Khi nghe những mô tả như vậy, chắc hẳn có nhiều người sẽ không tin rằng chúng tồn tại hoặc nghĩ rằng đây là một loài động vật máu lạnh. Nhưng thực chất chúng thực sự đã từng tồn tại trên Trái Đất, không những thế, chúng còn là một loài động vật có vú, nhưng số phận lại hơi hẩm hiu, chúng đã nhanh chóng tuyệt chủng sau khi tiếp xúc với con người.
Chúng là một loài đặc hữu của quần đảo Balearic ở Tây Ban Nha, tên của chúng là Myotragus balearicus hay còn được gọi với một cái tên khác là dê hang đảo Balearic - một loài dê núi thuộc phân họ Dê cừu Caprinae sinh sống tại các hang động núi đá trong các hòn đảo thuộc Majorca và Minorca. Loài này thuộc về một chi đơn loài duy nhất là Myotragus.
Quần đảo Balearic (ở trên) ở phía tây của Biển Địa Trung Hải và Mallorca và Menorca (cả hai đều thuộc quần đảo Balearic) nơi những con dê Balearic đã được tìm thấy.
Quần đảo Balearic nằm ở phía tây Địa Trung Hải, dê hang đảo Balearic chủ yếu sống trên các đảo Mallorca và Menorca, thuộc quần đảo Balearic. Chúng được nghiên cứu về mặt học thuật lần đầu tiên vào năm 1909. Người phát hiện ra dê hang đảo Balearic sớm nhất là nhà cổ sinh vật học Dorothea Bate đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn, và ông cũng chính là người đã đặt tên cho loài dê này.
Mặc dù con dê ở đảo Balearic đã được con người phát hiện từ hơn 100 năm trước, nhưng điều này không có nghĩa là con người hiểu được bản chất của loài động vật kỳ lạ này.
Trước hết, mặc dù sinh vật này trông giống một con cừu và có các đặc điểm của loài nhai lại, chẳng hạn như sừng, nhưng đôi mắt của chúng lại có cấu tạo hướng về phía trước giống như con người.
Trên thực tế, chỉ có đôi mắt của động vật ăn thịt, con người và linh trưởng mới hướng về phía trước. Hướng mắt về phía trước có nhiều lợi thế, ví dụ, nó có thể tạo ra tầm nhìn nổi và giúp xác định vị trí của con mồi phía trước.
Ngược lại, động vật ăn cỏ là con mồi, thường bị đuổi và phải bỏ chạy chạy, nên góc nhìn rộng hơn rất quan trọng so với hiệu ứng hình ảnh lập thể, vì vậy mắt của chúng thường có vị trí ở hai bên đầu. Thế nhưng dê hang đảo Balearic lại phá vỡ quy ước tiến hóa này.
Mặc dù chúng có đôi mắt của kẻ săn mồi, nhưng dê hang đảo Balearic thực sự là loài động vật ăn chay. Tuy nhiên điểm kỳ dị của loài động vật này chưa dừng lại ở đó.
Thông qua các phân tích hóa thạch, có thể thấy được rằng răng của chúng khá giống với răng của loài chuột - răng cửa ở hàm dưới của chúng luôn phát triển và mọc dài ra trong suốt cuộc đời - đây là đặc điểm của loài gặm nhấm chứ không phải là đặc điểm ở các loài động vật móng guốc. Ngoài ra, mũi của chúng cũng ngắn hơn mũi của các loài móng guốc khác, giống thỏ hơn là bò và cừu.
Điều kỳ lạ hơn nữa là hàm răng dưới của dê Balearic chỉ có 2 răng cửa, trong khi hàm răng trên không có răng cửa, chỉ có răng hàm.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào năm 2012 cho thấy dê hang đảo Balearic có thể sống đến 27 năm. Nó lớn gần gấp đôi so với các động vật ăn cỏ có cùng kích thước trên đất liền.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) năm 2009 còn cho thấy điều kỳ lạ hơn, cơ thể của dê đảo Balearic không giống một loài động vật có vú, mà giống một loài bò sát hơn.
Ai cũng biết rằng động vật có vú là động vật hằng nhiệt và cần nhiều thức ăn để duy trì thân nhiệt và sinh trưởng, vì vậy chúng phát triển tốt nhất trong môi trường có đủ thức ăn.
