Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá”

Đơn Ca |

Bóng đá không đơn thuần là trò chơi của những hình khối trên sa bàn. Bóng đá cũng chẳng đơn giản là tranh chấp vật lý giữa 22 cầu thủ trên sân. Với HLV Marian Mihail (FLC Thanh Hóa), người đã có hơn 20 năm gắn bó với làng bóng châu Âu, đỉnh cao là giai đoạn làm GĐKT cho LĐBĐ Romania, bóng đá là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm, với đại đa số người xem phổ thông.

VÌ SAO CHỌN THANH HÓA?

Tôi đã xem CV và thu thập thông tin về ông qua một số trang tin điện tử bóng đá quốc tế. Ông từng là thành viên cao cấp của LĐBĐ Romania (GĐKT 2011-2014), nhưng bây giờ lại về làm việc ở Việt Nam. Nghe có hơi "xuống cấp" không nhỉ?

Anh biết đấy, tôi năm nay 60 tuổi rồi. Khi tôi - một người đã trải nghiệm bóng đá đỉnh cao trong nhiều năm liền - quyết định tới Việt Nam, đó là khi tôi muốn truyền lại những kinh nghiệm, tinh hoa thu lượm được trong nhiều năm để giúp Thanh Hóa, giúp bóng đá Việt Nam tiến lên tầm cao mới.

Nhưng ông có thể chọn những nền bóng đá khác ở Đông Á mà, như Trung Quốc hay Hàn Quốc để truyền giáo chẳng hạn? Nếu tới các quốc gia tôi vừa đề cập, thu nhập của ông sẽ cao hơn nhiều lần.

Tôi từng có 10 năm làm việc ở khu vực Trung Đông và các quốc gia Ả-rập. Khi tôi mới đến, đó là những nền bóng đá ăn xổi. Họ cậy vào những khu giếng dầu mỏ, sống vương giả và coi nhẹ bóng đá. Những ngày đầu tiên, bóng đá chỉ là trò mua vui ở Ả-rập. Nhưng một thập kỷ nhìn lại, bóng đá tại đó đã phát triển.

Tiền quan trọng, nhưng không phải tất cả. Ba năm trước, thái tử của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã thừa nhận với tôi, tiền không phải yếu tố duy nhất giúp phát triển bóng đá. Trung Quốc cũng thế, đông dân, giàu có nhưng họ không thể có ĐTQG mạnh.

Câu chuyện này liên quan gì tới bối cảnh ở Việt Nam?

Người Việt Nam rất yêu bóng đá. Các bạn có kỹ thuật, có đầu óc nhưng nền tảng bóng đá chưa tốt. Những cái căn cơ như phòng tập gym chưa được đầu tư đúng mực.

Tôi từng góp một tay viết lại lịch sử bóng đá Ả-rập thì bây giờ, tôi cũng muốn đồng hành cùng bóng đá Việt Nam. Thật may mắn, là tôi xuất hiện đúng lúc đất nước các bạn vừa giành chiến công hiển hách tại VCK U23 châu Á.

Vậy, cơ duyên nào đưa ông tới Thanh Hóa?

Tôi đang đi nghỉ ở Bỉ thăm cháu nội thì nhận được điện thoại. Một người bạn ở châu Âu nói rằng tại Việt Nam, có đội bóng là Thanh Hóa muốn tìm HLV ngoại. Điều kiện là HLV nhận việc không được mang theo ê-kíp ruột mà sẽ sử dụng đội ngũ trợ lý bản địa.

Phải rất khó khăn để tôi trở lại công tác huấn luyện sau 3 năm làm công tác quản lý bóng đá đỉnh cao. Quãng thời gian tái hòa nhập ở Iraq thì quá ngắn ngủi nên tôi không cần suy nghĩ nhiều khi nhận lời mời của Thanh Hóa. Như đã nói, tôi thích chia sẻ kiến thức của mình.

Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá” - Ảnh 1.

HLV Marian Mihail từng có 3 năm làm GĐKT của LĐBĐ Romania. (Ảnh: Vân Nguyễn)

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA Ở ROMANIA?

Trước khi đến Việt Nam, ông đã ở Iraq?

Tôi có 3 tháng dẫn dắt Zakho.

Chỉ 3 tháng ư? Có phải vì tình hình chính trị bất ổn ở Iraq không?

Ồ không. Nơi CLB đóng quân thuộc sự quản lý của quân đội Mỹ nên rất an toàn. Chỗ tôi ở cách Mosul, địa điểm tập kết quân của tổ chức khủng bố IS khoảng 60km.

Thế chỉ có thể là tài chính của đội có vấn đề.

Zakho là đội bóng mạnh của Iraq. Trước tôi còn có 3 HLV người Romania từng làm việc tại đây.

Ngặt nỗi Zakho lại thuộc khu tự trị Kurdistan. Thời điểm tôi tới Iraq là lúc tinh thần ủng hộ chủ nghĩa độc lập ở Kurdistan đang lên cao. Nói chính xác hơn, họ muốn tách ra lập nhà nước mới.

Chính phủ Iraq ra các đòn trừng phạt kinh tế. Hàng năm, mỗi CLB bóng đá chuyên nghiệp của Iraq nhận 1 triệu USD kinh phí hoạt động. Nhưng hai đội bóng ở Kurdistan, bao gồm Zakho bị cắt 65% ngân sách, xuống còn 300.000 USD.

Một chuyện khác, Zakho là nghiệp đoàn thể thao, với nhiều CLB ở các môn thể thao khác nhau. Quá nhiều nhân sự nhưng kinh phí hoạt động quá ít. Tôi không được nhận lương cho thời gian làm việc của mình và các cầu thủ của tôi cũng vậy. Do đó, tôi quyết định quay lại châu Âu.

Ông đang làm rất tốt công việc của một GĐKT tại LĐBĐ Romania và đột nhiên đi tới một nơi heo hút như Iraq. Điều gì đã xảy ra ở Romania? Bởi qua báo chí Romania, tôi biết ông là người đặt nền móng giúp bóng đá Romania quay lại bản đồ thế giới, cụ thể là thành tích lọt vào VCK EURO 2016.

Anh có thể hiểu đó là vấn đề thuộc phạm trù "chính trị". Ở Romania, Việt Nam hay bất kỳ đâu cũng vậy.

Tháng 12/2013, lúc đó tôi đang ở Italia tham gia hội nghị cao cấp thường niên dành cho các HLV, GĐKT và CEO bóng đá châu Âu. Hợp đồng của tôi với LĐBĐ Romania sẽ đáo hạn vào tháng 03/2014. Lịch dự kiến, tôi sẽ quay về gia hạn hợp đồng.

Tuy nhiên, lúc về liên đoàn, chủ tịch đương thời Mircea Sandu, đồng đội cũ của tôi trong 10 năm đã nói rằng "Marian này, Anghel Iordanescu muốn quay lại. Nhường vị trí cho ông ấy nhé".

Anh biết đó, Iordanescu là một huyền thoại của bóng đá Romania. Ông ấy là HLV trưởng của ĐTQG tại VCK World Cup 1994, với những hảo thủ như Gheorghe Hagi.

Mối quan hệ của tôi và Iordanescu rất tốt, nhưng lấy làm lạ bởi Iordanescu đã rời xa bóng đá được 7 năm. Lần cuối cùng ông ấy làm công việc liên quan tới bóng đá là năm 2006, khi dẫn dắt Al-Ain.

