LTS: Cũng như người Việt, người Mỹ và người Nga chẳng lạ gì không vực núi Chúa, Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hoà của Việt Nam. Địa danh Cam Ranh đã nhiều người biết.
Nhưng vụ tai nạn hy hữu ngày 12-12-1995, làm rơi đến 3 chiếc máy bay đắt tiền Su-27 của Không quân Nga, khiến Cam Ranh in đậm hơn trong nỗi xót xa của bè bạn và gia đình các phi công, thuộc nhóm bay biểu diễn "Các tráng sỹ Nga" nổi tiếng.
Số là trên đường từ triển lãm hàng không "LIMA-95" từ Malaysia trở về, 3 trong số 5 máy bay tiêm kích Su-27 đã đâm vào núi Chúa gần căn cứ Cam Ranh. Bốn phi công đã hy sinh. Nguyên nhân của tai nạn bi thảm này giờ đây mới được làm rõ.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những góc khuất của vụ tai nạn bí ẩn và bi thảm này qua tổng thuật của Đại tá Trần Danh Bảng.
Kỳ 1: Mất 3 tiêm kích Su-27 cùng phi công tài hoa, người Nga sốc nặng!
Kỳ 2: Mất 3 tiêm kích Su-27 cùng 4 phi công tài hoa - Ma xui quỷ khiến!
Những người tỉnh táo
Từ năm 1988, trên máy bay Su-27, phi công Nga đã thiết lập 15 kỷ lục thế giới. Theo các chuyên gia, máy bay này không có đối thủ trong thực hiện nhào lộn biểu diễn tầm thế giới.
Với các “Hiệp sĩ” biểu diễn nhào lộn Su-27 của Nga, trong chuyến bay định mệnh này, họ gắn bó với nhau, hiểu từng động tác của nhau như chính mình, vì nếu thiếu hiệp đồng chặt chẽ, thì cái chết chỉ trong "đường tơ kẽ tóc”.
Sau mệnh lệnh thất thanh "Tản ra, nâng độ cao gấp lên... 500 m nữa", nhóm 2 chiếc bên trái hiểu ra ngay điều gì. Họ giật mạnh cần lái về mình và máy bay vút lên khỏi lớp mây mù. Thoát chết! Họ thảng thốt gọi nhau: "Số 4, số 4 đâu, số 3 đâu, số 6 đâu?".
Không có ai trả lời. Còn chiếc IL-76 đã kịp vọt lên cao hơn, rồi hạ cánh trên sân bay Cam Ranh. Hai chiếc Su-27 còn lại vòng về hạ cánh tại sân bay Phan Rang cách đó khoảng 70 km về phía nam. Đàn chim tan tác!
Tháng 2 năm 1996, Đô đốc Igor Khmelov, chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương Nga, có chuyến khảo sát đến Cam Ranh. Mục đích chính của chuyến đi là để kiểm tra vụ rơi 3 chiến đấu cơ Su-27 tại Cam Ranh vào tháng 12 năm trước.
Toàn bộ thực địa được quan sát trực tiếp.
Thông qua những gì còn khôi phục từ hộp đen, các giám định viên khẳng định, sau khi có tín hiệu báo động, thậm chí ngay cả khi chậm phản ứng trong khoảng 18-19 giây, vẫn còn đủ thời gian cho cả đội bay thoát lên độ cao an toàn.
Bằng chứng là hai phi công bên trái thoát nạn nhờ đã kịp trấn tĩnh và kịp vọt lên độ cao trên 1.500 mét. Máy bay Su-27 được trang bị hệ thống ghế phóng nhảy dù ở độ cao thấp, cho phép các phi công thoát hiểm chỉ trong vài phần giây trước khi máy bay đâm xuống đất.
Nếu kịp bung dù, có lẽ các phi công vẫn giữ được mạng sống của mình.
Nhưng nhóm bên phải đã không kịp nhảy, khi đã quá muộn. Người ta phán đoán rằng, khi chưa có lệnh của mặt đất, Grebennikov chỉ huy chiếc IL-76 đã bắt đầu vòng ngoặt thứ nhất.
Tướng Grebennikov đã kéo một cách không cần thiết vòng ngoặt thứ ba với tốc độ hạ cánh cao, 450km/h, đáng lẽ ra phải đúng tốc độ tiêu chuẩn là 350km/h.
Grebennikov thông báo về điểm ngoặt chuyển hướng sau 53 giây, khi thực tế IL-76 đã vượt qua điểm đó 10 km.
Theo quy định đề ra với sân bay Cam Ranh, độ cao tối thiểu để bắt đầu vào hạ cánh từ đất liền là 1500 m. Còn máy bay IL-76 và các máy bay Su-27 đã sớm hạ xuống thấp tới 600 m. Lỗi tại phi công. Không thể ai khác!
Ma xui quý khiến?
Các bài viết đều chung một ý kiến, về nguyên tắc, bất kỳ người phi công nào đều có thể từ chối thi hành mệnh lệnh, khi thấy bất hợp lý, nhưng đã không ai làm điều đó. Trong khi đó hoa tiêu chiếc IL-76 cứ nằng nặc theo ý mình và hành động như “ma xui quỷ khiến”.
Tại phiên toà quân sự, chủ toạ phiên toà hỏi Tướng Grebennikov một câu về nguyên nhân của vụ tai nạn, vị tướng nói rằng: Do một số lý do ngoài tầm kiểm soát của mình.
Trong đó, chuyến bay tổ chức kém, thể hiện kế hoạch phi lý của không quân Nga khi dừng tại sân bay Cam Ranh, một sân bay lạc hậu.
Ông ta còn nói rằng chuyến bay đã diễn ra trong điều kiện trời u ám, mưa xối xả, sương mù và bất ổn; rằng họ phải bay đến các nhóm phi trường không quen thuộc…
Có tới 30 chuyên gia của các tổ chức khác nhau (bao gồm cả những người không thuộc Bộ Quốc phòng), đã giúp các thẩm phán nghiên cứu từng chi tiết, khôi phục lại hình ảnh thực của các sự kiện trước thảm kịch.
Họ là những người có kiến thức đặc biệt và kinh nghiệm trong các hoạt động của máy bay, trong an toàn hàng không và có chuyên môn sâu về quỹ đạo không gian.
Trung tướng Phạm Tuân, một phi công nhiều kinh nghiệm của Việt Nam khi đó kể:
“Trời nhiều mây mù, mặt đất thông báo là khó hạ cánh vì tầm nhìn quá hạn chế nhưng phi đội tin vào sự lão luyện của các phi công và lại có một chiếc IL-76 dẫn đường trên không, nên vẫn quyết định đáp xuống.
Phi đội SU- 27 hạ thấp độ cao bay xuyên mây vào lớp mây mù dày. Khi phát hiện có ngọn núi ở phía trước, mệnh lệnh giải tán đội hình để ngoặt tránh gấp được phát ra thì đã muộn. Ba chiếc của phi đội đã lao vào núi”.
Một cựu phi công người Việt, từng bay nhiều, hạ cánh nhiều xuống Cam Ranh từ thập kỷ 60, 70 cho rằng, nếu đài beacon NDB (đài dẫn xuống) của phi trường đặt trên đỉnh núi Chúa, khoảng cách đến đầu phi đạo gần 30km.
Trong điều kiện thời tiết phức tạp này, không cần phải xin phép kiểm soát mặt đất, GCA (Ground Controlled Approach), mà chỉ cần dùng ADF tìm hướng tự động, (auto direction finder) với các thông số như sau:
Giữ cao độ 1.500m, kim ADF 020. Khi kim xoay hướng 200 là phi cơ đang bay ngang NDB, bắt đầu bấm đồng hồ đếm giây, hạ cao độ 300 mét/phút.
Giữ vận tốc 180 knots, tức 6 km/phút. Đúng 5 phút sau nếu không thấy mặt phi đạo thì vọt lên, lượn vòng, làm lại. Nhiều phi công trẻ, ít giờ bay, chưa bao giờ đâm đầu vào núi Chúa vì tuân thủ quy trình hạ độ cao này.
Sau thời gian dài điều tra, Tòa án Quân sự Quân khu Moskva ngày 13/03/1998 đã tuyên án, Thiếu tướng không quân Vladimir Grebennikov 6 năm tù giam. Tuy nhiên ngay sau đó ông ta được ân xá.
Vụ 3 máy bay Su-27 rơi, đã gây thiệt hại cho Nga rất nhiều về mặt tài chính, tính bằng tỷ rúp. Nhưng từ vụ này, khiến người ta nhìn lại, thời điểm 1995, khi chế độ của Elsin đã vào năm thứ 5 tồi tệ, Không quân Nga đang tụt dốc.
Tượng đài tưởng nhớ các phi công Su-27 Nga xây dựng ở sân bay Cam Ranh. Ảnh: OV10 / Vnmilitaryhistory.net.
Không quân Nga không có tiền để mua máy bay mới, mà còn thiếu tiền phục hồi hư hỏng thiết bị quân sự cũ. Chẳng hạn việc trung tu động cơ máy bay, giảm bảo đảm kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu 50% ...
Trong năm 1995, tài chính của Không quân Nga đòi được 13% số tiền theo ngân sách. Số tiền này chỉ đủ để trả tiền nhiên liệu. Việc phân bổ ngân sách cho R&D không vượt quá 35% nhu cầu. Bộ Tài chính trả các đơn đặt hàng nhà nước cho Không quân chỉ đạt 45%.
Bằng chứng là Anh hùng Liên Xô - Tướng Alexander Bezhevets và Đại tá Nikolai Naumov, từng cảnh báo rằng:
“Từ vụ tai tiếng của cựu phi công Không quân Nga - Tướng Grebennikov, cần nhắc nhở lãnh đạo chuyển hướng chú ý khi dư luận công chúng “xôn xao” về thực trạng quân đội.
Như việc sử dụng bừa bãi các máy bay vận tải quân sự cho vận chuyển hàng thương mại, nạn trộm cắp nhiên liệu máy bay phản lực, cùng nhiều tiêu cực khác đang diễn ra rất đau lòng".
Các "Hiệp sĩ Nga" vẫn đi biểu diễn khắp các châu lục và đang chuẩn bị cho lễ Duyệt binh 09/05/2016.
Giờ đây, dưới thời Tổng thống Putin, Không quân Nga đang hồi phục mạnh mẽ. Nhóm bay "Các tráng sỹ Nga" nổi tiếng vẫn đi biểu diễn khắp các châu lục. Họ đang chuẩn bị cho ngày lễ trọng, Chiến thắng phát xít 09/05/2016 sắp diễn ra.
Nhưng không ai có thể quên vụ tai nạn tồi tệ, 4 phi công ưu tú ra đi chỉ trong giây phút, và máy bay của họ, 3 chiếc Su-27 còn nằm vương vãi đâu đó trong lúp xúp rừng nhiệt đới, núi Chúa Khánh Hoà.