Ngày 2/11, tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị "Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm" tại UBND huyện Phú Quốc.
Nói về sự cố truyền thông "nước mắm truyền thống nhiễm arsen" vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT kết hợp với Bộ Y tế và các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý.
"Vừa qua Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đã công bố thông tin để trấn an dư luận, bác bỏ thông tin sai lệch. Nước mắm truyền thống có arsen hữu cơ hoàn toàn không độc hại, là chuyện bình thường vì chất này có trong các sinh vật hải sản, trong đó có cá làm nước mắm", ông Tám nói.
Thứ trưởng lưu ý, ngoài các đại biểu được mời đa số là chuyên gia, cán bộ quản lý cùng đại diện các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống thì có thể một số đơn vị khác quan tâm đến dự cũng được hoan nghênh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Vũ Văn Tám tại hội nghị.
Tuy nhiên, hội nghị đến gần cuối bắt đầu nóng lên khi đại diện tập đoàn Masan có mặt và phát biểu. Bà Lê Thị Nga – Giám đốc phát triển sản phẩm cao cấp của công ty Masan cho biết, bà đại diện cho Công ty cổ phần Masan – là thành viên Hội nước mắm Phú Quốc cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện được tham dự hội nghị
Vị đại diện phát biểu: "Số liệu ghi nhận của công ty chúng tôi theo thời gian thì cá cơm than (loại cá có lượng đạm cao nhất) đang giảm trong khi cá cơm đỏ tăng lên và kích thước cá giảm xuống. Trước 2013, độ đạm của cá cơm vào khoảng 40g/kg nhưng gần đây chỉ khoảng 30 – 35g/kg. Điều đó kéo theo những lô nước mắm nhĩ gần đây có độ đạm không vượt quá 35g/lít".
Vị đại diện Masan cho biết, từ 2010 đến 2013, công ty này kết hợp với Viện nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN-PTNN thực hiện đề tài "Chất lượng và khả năng khai thác bền vững cá cơm ở vùng biển Kiên Giang" theo các quy chuẩn của tổ chức Liên Hiệp Quốc và tổ chức Tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới.
Họ nhận thấy sản lượng đánh bắt cá cơm trung bình trên vùng biển Kiên Giang ngày càng tăng khiến một số loại cá cơm bị khai thác quá mức.
Đại diện của Masan bất ngờ xuất hiện và đọc tham luận tại hội nghị.
Ngay sau đó, bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc khẳng định, Masan Phú Quốc đúng là hội viên nhưng hôm nay không được mời dự vì tỉnh yêu cầu chỉ mời lãnh đạo Hội, những người làm nước mắm lão luyện được truyền qua 3-4 đời. Do vậy, chắc chắn không phải Hội mời đơn vị này.
"Việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn cá cũng như phát triển các làng nghề nước mắm là trách nhiệm của Nhà nước chứ không thuộc tập đoàn nào. Do vậy, nghiên cứu của Masan trình bày tại đây không có tác dụng. Hơn nữa, Masan Phú Quốc là hội viên thì phải sản xuất phương thức nước mắm truyền thống chứ không được làm khác", bà Liên phát biểu.
Bà Hồ Thị Liên - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết hội nghị không mời đại diện phía Masan.
Bà Nguyễn Thị Tịnh – nguyên chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc kể: "Tôi có tham dự hội nghị ngày 10/10 của Hội Nghề cá, chính cô Nga (đại diện Masan tại hội nghị hôm nay) đã phát biểu rằng, nước mắm cao đạm không phải ngon, nước mắm cao đạm không phải tốt và muối cao không phải là vệ sinh an toàn.
Cô Nga còn nói nước mắm cao đạm có arsen thạch tín. Chúng tôi ngày hôm đó muốn phản đối nhưng chủ tọa không cho vì lý do… hết thời gian".
Bà Tịnh điểm lại, ngày 11/10, Chính phủ yêu cầu kiểm tra vì có thông tin nước mắm công nghiệp có phụ gia hóa chất thì ngày 12/10 Masan đề nghị kiểm tra tổng thể nước mắm và chỉ luôn ra rằng trong nước mắm có arsen có thạch tín.
"Tại sao ngày 12/10, Masan đề nghị kiểm tra tổng thể nước mắm thì ngày 18/10 Vinatas công bố trong nước mắm cao đạm có arsen thạch tín và toàn bộ danh sách thương hiệu (nghi sản xuất nước mắm có arsen thạch tín) bị nêu lên đều là các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống?", bà Tịnh bức xúc và thắc mắc thêm, Chủ tịch Hội không mời Masan thì ai mời?
Sau các phát biểu này, Thứ trưởng Tám lưu ý hội nghị tập trung bàn về giải pháp bảo vệ nước mắm truyền thống và bảo tồn nguồn cá cơm bền vững, không có thời gian bàn ngoài vấn đề.
"Sự xuất hiện của Masan thì ban tổ chức không mời, nhưng có thể có sự quan tâm nên các đại biểu đến đây đều được hoan nghênh. Chúng ta nên cởi mở lắng nghe lẫn nhau còn vấn đề liên quan đến nội bộ (vì Masan cũng là thành viên hội) thì có những buổi họp riêng để tháo gỡ chứ đừng đưa ra đây ảnh hưởng hội nghị", ông Tám nói.
Cắt bài tham luận chuyên gia vì… thời gian hạn hẹp!
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều hội viên Hội nước mắm Phú Quốc cho biết chương trình hội nghị bất ngờ bị cắt ngắn phần tham gia của một số nhà khoa học, chuyên gia đã được mời đọc tham luận và được sắp xếp thời gian từ đầu, khiến nhiều người bức xúc.
Bà Hồ Thị Liên nói, dù là làm nước mắm lâu năm nhưng chưa chắc các hội viên nắm vững hết những số liệu khoa học nên rất mừng khi hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học.
"Tuy nhiên, phần tham luận "Nước mắm truyền thống biến thành nước mắm công nghiệp như thế nào" của chuyên gia Vũ Thế Thành cùng nhiều người khác bị cắt bỏ vì lý do thời gian hạn hẹp, nhưng ngay sau đó là sự xuất hiện và đọc tham luận của phía Masan khiến chúng tôi rất hụt hẫng.
Đến chiều, ngoài chương trình hội nghị, chúng tôi phải nhờ anh Thành giảng giải lại bài tham luận đó cho các hội viên nắm rõ", chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chia sẻ.