Sandu giải thích Iordanescu đang vận động hành lang cho một ghế ủy viên hội đồng UEFA, nhưng điều lệ UEFA là ứng viên phải làm việc cho một liên đoàn bóng đá. Ghế HLV trưởng lúc đấy đã có người nên ông ấy "xí" chỗ GĐKT. 6 tháng sau khi ngồi ghế GĐKT, Iordanescu nhận luôn việc HLV trưởng ĐTQG và dẫn đội đi EURO 2016.

Với kinh nghiệm và năng lực, ông hoàn toàn có thể tìm được một công việc tương tự ở các liên đoàn lớn chứ?

LĐBĐ Mỹ và Oman đã gửi thư mời nhận việc. Chỉ là, tôi đã quá quen với việc ôm đồm mọi thứ ở Romania.

Tôi lo bóng đá phong trào, bóng đá đỉnh cao, bóng đá nữ, futsal. Phải đồng bộ hóa các hạng mục thì nền bóng đá mới phát triển được. Ở Mỹ, người ta chỉ cần tôi lo cho bóng đá đỉnh cao nhưng thử hỏi làm sao ĐTQG Mỹ đạt thành tích cao được nếu quá trình xã hội hóa và mở rộng chân rết không được đảm bảo.

Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá” - Ảnh 2.

HLV Marian Mihail từng đối đầu GĐKT Juergen Gede trong vai trò cầu thủ. (Ảnh: Vân Nguyễn)

"PHẢI HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CỦA GĐKT"

Những thành tựu ông đạt được phần lớn gắn liền với chức danh GĐKT. Năm 2016, LĐBĐ Việt Nam với sự hỗ trợ của FIFA đã mời ông Gede tới làm GĐKT. Tuy nhiên, không nhiều người nắm rõ công việc của chiến lược gia người Đức. Ông có thể giải thích kỹ hơn về vai trò của GĐKT bóng đá không?

Khoan khoan. Anh vừa nhắc tới Gede. Ngày đầu tiên ở Việt Nam, người đại diện có nhắc tôi về Gede. Tôi chợt nhớ tôi và Gede từng đối đầu nhau trong một trận đấu tại Cúp châu Âu. Chính xác là màn ra mắt sân chơi châu lục của tôi tại UEFA Cup. Tháng 10/1976, đội bóng của tôi Sportul Studențesc gặp Schalke 04. Cả tôi và Gede đều ngồi trên ghế dự bị.

Tới hiệp 2, tôi được tung vào sân vì một trung vệ bị đau. Khoảng 5’ sau, Gede vào sân tăng cường sức mạnh cho hàng tiền đạo. Chúng tôi đã đối đầu nhau trên sân cỏ và thật vui khi gặp lại ông ấy ở Việt Nam. Trái đất tròn thật (cười).

Tôi vẫn đợi câu trả lời của ông…

Gặp bạn cũ vui quá nên tôi quên. GĐKT là chức danh mới mẻ trong bóng đá hiện đại, được phát kiến và tái định nghĩa bởi những nền bóng đá lớn tại Tây Âu.

Tôi là GĐKT thực thụ đầu tiên của Romania. Trước khi tôi nhậm chức, người cuối cùng ngồi vào ghế đó ở liên đoàn là huyền thoại Stefan Kovacs – người viết tiếp trang sử Rinus Michels để lại ở Ajax trong giai đoạn đầu thập niên 70 thế kỷ trước.

Ở Đông Âu, người ta thường mặc định bổ nhiệm các cựu danh thủ, HLV ngồi vào ghế GĐKT, coi như người thầy, lớp đi trước dìu dắt, truyền cảm hứng cho các cầu thủ trẻ.

Nhưng tôi đã sang Tây Ban Nha và học hỏi mô hình. GĐKT bóng đá ngày nay là người trẻ, thông minh và đầu óc chiến lược. Họ phải đảm bảo định mức, chỉ số KPI với liên đoàn. Phải đi thị phạm, mở rộng sân chơi bóng đá từ cấp phong trào.

Ví dụ như một năm, phải cam kết với đơn vị chủ quản là đưa bóng đá vào cơ số trường học nhất định, số lượng cầu thủ đầu vào và ra cho các lứa tuổi. Thậm chí, GĐKT còn phải là nhà nghiên cứu về chất lượng mặt cỏ, hiểu rõ thời tiết, địa lý từng vùng và nhân bản mô hình trên phạm vi toàn quốc.

Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá” - Ảnh 3.

HLV Marian Mihail giúp ĐTQG Romania giành được tấm vé dự EURO 2016 trong vai trò GĐKT (Ảnh: Vân Nguyễn)

Việc không có một GĐKT đúng nghĩa, hợp thời đại có phải là nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của bóng đá Romania không? Ngay cả khi đã tìm được người phù hợp là ông, họ vẫn để các rắc rối bên lề ảnh hưởng tới tương lai của nền bóng đá từng sản sinh ra nhiều nhân tài.

Cái này thiếu một tí, cái kia thiếu một tí là tự khắc sẽ xấu đi.

Tôi nói điều này, Romania và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Hai nước chúng ta luôn là những người bạn tốt trong quan hệ ngoại giao và kinh tế. Romania cũng từng là một quốc gia chủ nghĩa xã hội. Nền tảng thể chế đó là lý do vì sao bóng đá Romania trong thế kỷ 20 phát triển.

Chính phủ đầu tư bài bản, rót vốn cho công tác đào tạo, đưa cầu thủ ra nước ngoài. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Romania ngày xưa muốn khẳng định với các nước Tây Âu rằng, không cứ phải tư bản chủ nghĩa mới tạo ra nền thể thao hùng mạnh.

Sau đó, chính phủ có thay đổi trong định hướng. Đất nước chúng tôi chuyển đổi mô hình, quá độ lên tư bản chủ nghĩa. Có điều, quá trình ấy chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, làm chậm tiến độ xã hội hóa thể thao.

Phụ huynh ở Romania bây giờ rất ngại cho con đi đá bóng. Họ sợ chấn thương, muốn con đi học đại học, có kiến thức và làm công việc ổn định. Trong khi đấy, nguồn lực của các tập đoàn tư nhân còn hạn chế nên bóng đá bị phớt lờ.

Ông có nằm trong nhóm phụ huynh "ngăn cản" con chơi bóng đá nhà nghề?

Nói thế nào cho đúng nhỉ. Tôi làm nghề, biết bóng đá ngày càng khắc nghiệt hơn. Nhưng ngày xưa, khi con trai tôi muốn theo bố, tôi cũng cho cháu đi tập, rồi đá U17 quốc gia và lên hạng nhì quốc gia.

Nhưng chính nó tự nhận ra bóng đá không phải là cuộc sống của mình. Sau này, cháu đi học ngành khách sạn, giờ làm trợ lý giám đốc cho một khách sạn ở Brussels.

Quay trở lại câu chuyện GĐKT, Gede có phù hợp với bóng đá Việt Nam không dưới góc nhìn của ông?

Rất phù hợp là đằng khác. Ông ấy là người Đức, tính kỷ luật cực cao. Cái bóng đá Việt Nam thiếu là sự kỷ luật. Tôi hy vọng liên đoàn sẽ khai thác hết năng lực của ông ấy.

Ông đã ở Việt Nam 4 tháng, đánh giá của ông về chất lượng cầu thủ Việt Nam là thế nào?

Cầu thủ Việt Nam rất thông minh, kỹ thuật và chịu khó. Nhưng lại không biết đưa ra lựa chọn đúng đắn ở thời điểm quyết định. Tôi phải dạy họ làm như nào, tại sao làm như thế và khi nào làm.

Trọng Hoàng là cầu thủ tuyệt vời của Thanh Hóa và bóng đá Việt Nam. Nhanh, khỏe, khéo, sút hai chân tốt. Nhưng lúc cần sút thì cậu ấy chuyền, còn lúc phải chuyền thì sút. Minh Tuấn gặp phải vấn đề tương tự. Cần thêm thời gian để tôi huấn luyện.

Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá” - Ảnh 4.

HLV Marian Mihail đề cao tính kiểm soát bóng. (Ảnh: Vân Nguyễn)

THẾ NÀO LÀ MỘT HLV GIỎI?

Các cầu thủ Việt Nam, theo lời ông nói, là chưa xây dựng một nền tảng ý niệm phù hợp trong các thời khắc quyết định. Ông gặp khó khăn gì trong công tác huấn luyện ở Việt Nam?

Hiện tại, trong bối cảnh cụ thể ở Thanh Hóa, nhiều cầu thủ chưa quen với phong cách châu Âu hiện đại tôi áp dụng. Tôi đòi hỏi, yêu cầu nhiều và thường bắt lặp đi lặp lại một tình huống tập nếu không đạt yêu cầu.

Một số người thân cận khuyên tôi cầu thủ Việt Nam khá nhạy cảm, không quen nghe mắng nhiếc. Tôi cũng hay trao đổi với chủ tịch CLB để hiểu thêm tâm tư các học trò. Có lẽ, họ đã quen với phong cách cận chiến, bóng dài của HLV Petrovic rồi.

Nghĩa là ông thích bóng ngắn đúng không?

Tất nhiên. Kiểm soát bóng là kim chỉ nam của bóng đá hiện đại. Phòng ngự phản công sẽ giúp ghi những bàn bất ngờ, nhưng để chủ động với cuộc chơi thì cần kiểm soát bóng.

Hơn nữa, bóng đá còn là món quà cho khán giả. Người xem sẽ đón nhận món quà ấy với tâm thế nào, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm.

Tôi muốn chơi đẹp, cống hiến và có bản sắc. Bởi CĐV đã bỏ thời gian, tiền bạc và công sức đến sân thì xứng đáng nhận lại những hình ảnh tích cực.

Nếu phải chọn giữa chơi xấu xí – thứ hạng cao và chơi đẹp mắt – thứ hạng thấp (một câu chuyện tương tự ở HAGL), ông sẽ nghiêng về phương án nào?

Việc của HLV là phải đạt kết quả tốt. Có nhiều con đường dẫn tới vinh quang và bóng đá cống hiến trên nền tảng khoa học là một trong số đó. Hơn nữa, như đã nói, tôi có trách nhiệm rèn giũa các cầu thủ trẻ, giúp họ suy nghĩ lành mạnh và tích cực về bóng đá hiện đại.

Anh thấy đó, tất cả các cầu thủ của Thanh Hóa đều sở hữu bộ chân tốt, từ thủ môn tới tiền đạo. Sao lại không chơi bóng đá đẹp mắt cơ chứ? Bản thân cầu thủ cũng thích chơi bóng đẹp.

Nhớ cú phát bóng của Tiến Dũng kiến tạo cho Đình Tùng chứ? Bakel, Omar, Đình Tùng và nhiều người khác nữa đã có sự thay đổi trong nhận thức. Họ liên tục nhắc tôi "HLV ơi, chúng ta phải phối hợp, phải giữ bóng".

Theo ông trải nghiệm sau 30 năm làm nghề, đâu là yếu tố tiên quyết giúp một HLV thành công?

HLV giỏi là HLV hiểu đặc tính địa phương, văn hóa nơi ông ta làm việc.

Marian Mihail: “Ai hay nói về chiến thuật và mô hình đều không hiểu gì về bóng đá” - Ảnh 5.

HLV Marian Mihail cho rằng HLV giỏi là người hiểu đặc tính địa phương, văn hóa nơi ông ta làm việc (Ảnh: Vân Nguyễn)

Không phải chiến thuật ư?

Anh có định nghĩa được thế nào là chiến thuật không?

Thì tôi vẫn thấy báo đài nói 4-2-3-1, rồi ti tỉ thuật ngữ chống phản công đấy thôi.

"Bóng đá là của tập thể" – Prandelli, người bạn rất thân của tôi (HLV trưởng ĐT Italia tại EURO 2012), thường nhắc về câu châm ngôn được trường đào tạo Coverciano đúc kết.

Bóng đá là sự tham gia của rất nhiều tầng lớp. Không ai sở hữu hoàn toàn đội bóng. CLB, ĐTQG là sản phẩm của một thành phố, một đất nước.

Với tôi, việc kết nối cầu thủ, hiểu về văn hóa, vùng đất nơi ta đi qua là yếu tố tiên quyết của một HLV giỏi.

Bây giờ, tài liệu về chiến thuật, các hình khối nhan nhản trên mạng. Ai cũng có thể trở thành một HLV online. Ai cũng có thể ứng cử vào trường dạy bóng đá. Nhưng tại sao rất ít người có thể trở thành HLV chuyên nghiệp, đặc biệt là tại châu Âu.

Chiến thuật là khái niệm mô hình mà đôi khi, người ngoại đạo không hiểu hết. Nắm bắt tâm lý học trò và đặc tính địa phương cũng là chiến thuật. Tôi khẳng định với anh, các HLV giỏi không phải những người nặng sách vở, thích vẽ vờ hình khối ra giấy.

Mỗi buổi họp kỹ thuật của tôi ở Thanh Hóa không kéo dài quá 5 phút. Vì những gì cần nói, tôi đã làm ở sân tập. Nhiệm vụ của HLV là đi vào tiểu tiết, nắm bắt chi tiết và đưa quan điểm của mình len lỏi vào suy nghĩ của học trò.

Louis van Gaal, một người bạn thân khác của tôi, từng nhiều lần thuyết trình về khái niệm chiến thuật ở các buổi hội thảo. HLV không tạo ra hình khối. HLV là người đơn giản hóa các ý tưởng bị mã hóa. Những người hay nói về chiến thuật, chắc chắn không hiểu nhiều về bóng đá

Có ví dụ nào minh họa cụ thể hơn không?

Thích ứng là kỹ năng sinh tồn của HLV, vì nghề nghiệp này đòi hỏi sự dịch chuyển liên tục.

Pep Guardiola gặt hái thành công vĩ đại ở Barca. Nhưng khi cậu ấy mang quan điểm của bóng đá Tây Ban Nha tới Bayern Munich thì thất bại thấy rõ. Người Đức thích những gì đơn giản nhưng kỷ luật và vì thế, Jupp Heynckes, tuy đã cao tuổi, vẫn mát tay vô cùng.

Jose Mourinho rất hay ở Italia vì người Ý thích phản công, thích "bị áp đặt" và cực kỳ nhẫn nại. Chủ nghĩa dân tộc ở Italia phù hợp với cái tôi của Mourinho.

Đến Tây Ban Nha là câu chuyện khác. Người ta đâu vô cớ gọi Real Madrid là Đội bóng Hoàng gia. Tính biểu tượng cá nhân luôn tồn tại và là phần không thể thiếu ở Bernabeu. Mourinho mang công thức tại Inter Milan sang Real và kết quả là, ông ấy thất bại.

"Lựa" là chìa khóa, là then chốt mở mọi cánh cửa bí mật với các HLV nhà nghề. Tôi tới từ châu Âu, xa lạ với đất nước các bạn và vì thế, tôi rất lắng nghe những lời khuyên chân thành của các học trò, đồng nghiệp Việt Nam.

Tôi đã nói với anh đấy, cần thời gian để FLC Thanh Hóa hiểu hơn về phương pháp của tôi. Họ đã quen với HLV Petrovic và tôi phải thay đổi quan điểm bóng đá của họ dần dần, từng ngày một. Không thể nói hôm nay là mai phải làm được.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại