Mật báo, truyền tin, dụ hàng: Đây là điệp viên đắc lực nhất của vua Gia Long

Lê Tiên Long |

Hoạt động lật đổ triều đình Tây Sơn của vua Gia Long có công lớn của một bà công chúa, người đã tổ chức hoạt động trinh thám từ thành Phú Xuân đến tận Quy Nhơn.

Bà là Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tuyên (1737 - 1809), con gái thứ 2 của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát - chúa thứ 8 của Đàng Trong, em của Vương tử Nguyễn Phúc Luân (cha vua Gia Long) và là chị của chúa Nguyễn Phúc Thuần.

Mẹ bà là Tả Cung tần Tống thị. Bà được chúa cho lấy Tiết chế Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống, dòng dõi Võ tướng Nguyễn Cửu Kiều.

Trong sự biến năm Giáp Ngọ (1774), khi quân Trịnh tấn công vào Phú Xuân, Nguyễn Cửu Thống chết trận, bà ở lại xã Vân Dương (thuộc huyện Hương Thủy) cắt tóc đi tu, người ta gọi là sư cô Vân Dương.

Khi quân Tây Sơn tiến ra, chiếm Phú Xuân, phá hủy lăng tẩm các chúa Nguyễn, bà sai con rể là Nguyễn Đức Tuấn cùng sư già thân tín bí mật đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chánh, dặn người dân sở tại theo dõi tìm cách bảo hộ lấy hài cốt.

Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Chánh đã làm theo lời bà và giữ gìn được một phần hài cốt của Nguyễn Phúc Luân để sau này lập công với Gia Long.

Năm Tân Hợi (1791) bà ngầm sai người thân tín, tên là Thiện, đáp thuyền buôn vào Gia Định gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh, đem việc ấy tâu lên.

Thiện cũng đem tình hình quân Tây Sơn động tĩnh ra sao, binh lương nhiều, ít thế nào, tâu bày từng việc một... Bà cũng gửi cho chúa bài Hoài Nam khúc do Hoàng Quang, người xã Thai Dương đã soạn để trình bày cho biết lòng dân nhớ mong nhà Nguyễn.

Được thư của bà viết, chúa Nguyễn Phúc Ánh rất vui. Bấy giờ nếu có sai người đi lại trinh thám tình hình Tây Sơn đều bí mật cư trú ở nhà bà.

Mật báo, truyền tin, dụ hàng: Đây là điệp viên đắc lực nhất của vua Gia Long - Ảnh 1.

Chúa Nguyễn Ánh.

Bà lại lấy tiền của giao cho Nguyễn Đức Tuấn đi chiêu dụ những nhân dân và quan lính Tây Sơn khuyên họ quy thuận. Chúa cũng sai người đưa mật dụ và giấy đóng dấu để trống giao cho bà tùy nghi viết chỉ sai, chỉ truyền để cấp cho người làm việc.

Sau, việc bị lộ, Đô đốc triều Tây Sơn là Dật đem quân đến vây nhà. May sao những người được mật sai bấy giờ không ở đó nên bà mới được an toàn.

Quân của đô đốc Dật tìm mãi, không bắt được ai bèn cướp của cải mà đi. Năm Đinh Tỵ (1797) Binh bộ nhà Tây Sơn là Nguyễn Đại Phác, được cử đi trấn thủ thành Quy Nhơn.

Đức Tuấn có quen Phác, biết Phác ngầm có ý quy phục chúa Nguyễn, nên lúc Phác đi, bà sai Đức Tuấn đi tiễn, dọc đường, đọc câu "Thời hồ! Thời hổ, bất tái lai" (Thời cơ ! Thời cơ ! Nếu bỏ qua thì nó không trở lại nữa) của Khoái Triệt, Phác hiểu ý, gật đầu đi.

Đô đốc Tây Sơn Lê Chất là tướng giỏi, nhưng do sau khi vua Quang Trung mất, nội bộ triều Tây Sơn lục đục, vua Quang Toản nghi ngờ bố vợ Chất là Lê Trung có mưu đồ phản loạn, lệnh cho bắt mà giết đi, rồi sai lùng bắt Chất rất gấp.

Chất phải chọn lấy một tên đầy tớ có mặt mũi gần giống mình, cho uống thuốc độc chết khiến cho quân của Quang Toản tưởng mình đã tự tử, rồi trốn vào ẩn náu trong núi Trà Bồng, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.

Bà được tin, bèn sai người thân tín tên là Hậu, đi dụ Chất về hàng, sau Lê Chất làm quan nhà Nguyễn được phong đến tước Quận công, giữ chức Khâm sai chưởng hậu quân Bình Tây tướng quân, rồi được cử làm Tổng trấn Bắc Thành từ 1818 đến 1826.

Năm 1798, người của công chúa do thám biết quân Tây Sơn đem hết quân đi Quy Nhơn, còn đô thành thì trống rỗng, bà bèn sai vẽ hình thế đồn sở cửa biển Tư Hiền và Thuận An, mật sai bọn Phạm Hữu Tâm và Nguyễn Khả Bằng đi đường miền thượng đến hành tại (chỗ ở của vua chúa trong khi đi đường) đem việc tâu lên chúa Nguyễn Phúc Ánh.

Năm Kỷ Mùi (1799) mùa hạ, Đoàn Văn Cát sai chị của Phác là Thị Huấn mang sắc chỉ vào thành Quy Nhơn dụ hàng. Phác được sắc chỉ, lập tức cùng Tổng quản Lê Văn Thanh đem thành Quy Nhơn ra hàng.

Năm Tân Dậu (1801) mùa hạ, chúa Nguyễn Phúc Ánh lấy lại được Kinh thành cũ lập tức sai Tống Phước Lương đi đón bà đến thuyền ngự. Bà khóc lạy, chúa cũng ôm lấy cô ruột mà khóc.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long thường đến chơi nhà bà, ban thưởng rất hậu. Đầu đời Gia Long (1802) ưu cấp cho lương bổng hàng năm, và cho làm phủ đệ ngay tại chỗ bà đang ở. Vua lại cho bà được tự chiêu mộ người lập đội thường ban làm tùy binh.

Năm Gia Long năm thứ 8 (1809) bà mất, thọ 72 tuổi. Vua sai quan lo liệu việc tang, táng ở xã Dương Xuân, cấp cho 5 người coi mộ.

Sau, vua cho lấy chỗ ở của bà làm đền thờ, mỗi năm, đến ngày giỗ, cấp cho gia đình 30 quan tiền. Tự Đức năm thứ 3 (1850), vua cho ấm thụ người chắt của bà là Nguyễn Cửu Ân làm Bá hộ,coi việc thờ cúng.

Tài liệu tham khảo:

Đại Nam Liệt truyện, Tiền Biên, tập 1, quyển 2 - Các con gái Thế tông Hoàng đế

Nguyễn Phúc tộc Thế phả

Hoàng Việt hưng long chí, Ngô Giáp Đậu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại