Hình ảnh minh họa về phần tên lửa Trung Quốc từng rơi xuống Trái Đất.
Forbes thông tin, một phần tên lửa được cho là của Trung Quốc được phóng vào năm 2021 đã rơi trở lại Trái Đất, xuống một ngôi làng thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ hôm thứ Bảy ngày 2/4. Rất may, không có báo cáo thiệt hại nghiêm trọng về của hoặc thương tích về người từ trường hợp này ở Ấn Độ.
Ít nhất một vòng tròn bằng kim loại và quả cầu kim loại lớn không cháy hết đã rơi xuống bang Maharashtra. Vòng tròn kim loại có đường kính 2-3 mét và nặng khoảng 40 kg đã được phát hiện tại một cánh đồng làng ở bang Maharashtra. Một vật thể khác - một quả bóng kim loại lớn, đường kính khoảng nửa mét - cũng rơi xuống một ngôi làng khác cùng thuộc bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ.
Các chuyên gia tin rằng một mảnh vỡ không gian lớn (trong ảnh) đã rơi xuống vùng nông thôn Ấn Độ cuối tuần qua có thể là phần còn lại của tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 3B được phóng vào năm 2021. Ảnh:
MẢNH VỠ THUỘC TÊN LỬA TRUNG QUỐC TRƯỜNG CHINH 3B?
Một quan chức của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) nói với Times of India rằng thời điểm xuất hiện của các vật thể là "trùng khớp gần nhất" với thời gian tái nhập bầu khí quyển ngày 2/4 của các mảnh vỡ từ một tên lửa Trung Quốc phóng vào năm 2021.
Nhà quan sát không gian Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, vòng tròn kim loại phù hợp với một mảnh của tên lửa Trường Chinh 3B của Trung Quốc.
Mảnh vỡ này thuộc giai đoạn thứ ba của tên lửa Trườmg Chinh 3B - tên lửa được phóng vào ngày 4/2/2021 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương của Trung Quốc, nhằm thực hiện sứ mệnh phóng vệ tinh địa tĩnh TJS-6 lên quỹ đạo. Sau khi lên quỹ đạo, các phần còn lại của tên lửa bay quang Trái Đất như rác không gian.
Tuy nhiên, sau 1 năm trên quỹ đạo, nó bắt đầu mất dần độ cao và năng lượng theo mỗi chu kỳ quay quanh hành tinh của chúng ta. Kết quả là rơi xuống Trái Đất.
Nhà quan sát không gian Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, vòng tròn kim loại phù hợp với một mảnh của tên lửa Trường Chinh 3B của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua/Rex
Tập đoàn hàng không vũ trụ của Mỹ ước tính rằng tên lửa Trường Chinh 3B quay trở lại bầu khí quyển vào khoảng 8 giờ tối ngày thứ Bảy 2/4 giờ địa phương. Đoạn video cho thấy những mảnh vỡ rực sáng vụt qua bầu trời bang Maharashtra ở Ấn Độ.
Cảnh tượng đó ban đầu bị nhầm lẫn với thiên thạch, nhưng những tàn tích của tên lửa rơi xuống mặt đất sau đó đã được thu hồi.
Thông thường, các tên lửa sau khi đã qua sử dụng sẽ ở lại vĩnh viễn trong không gian (trở thành rác không gian) hoặc được định hướng để rơi xuống vùng biển không có người sinh sống ở Nam Thái Bình Dương (gọi là Point Nemo, vùng này rộng gấp 34 lần nước Pháp).
Tuy nhiên, trong trường hợp các mảnh vỡ/phần còn lại của tên lửa không được kiểm soát như lần này, có rất ít cách để dự đoán nơi chúng sẽ rơi xuống đâu ở Trái Đất.
Rất may là kể cả những phần còn lại của tên lửa như các tầng tên lửa cũng có xu hướng bị thiêu rụi gần hết bởi nhiệt độ cực cao và ma sát do quá trình tái nhập bầu không khí gây ra. Cho đến nay, không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng được biết đến từ một sự cố như vậy.
Trung Quốc hay bị chỉ trích vì giữ bí mật về các hoạt động không gian và thường từ chối trả lời các câu hỏi về các vật thể rơi xuống Trái Đất không kiểm soát như vậy. Các năm trước, các phần tên lửa của nước này cũng rơi không kiểm soát, khiến cộng đồng quốc tế một phen lo lắng.
Không có luật nào quy định việc tái nhập bầu khí quyển hoặc ngăn cản một quốc gia cho phép một chút mảnh vỡ không gian rơi xuống vùng đất của nước khác. Tuy nhiên, các thiệt hại từ mảnh vỡ không gian buộc nước chủ nhà phải chịu trách nhiệm về mặt tài chính, điều này quy định trong Công ước về trách nhiệm trong không gian năm 1972. Đó là lý do Canada từng yêu cầu Liên Xô bồi thường 6 triệu đô la vào năm 1978, sau khi các mảnh vỡ phóng xạ từ vệ tinh Liên Xô rơi rải rác trên đất Canada.
Loạt tên lửa Trường Chinh là dòng tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc, trong đó Trường Chinh 3B là tên lửa mạnh thứ hai của nước này.
Nguồn: Forbes, The Print, Phys.org