"Mới tuần trước thôi, Sharapova trượt tuyết lần đầu tiên trong đời, chinh phục một con dốc ở Montana, và sau đó gửi video cho Jannik Sinner - tay vợt đang lên mới có 18 tuổi, từng là một vận động viên trượt tuyết tiềm năng từng chính phục không ít đường đua trên dãy Alpes. Cậu nhóc từng là đối tác tập luyện của cô.
"Cậu ấy trả lời tôi, và bảo rằng em muốn chị tiếp tục chơi tennis", Sharapova vừa nói vừa cười lớn", đấy là những câu kết cho bài viết "Maria Sharapova muốn nói rõ với mọi người rằng: Cô ấy giải nghệ, chứ không từ bỏ" của tác giả Christopher Clarey trên tờ New York Times, xuất bản ngày 26/2/2020.
Với những ai hiểu sâu về cô gái chứa trong mình đầy sự mâu thuẫn này, đấy là một cái kết đầy giá trị. Bởi không phải ai cũng biết với Maria Sharapova, có một điều còn kinh khủng hơn cả án phạt mà cô phải nhận vì doping, khiến phải xa sự nghiệp thi đấu đỉnh cao đến 15 tháng. Đấy là sự ghét bỏ của mọi người.
"Chẳng ai ưa cô ta cả" - đấy là điều rất nhiều đồng nghiệp nữ của tay vợt người Nga này từng nói khi được hỏi về Maria Sharapova, mà gần nhất là tay vợt người Pháp Kristina Mladenovic.
Phải chăng đồng nghiệp người Pháp ghen tỵ với danh xưng "Nữ hoàng quần vợt" của Maria Sharapova, hay mức thu nhập thống trị tuyệt đối làng vận động viên nữ, mà nỡ "xát muối vào vết thương" người đồng nghiệp của mình sau án phạt vì doping? Không phải, đơn giản là Kristina Mladenovic chỉ nói sự thật - một sự thật mà cả làng quần vợt nữ đều biết.
Đơn giản, đấy là cái giá để leo lên đến đỉnh cao của "Nữ hoàng quần vợt". Nhưng tháng ngày chỉ biết luyện tập và luyện tập, khát vọng chỉ có thể là số 1 đã khiến Maria Sharapova vô cảm với đồng loại, lãnh cảm trong mối quan hệ với các đồng nghiệp, cũng như những người xung quanh. Có một Maria Sharapova rất khác với những gì được nhìn qua những ánh hào quang chói lọi. Đằng sau ánh hào quang, ấy là thảm kịch.
Cũng vì tâm thế "lạnh như băng" ấy, mà khi dính vào "đại án doping", với thứ thuốc Meldonium mà cô từng dùng suốt 10 năm, song được coi là thứ doping "đại dịch toàn cầu" khiến đoàn thể thao Nga phải "bị cách ly" với Olympic Tokyo 2020, cả thế giới quay lưng lại với Maria Sharapova.
Hơn 125 triệu USD - con số được tính toán bị lấy đi của cô cùng án doping, hẳn nhiên là một con số lớn, thậm chí là rất lớn, nhưng nó không lớn bằng "đòn đánh" mà cả thế giới thể thao giáng vào cô ngày lâm nạn. Đến lúc ấy, cô gái Nga mới thấm thía cái giá mà mình phải trả cho con đường bước đến đỉnh vinh quang.
Và điều đó thôi thúc cô bằng mọi giá phải trở lại. Không chỉ là trở lại với sự nghiệp quần vợt đỉnh cao, để chứng minh rằng mình vô tội, mà còn là sự trở lại với thế giới loài người, với việc chập chững tạo dựng lại những mối quan hệ tình cảm, xã hội, để có thể sống nốt phần còn lại của cuộc đời như một con người bình thường, với những hỉ nộ ái ố, với những yêu thương vẫn ngập tràn đâu đó, dù cuộc sống, sự nghiệp ngoài kia đầy rẫy sự bon chen.
Sự trở lại ấy khó khăn hơn nhiều so với người tưởng, cũng như Maria Sharapova hình dung. Chấn thương khuỷu tay dai dẳng khiến cô không còn thực hiện được những có đánh thuận tay đầy uy lực nữa, cũng không thể chơi lối đánh lên lưới, thay vào đó là tập trung tất cả cho cú trái tay. Vừa phục hồi sự nghiệp, Maria Sharapova vừa học cách "làm quen" với mọi người, tạo dựng những mối quan hệ mới.
*
* *
Ngày chia tay, Maria Sharapova tụt xuống hạng 373 thế giới, nhưng đấy không phải là lý do khiến cô giải nghệ. Cô nói rằng chính cái chết của Kobe Bryant trong vụ tai nạn máy bay trực thăng ngày 26 tháng Giêng vừa qua là bước ngoặt khiến cô ca quyết định.
Ngay trước ngày ra quyết định "về hưu", Maria Sharapova bay từ Australia về Los Angeles. Trên chuyến bay ấy, cô gái 32 tuổi mới nhận ra rằng cuộc sống vô thường đến thế nào, và tất cả vinh quang, tiền bạc mà mình kiếm được sẽ vô nghĩa thế nào nếu một ngày phải "nằm xuống". Đã đến lúc cô tìm lại cuộc đời bị đánh mất của mình sau hơn 1/4 thế kỷ "lạc lối". Cô chia tay tennis, để trở lại với chính cuộc đời mình.
"Có một vài điều đơn giản mà tôi thực sự háo hức sau ngày giải nghệ: cảm giác thanh thản cùng gia đình mình. Nhâm nhi một tách cà phê vào buổi sáng. Những cuộc dạo chơi cuối tuần không được lên lịch trước. Và những lớp tập luyện sắp tới (Chào mi, lớp học nhảy)", Maria Sharapova đã viết như thế trong lời chia tay tennis của mình.
"Quần vợt từng cho tôi được nhìn thấy thế giới. Đó từng là cách tôi thử thách bản thân và định giá được bản thân mình. Bởi vậy, chương tiếp theo của cuộc đời tôi vẫn là những ngọn núi. Tôi vẫn sẽ leo lên, vẫn sẽ tiến về phía trước không ngừng", ngọn núi ấy, con đường phía trước ấy sẽ vắng bóng tennis, nhưng sẽ đầy ắp tình người, và bớt đi rất nhiều những giọt nước mắt ướt đẫm gối mỗi đêm...