẫm với hương thơm đặc biệt, được dùng phổ biến trong chế biến ẩm thực và làm thuốc chữa bệnh. Quả hồi có dạng cánh kép, gồm 8 cánh nhọn được xếp thành hình ngôi sao.
Cây hồi có nhiều công dụng trong cả ẩm thực và chữa bệnh. Hoa hồi có hương thơm đặc biệt hấp dẫn và được coi là gia vị không thể thiếu trong nền ẩm thực của cả phương Đông lẫn phương Tây. Quả hồi thường được phơi, sấy khô tán bột là một trong những thành phần của gia vị ngũ vị hương dùng làm gia vị cho các món thịt hầm, nước dùng cho phở…
Theo đó, tại phương Tây, dầu sản xuất bằng cách chưng cất hoa hồi thường được cho vào một số loại rượu vang. Trong khi đó, tại Việt Nam, hoa hồi được dùng làm gia vị cho các món như phở, cà ri, súp, hầm…
Tại thị trường trong nước, giá hoa hồi khô dao động từ 150 – 180.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng hoa hồi có bị vơ vụn hay không.
Ngoài công dụng là loại gia vị đặc biệt cho nhiều món ăn ngon, hoa hồi còn có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe cho con người, chẳng hạn như giúp tiêu diệt vi khuẩn, phòng ngừa nhiễm nấm, tốt cho sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh cúm, điều chỉnh lượng đường trong máu từ đó ngăn ngừa bệnh tiểu đường…
Bài viết tham khảo nguồn: VPSA, VAFS, Hindustantimes