Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước (Trung tâm Chống ngập) TP HCM đã ký hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập bằng máy bơm của Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung) để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Tuy nhiên, qua xem xét các điều khoản trong hợp đồng thì cả luật sư, các bên liên quan và chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập đều cho rằng có nhiều điều chưa hợp lý.
Số liệu "đá" nhau
Theo hợp đồng, phạm vi chống ngập được tính từ chân cầu vượt Thủ Thiêm đến số nhà 125A Nguyễn Hữu Cảnh, lưu vực được xác định chống ngập lên đến 75 ha thuộc phường 22, quận Bình Thạnh.
Thế nhưng, tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện thí điểm máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh trước khi ký hợp đồng, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, thông tin lưu vực thoát nước của đường Nguyễn Hữu Cảnh từ cầu vượt Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn chỉ rộng khoảng 30 ha.
Nguyên nhân là khu vực Tân Cảng đã được xây dựng thành khu dân cư Vinhomes Central Park (rộng khoảng 10 ha) và tách theo hướng thoát nước ra sông Sài Gòn.
Trong khi đó, Công ty Thoát nước đô thị TP thì cho rằng lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh từ cầu vượt Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn còn nhỏ hơn, chỉ khoảng 25,5 ha.
Con số này được đưa ra dựa trên cao độ địa hình và hệ thống thoát nước hiện hữu mà đơn vị này quản lý trên hệ thống, bao gồm 24 lưu vực nhỏ.
Ở đây xin lưu ý, lưu vực từ cầu vượt Thủ Thiêm đến chân cầu Sài Gòn lớn hơn từ cầu vượt Thủ Thiêm đến số nhà 125A Nguyễn Hữu Cảnh nhưng con số được Sở GTVT và Công ty Thoát nước đô thị TP đưa ra đều chưa bằng nửa con số trong hợp đồng(!?).
Điều đáng chú ý nhất là phạm vi hợp đồng chỉ đến số nhà 125A đường Nguyễn Hữu Cảnh. Điều này đồng nghĩa với việc 2 "rốn ngập" nằm ngoài hợp đồng được chống.
Đó là "rốn ngập" bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và "rốn ngập" ở đối diện khu dân cư Vinhomes Central Park.
Và có lẽ đây là lý do mà trong cơn mưa ngày 7-5, dù nước ngập lênh láng ở 2 đoạn này nhưng chủ đầu tư vẫn khẳng định chống ngập hiệu quả trước sự bực tức của dư luận (!).
Bình luận về việc này, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), ví von đây giống như chọn chỗ không ngập mà làm!
Với những diễn biến trên có thể thấy nếu chiếu theo hợp đồng thì phạm vi chống ngập không thể nào đạt 75 ha nhưng TP vẫn phải trả tiền cho doanh nghiệp, bất chấp việc người dân vẫn phải bì bõm lội nước còn xe thì chết máy.
Nguy hiểm cho ngân sách
Luật sư Lê Trọng Thêm (Công ty Luật LTT & Lawyers) sau khi đọc kỹ hợp đồng đã nhận định nhiều điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng.
Cụ thể, điều kiện nghiệm thu, hợp đồng chưa nói rõ trường hợp nào thì chất lượng dịch vụ không đạt yêu cầu và khi đó sẽ được nhận bao nhiêu tiền.
Cùng với đó là bên Trung tâm Chống ngập thuê máy bơm để chống ngập (do mưa và triều) là để chống lại thiên tai nhưng hợp đồng lại có điều khoản bất khả kháng là thiên tai hoặc thời tiết khắc nghiệt.
Như vậy, trong những trường hợp bị ngập, phía Tập đoàn Quang Trung có thể lấy thời tiết khắc nghiệt ra làm "bùa hộ mệnh" để lập luận máy bơm của mình vẫn hoạt động hiệu quả.
Nên chăng, phía đơn vị vận hành ghi rõ điều kiện được miễn trừ trách nhiệm khi mưa lớn với vũ lượng bao nhiêu, thời gian bao lâu thì sẽ sòng phẳng hơn.
Ở phần giá thuê dịch vụ, hợp đồng nêu bao gồm các loại chi phí như: chi phí xây lắp 2 tuyến cống băng và hầm trạm bơm, chi phí khấu hao hệ thống thiết bị, chi phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm, điện năng, nhiên liệu và nhân công quản lý, vận hành và cả chi phí trả nợ vay ngân hàng cũng như quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.
Nghĩa là lợi nhuận chỉ có thể nằm ở phần chi phí quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần chi phí này lại không được ghi rõ là bao nhiêu nên sẽ rất khó thanh toán.
Đặc biệt, tại điều 9 của hợp đồng có nêu: Phần kinh phí thuê dịch vụ của năm 2017: Trung tâm Chống ngập sẽ thanh toán 100% cho Tập đoàn Quang Trung ngay khi hợp đồng có hiệu lực (ký ngày 19-4) và kinh phí, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (thủ tục căn cứ vào 13 biên bản nghiệm thu chất lượng dịch vụ chống ngập của năm 2017 và hóa đơn GTGT).
Về điểm này, luật sư Thêm thắc mắc "thanh toán 100%" là 100% của cái gì, có phải là chi phí đầu tư hay không. Nếu là chi phí đầu tư thì là Trung tâm Chống ngập mua luôn máy bơm rồi chứ không phải là thuê nữa (!?).
Ngoài ra, giá trị hợp đồng không được khống chế mức giá trần thì rất bất lợi cho ngân sách TP bởi nó liên quan đến kỷ luật tài chính và khiến người ký phê duyệt ngân sách cho khoản này phải rất đắn đo.
"Về nguyên tắc, giá dịch vụ phải tương đồng với chất lượng nhưng trong năm 2017 có nhiều lần bị ngập dù có máy bơm thì chi trả như thế nào?" - luật sư Thêm nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo luật sư Thêm, hợp đồng còn thiếu phụ lục cho các vấn đề chi tiết như chi phí đầu vào nào sẽ được dự toán, cách tính khấu hao như thế nào…, nên dễ dẫn đến tùy tiện.
"Với những điểm chưa rõ ràng, minh bạch nêu trên, hợp đồng này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nếu khi xảy ra tranh chấp, tòa án cũng rất khó giải quyết" - luật sư Thêm nhận định.
Phải thay đổi cách tính ngập
Theo TS Hồ Long Phi, tiêu chí đánh giá ngập nặng, ngập nhẹ hay không ngập mà phải đợi sau 30 phút mới đi đo là không hợp lý.
Lúc mới làm thì lãnh đạo Tập đoàn Quang Trung nói không hết ngập không lấy tiền rồi bây giờ thì nói 30 phút sau mưa mới đi đo, đến lúc đó nước rút gần hết rồi đo làm gì nữa.
TS Phi cho rằng cần phải đo lúc đường bị ngập từ 10 cm rồi dâng lên cho đến khi quay về mức 10 cm và coi đó là thời gian ngập chứ cứ căn theo hợp đồng thì người dân bức xúc là đúng.
Thời gian bị ngập là thời gian gây trở ngại giao thông, ảnh hưởng đến xã hội.
Bởi một cơn mưa kéo dài 3-4 giờ, nước ngập mênh mông, người dân vẫn phải đi ra đường mà đợi 30 phút sau trời hết mưa mới đi đo và nói không ngập thì sao thuyết phục được người dân.