Nhưng bò sát thì khác, chúng là động vật biến nhiệt, có thể điều chỉnh tốc độ tăng trưởng theo lượng thức ăn và không cần nhiều thức ăn để duy trì thân nhiệt. Do đó, ở những nơi khan hiếm tài nguyên, chẳng hạn như trên các hoang đảo, thường chỉ có loài bò sát và các sinh vật có xương sống tiêu thụ năng lượng thấp sống sót.
Giống như hầu hết các hòn đảo, quần đảo Balearic cũng là một nơi khan hiếm tài nguyên và các hóa thạch động vật trên đảo thường có dấu hiệu của suy dinh dưỡng. Nghiên cứu này cho rằng, có lẽ để thích nghi với sự “thiếu hụt bẩm sinh” này, dê hang đảo Balearic, đã bị môi trường ép buộc để có những đặc điểm thích nghi với môi trường như loài bò sát.
Nghiên cứu này cho thấy sinh vật này khác với bất kỳ loài động vật có vú nào khác từng tồn tại trên Trái Đất, đặc biệt là xương của chúng có những đặc điểm, cấu trúc giống xương của cá sấu và thằn lằn.
Là động vật biến nhiệt, xương của bò sát hơi giống gỗ, chúng có các vòng sinh trưởng giống như vòng sinh trưởng hàng năm ở cây thân gỗ, bởi vì sự sinh trưởng của chúng cũng theo chu kỳ và không đồng đều. Nhưng đặc điểm này không xuất hiện trong xương của động vật máu nóng, vì động vật có vú phát triển với tốc độ đồng đều.
Trước khi dê hang đảo Balearic được phát hiện, những vòng sinh trưởng này được coi là đặc điểm và cũng là dấu hiệu quan trọng để phân biệt giữa bò sát và động vật máu nóng.
Tuy nhiên, xương của dê hang đảo Balearic có vòng tăng trưởng đặc trưng của loài bò sát, chính vì vậy, dê hang đảo Balearic là loài động vật có vú đầu tiên trên thế giới được phát hiện có đặc điểm của loài bò sát.
Tương tự như nhiều sinh vật trên đảo, dê Balearic rất lùn, chúng chỉ cao nửa mét và có lẽ những con non khi mới sinh chỉ có kích thước bằng một con chuột trưởng thành. Tuy nhiên, trước khi có sự xuất hiện của con người, dê Balearic là loài động vật có vú lớn nhất trên đảo Mallorca, bởi vì những loài động vật có khác có mặt trên đảo là chuột sóc khổng lồ Hypnomys và chuột chù khổng lồ Asoriculus.
Những con dê Balearic này đã tồn tại hạnh phúc trên quần đảo Balearic trong 5,2 triệu năm, và khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, chúng đã "bốc hơi" khỏi Trái Đất, và chỉ còn lại một số bộ xương trong một số hang động ở quần đảo Balearic.
Và đây cũng là thời gian mà cả ba loài động vật có vú trên đảo Majorca, cụ thể là dê Balearic, chuột sóc khổng lồ và chuột chù khổng lồ tuyệt chủng - Thời điểm này trùng với thời điểm con người đổ bộ lên đảo.
Sau sự xuất hiện của con người, quần đảo Balearic bước vào thời kỳ đồ đá mới. Các nhà khảo cổ tìm thấy một số xương động vật được chạm khắc trong hang động của con người, bao gồm cả dê Balearic. Điều này có nghĩa là loài dê và con người trên quần đảo Balearic đã cùng tồn tại trong một khoảng thời gian.
Một số nghiên cứu khảo cổ học cũng phát hiện ra rằng sừng trên hộp sọ của một số con dê Balearic cũng đã bị cắt bỏ, điều này có nghĩa là con người có thể đã cố gắng thuần hóa chúng.
Dựa trên điều này, một số nhà nghiên cứu cho rằng con người là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tuyệt chủng của loài dê hang đảo Balearic và các loài động vật có vú đặc trưng khác. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không đồng tình với quan điểm này, họ cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng tập thể của các sinh vật huyền bí trên quần đảo Balearic.