Con tàu "ma"
Được tìm thấy khi đang trôi dạt trên biển vào ngày 5-12-1872, không có sự xuất hiện dù chỉ một bóng người, Mary Celeste từ đó được gọi là một con tàu ma.
Sau khi người ta phát hiện thấy con tàu đang lênh đênh trên biển, những suy đoán về điều gì đã diễn ra với những thủy thủ đoàn đã kéo dài suốt hơn một thế kỷ qua, từ việc các thủy thủ đoàn nổi dậy đòi chiếm tàu đến các hiện tượng siêu nhiên như động đất ngầm, vòi rồng, hay bị người ngoài hành tinh bắt cóc.
Câu chuyện đã được thêu dệt và thổi phồng nhiều chi tiết. Từ đầu năm 1883, các tờ báo được phép biến tấu để khiến câu chuyện trở nên thú vị hơn, sáng tạo ra những nhân vật và sự kiện đơn giản là chưa bao giờ tồn tại.
Vậy chính xác chuyện gì đã diễn ra? Vào ngày 5-12-1872, tàu chở hàng Dei Gratia của Anh phát hiện con tàu Mary Celeste của Mỹ đang trôi dạt vô định trên biển giữa quần đảo Azores và Bồ Đào Nha trong chuyến hành trình tới Genoa, Italy.
Khi khám nghiệm kỹ hơn, thủy thủ đoàn Dei Gratia phát hiện ra rằng Mary Celeste vẫn trong tình trạng rất tốt, phần lớn kho hàng còn nguyên vẹn, thực phẩm cũng như nước ngọt vẫn đủ dùng trong 6 tháng.
Nhưng kỳ lạ thay, toàn bộ thủy thủ đoàn bao gồm 7 thành viên và vị thuyền trưởng Benjamin Briggs đầy kinh nghiệm, cùng vợ và đứa con gái 2 tuổi của ông đã biến mất với chiếc thuyền cứu sinh duy nhất của con tàu.
Ngoài ra, hầu hết giấy tờ và thiết bị định vị trên tàu cũng "không cánh mà bay", tuy nhiên, cuốn nhật ký hải trình thì vẫn còn, trong đó mục mới nhất được ghi lại vào ngày 25/11/1872. Điều đó cho thấy 9 ngày trước khi được phát hiện đang lênh đênh trên biển, con tàu vẫn hoạt động bình thường và cách đảo Azores khoảng 400 hải lý về phía Đông.
Có dấu hiệu cho thấy không có bạo lực hay hỏa hoạn diễn ra trên tàu. Sự mất tích của đội thủy thủ tàu Mary Celeste được cho là bí ẩn hàng hải lớn nhất mọi thời đại.
Từ thực tế đến ảo tưởng
Từ những mảnh ghép này, người ta đã lắp ráp thành một bức tranh giả định như sau: Có điều gì đó đã xảy ra trên tàu Mary Celeste khiến thuyền trưởng hoảng sợ.
Ông đã ra lệnh cho thủy thủ đoàn xuống thuyền cứu hộ để rời tàu và dùng một sợi dây leo để buộc con tàu với chiếc thuyền cứu hộ đó, rồi thuyền trưởng cùng các thủy thủ đoàn đã bám theo sau tàu Mary Celeste để quan sát xem điều gì sẽ xảy ra.
Cơn hoảng loạn thực chất không thành sự thật. Nhưng thật không may cho thuyền trưởng Briggs, cũng như gia đình và thủy thủ đoàn của ông, dây leo bị đứt trong cơn bão khốc liệt, vì thế họ đã không thể trở lại tàu Mary Celeste.
Lập luận trên có lẽ là một trong những cách giải thích hợp lý và mang tính logic nhất cho sự biến mất của thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, còn nhiều chi tiết chưa được sáng tỏ khiến nhiều giả thuyết vẫn tiếp tục được đưa ra. Câu chuyện về số phận của con tàu ma liên tục xuất hiện trong rất nhiều tiểu thuyết hư cấu và phim tài liệu ăn khách.
Điển hình nhất là vào năm 1884, tạp chí Cornhill Magazine đăng tải một truyện ngắn với tiêu đề "Tuyên bố của J. Habakuk Jephson" của tác giả Arthur Conan Doyle (người sau này viết bộ tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes nổi tiếng). Tác giả cho biết câu chuyện này dựa trên những giấy tờ ghi chép thuộc về một hành khách bí mật duy nhất còn sống sót trên tàu Mary Celeste.
Với nội dung vô cùng giật gân, tác phẩm này đã thể hiện nhiều chi tiết hư cấu về số phận của con tàu. Câu chuyện thậm chí còn đi xa tới mức đổi tên vị thuyền trưởng, các thủy thủ đoàn và thậm chí cả của chính con tàu Mary Celeste.
Câu chuyện miêu tả con tàu được tìm thấy trong tình trạng không bị hư hỏng, thuyền cứu sinh vẫn còn trên tàu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù truyện ngắn này đã thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận và thậm chí còn được nhiều tờ báo coi là sự thật, song theo nhiều chuyên gia, đây hoàn toàn chỉ là một giả thuyết mơ hồ.
Sau đó, nhà biên kịch MacGregor vào năm 2002 cũng quyết định phải tìm ra sự thật vì có quá nhiều điều vô lý về truyền thuyết về con tàu ma này. MacGregor đã bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi liệu trường hợp nào không thể xảy ra. Những giả thuyết liên quan đến quái vật biển hay người ngoài hành tinh dễ dàng bị loại bỏ.
Với tình trạng nguyên vẹn và hàng hóa đầy đủ của con tàu, bà MacGregor cũng loại bỏ khả năng con tàu bị cướp biển tấn công. Ngoài ra, kịch bản cho rằng các thành viên thủy thủ đoàn uống rượu say và nổi loạn, giết hại gia đình thuyền trưởng Briggs rồi bỏ trốn bằng thuyền cứu sinh cũng khiến bà cảm thấy chưa hợp lý.
Một giả thuyết cho rằng vấn đề nằm ở số hàng hóa trên tàu.
Có 9 thùng rượu cồn hoàn toàn trống rỗng, rõ ràng đã bị rò rỉ và bốc hơi trong không gian nhỏ khiến những thành viên trên tàu lo sợ một vụ nổ sắp diễn ra.
Vì vậy, khoang tàu đã được mở toang để hơi thoát đi và trong khi đó, thủy thủ đoàn sơ tán lên chiếc thuyền cứu sinh, và chạy theo sau tàu Mary Celeste ở một khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên, MacGregor cho biết sau khi được khám xét, cửa hầm trên tàu vẫn đóng và không phát hiện thấy có mùi khói nào. Ngoài ra, 9 trong số 1.701 thùng rượu cồn trống rỗng đó được ghi nhận là làm từ gỗ sồi đỏ chứ không phải gỗ sồi trắng như những thùng khác.
Sồi đỏ được biết đến là loại gỗ xốp hơn nên dễ bị rò rỉ hơn. Từ đó có thể kết luận rằng việc con tàu bị nổ cũng là giả thuyết không mấy hợp lý.
Suốt gần 150 năm qua, đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để phân tích, mổ xẻ nhưng vẫn chưa có lời giải thích nào thoả đáng cho số phận kì bí của con tàu này. Cho đến nay, khi nhắc đến những "con tàu ma" nổi tiếng thì cái tên Mary Celeste bao giờ cũng đứng ở vị trí đầu tiên và trở thành bí ẩn lớn nhất mọi thời đại của ngành hàng hải thế giới.