Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Theo đó, Masan tiếp nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này. Công ty này sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm đòn bẩy và giảm chi phí lãi vay với mục tiêu Nợ ròng trên EBITDA là <3,5x.
Trong 2 năm vừa qua, công ty đã thành công huy động được 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Trong quý 4/2023, Masan Group đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý: 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 và lãi suất cố định ở mức 8,93% mỗi năm.
Theo đó, hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với FX kỳ hạn: 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 với tỷ giá là 24.005; 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong 5 năm với tỷ giá 1 năm ở mức 23.790 để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây tác động trọng yếu đến lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó, vào ngày 20/4 vừa qua, Techcombank (mã chứng khoán: TCB) - đơn vị liên kết của tập đoàn đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Sở hữu 19,9% cổ phần, Masan Group dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 6 tháng tới, giúp giảm đòn bẩy tài chính.
Trong năm 2024, Masan Group lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu trong khoảng 84.000 tỷ đồng - 90.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3% - 15% . Lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 tỷ đồng đến 4.020 tỷ đồng, tăng 31% - 115% so với kết quả thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2024.
Về kế hoạch huy động vốn, Masan dự kiến phát hành thêm tối đa 10% số cổ phiếu đang lưu hành cho mục đích chào bán cho cổ đông chiến lược với giá không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian dự kiến trong năm 2024 hoặc trước thềm họp ĐHĐCĐ năm 2025. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 - 3 năm.
Doanh nghiệp đang cân nhắc giữa 2 phương án: đầu chào bán cổ phần phổ thông riêng lẻ hoặc chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức. Với phương án bán cổ phần ưu đãi cổ tức, nhà đầu tư sẽ nhận 0% trong 6 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Từ năm thứ 7, cổ tức cổ định là 10%/năm. Ngoài phần cố định, cổ phần ưu đãi vẫn nhận thêm cổ tức bằng với cổ phần phổ thông (nếu có).