Mất căn cứ quan trọng ở Địa Trung Hải, loạt tàu chiến Nga đi đâu về đâu?

An An |

Các căn cứ hải quân chiến lược của Nga bị đảo lộn do xung đột ở Trung Đông và Ukraine, khiến hải quân Nga đau đầu, theo Business Insider (BI) ngày 8/1.

Tàu ngầm Nga rời Syria

Business Insider cho hay, dường như Nga không còn tàu ngầm tấn công nào ở biển Địa Trung Hải sau khi NATO phát hiện tàu ngầm cuối cùng của Moscow rời khỏi khu vực vào tuần trước.

Quân đội Bồ Đào Nha ngày 2/1 xác nhận, họ quan sát thấy một tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã lặng lẽ di chuyển di chuyển qua Eo biển Gibraltar. Bộ Tư lệnh Hàng hải Đồng minh NATO sau đó xác định tàu này là Novorossiysk, có khả năng mang theo tới bốn tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr.

Novorossiysk đã được phát hiện vài tuần trước tại căn cứ hải quân  Tartus ở Syria, mà Nga đã sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, tương lai đội tàu quân sự của Moscow trở nên chông chênh sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào tháng trước.

Hình ảnh vệ tinh đầu tháng 12/2024 cho thấy, tàu Novorossiysk đã cập cảng Tartus nhưng đến giữa tháng thì nó đã biến mất cùng với phần còn lại của các tàu chiến Nga từng ở đó. Trong những tuần gần đây, một số tàu hải quân Nga đã được phát hiện xuất hiện ngoài khơi bờ biển Syria nhưng đích đến của tàu ngầm này vẫn chưa được xác định.

Novorossiysk đã rời cảng Tartus, Syria. Ảnh: Hải quân Bồ Đào Nha

Mất sự hiện diện liên tục

Nga đã duy trì việc triển khai tàu ngầm gần như liên tục ở Địa Trung Hải trong khoảng một thập kỷ.

Lực lượng đặc nhiệm thường trực của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải được thành lập vào năm 2013 và liên tục đưa một hoặc nhiều tàu ngầm lớp Kilo tới khu vực này.

Trang tin Naval News của Hải quân Mỹ cho biết, những tàu ngầm này được đặt tại Tartus nhưng không có tàu ngầm nào ghé vào đó kể từ khoảng ngày 3/12/2024.

Việc mất căn cứ có nghĩa là bất kỳ tàu ngầm nào của Nga được triển khai vùng biển Địa Trung Hải đều phải ở lại trên biển, chỉ có khả năng ghé vào các cảng thân thiện trong thời gian ngắn.

Trên thực tế, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của Nga dành phần lớn thời gian ở cảng. Điều này khiến Nga không thể duy trì sự hiện diện lâu dài ở Địa Trung Hải, đồng nghĩa rằng, sức mạnh hải quân Nga suy giảm đáng kể ở khu vực.

BI cũng cho rằng, việc mất Tartus sẽ là một đòn giáng mạnh vào hải quân Nga, bao gồm cả lực lượng tàu ngầm.

Nếu giới lãnh đạo mới của Syria quyết định không cho phép Nga tiếp tục đồn trú quân đội tại Tartus, đây sẽ là một tin tiêu cực đối với hải quân Nga. Lực lượng này đã phải chịu một loạt tổn thất nặng nề ở Biển Đen kể từ khi cuộc chiến toàn diện với Ukraine nổ ra gần ba năm trước.

Moscow phải làm gì?

Naval News ngày 5/1 cho rằng, căn cứ hải quân Tartus là một phần quan trọng trong ảnh hưởng quân sự và chính trị của Nga ở Trung Đông và Châu Phi. Sự hiện diện giảm sút của tàu chiến và tàu ngầm ở Địa Trung Hải sẽ làm giảm sức ảnh hưởng này của Moscow.

Nhưng Nga có thể tìm cách thay thế Tartus bằng một căn cứ khác. 

Theo Naval News, có thông tin Nga đang đàm phán một thỏa thuận với chính phủ Syria mới để giữ lại căn cứ này nhưng không rõ thực hư.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng, Nga sẽ hướng đến Benghazi, Tobruk hoặc Al Burdi. Những thị trấn này ở miền đông Libya do tướng Khalifa Haftar, nhân vật được Nga hỗ trợ, kiểm soát. 

Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào như vậy được xác nhận và không có dấu hiệu rõ ràng nào về việc xây dựng mới.


 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại