Masayoshi Son bị một ngân hàng thân thiết suốt 20 năm tuyên bố chấm dứt cho vay tiền, siết chặt mọi thỏa thuận làm ăn với Softbank?

Vân Đàm |

Chuyện gì đang xảy ra với Masayoshi Son?

Nguồn tin của tờ WSJ cho hay, Credit Suisse gần đây đã chấm dứt mối quan hệ cho vay cá nhân dài hạn với Masayoshi Son và nhà băng này cũng tuyên bố sẽ siết chặt những giao dịch làm ăn với Softbank.

Động thái này tới sau khi startup Greensill do Softbank rót vốn sụp đổ vào hồi tháng 3 gây ảnh hưởng tới Credit Suisse.

Son từng có thời gian dài sử dụng Credit Suisse và các ngân hàng khác để vay tiền trên danh nghĩa cá nhân nhờ thế chấp chính lượng cổ phần ông có ở Softbank. Gần đây nhất là vào tháng 2, ông đã thế chấp 3 tỷ USD giá trị cổ phiếu ở Softbank cho một khoản vay với Credit Suisse – một trong những khoản thế chấp lớn nhất của bất kỳ ngân hàng nào.

Trên thực tế, mối quan hệ cho vay kiểu như vậy giữa Credit Suisse và Masayoshi Son đã kéo dài suốt 20 năm nay. Nhưng dường như cho đến tháng 5 năm nay, những khoản vay kiểu như vậy đã về 0.

Son vẫn sử dụng cổ phiếu có ở Softbank để thế chấp cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau. Hiện không rõ có thêm ngân hàng nào chấm dứt kiểu vay thế này ngoài Credit Suisse hay không.

Người phát ngôn của Softbank từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Credit Suisse dường như cũng siết chặt mối quan hệ với Softbank như là một khách hàng doanh nghiệp. Nhà băng này hiện yêu cầu bất kỳ thương vụ nào liên quan tới Softbank đều phải trải qua một các khâu kiểm tra rủi ro và được chấp thuận. Đây rõ ràng là một động thái bất bình thường với những khách hàng doanh nghiệp.

Tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp công nghệ trên thế giới và là một trong những nguồn lợi nhuận lớn nhất của các ngân hàng phố Wall thông qua các thỏa thuận và khoản vay.

Dù nắm cổ phần ở khắp nơi trong thế giới công nghệ, từ gọi xe đến các nhà phát triển thuốc, sản xuất chip nhưng công ty này cũng gặp không ít thất bại mà điển hình là WeWork.

Credit Suisse đã đảm nhận việc tư vấn tài chính cho Softbank và các công ty mà họ chống lưng thông qua Vision Fund.

Trước khi xảy ra mâu thuẫn, Softbank và Son luôn là loại khách hàng mục tiêu điển hình của Credit Suisse. Ngân hàng nhắm tới việc chấp nhận rủi ro cung cấp các khoản vay cá nhân cho những doanh nhân giàu có để đổi lại có những thỏa thuận lớn hơn, lời lãi hơn từ tập đoàn họ sở hữu.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Credit Suisse và Son dường như rạn nứt kể từ tháng trước sau sự sụp đổ của Greensill. Một nguồn tin của tờ Bloomberg còn nói rằng Credit Suisse sẽ không thực hiện bất kỳ mối hợp tác mới nào với Softbank.

Phần lớn tài sản của Son đến từ 30% cổ phần tại Softbank. Tờ Forbes hiện đang xếp ông cạnh Tadashi Yanai – nhà sáng lập Fast Retailing với danh hiệu người giàu nhất Nhật Bản, khối tài sản khoảng 35 tỷ USD.

Son luôn là người chấp nhận rủi ro lớn. Ông đầu tư mạnh tay vào nhiều startup và thường sử dụng chính cổ phần tại công ty của mình để thế chấp vay tiền. Trong nhiều năm, Son đã mua một vài ngôi nhà đắt đỏ ở Tokyo gồm cả một căn được trang bị sân golf trong nhà.

Năm 2012, ông đã trả 117 triệu USD cho một căn nhà gần nhà của tỷ phú Larry Ellison ở Mỹ. Gần đây, ông cũng đầu tư hàng tỷ USD tiền túi vào quỹ Vision Fund. Đa phần những khoản tiền đó là nhờ đi vay ngân hàng trên danh nghĩa cá nhân.

Son và các bên liên quan đã giảm lượng cổ phiếu Softbank thế chấp từ 271 triệu xuống còn 197 triệu vào giai đoạn giữa tháng 2 – 5. Một số nhà băng khác cho Son vay tiền gồm Nomura, UBS và Mizuho.

Tháng 3 năm ngoái, tỷ lệ cổ phần tại Softbank của Son dùng để thế chấp đã tăng tới 72% khi giá cổ phiếu Softbank sụt giảm và các nhà băng yêu cầu ký quỹ thêm.

Kể từ sau đó, cổ phiếu Softbank đã hồi phục mạnh và Son hiện chỉ thế chấp dưới 40% tổng lượng cổ phần Softbank mà ông nắm. Tờ WSJ nhận định rằng con số này khiến nhiều người "đỡ lo" hơn nhiều nếu xảy ra trường hợp xấu nhất Son bị đóng băng tài khoản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại