Trong Tam Quốc có khá nhiều vị tướng kiệt xuất và trung thành hỗ trợ cho những người đứng đầu thực hiện chí lớn. Chu Thái, một đại tướng của Đông Ngô chính là người như vậy.
Chu Thái, tự là Ấu Bình, là công thần khai quốc nhà Đông Ngô. Ông là người Hạ Sái, xứ Cửu Giang, Từ Châu. Ông nổi tiếng trong việc đã nhiều lần cứu Tôn Quyền là vua Đông Ngô thoát khỏi vòng vây kẻ địch.
Năm Hưng Bình thứ hai, tức năm 195, khi Tôn Sách là anh trai của Tôn Quyền tập hợp thân tín, chiêu binh mã, tiến xuống phía nam Khúc A, đánh bại Thứ sử Dương Châu Lưu Do. Một thời gian, tên tuổi Tôn Sách uy trấn Giang Đông. Sau đó ông đón mẫu thân cùng anh em thân thuộc tới Khúc A, tiếp tục đánh chiếm Nam quận.
Khi Tôn Sách tiến vào Cối Kê, Chu Thái được phong làm Biệt bộ tư mã. Ông phụng sự Tôn Sách rất chu đáo. Tôn Quyền rất thích Chu Thái, xin Tôn Sách cho ông trực tiếp phục vụ mình. Tôn Sách bằng lòng, Chu Thái trở thành người cận vệ cho Tôn Quyền. Sau đó, Tôn Sách bình định được Giang Đông thì giao cho em trai ông là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ ở Tuyên Thành. Từ đây, những câu chuyện trung nghĩa bi hùng của Chu Thái đã bắt đầu.
Một mình chịu 12 mũi giáo cứu chủ
Tôn Sách mang đại quân đi đánh cướp núi 6 huyện, giao cho Tôn Quyền ở lại giữ Tuyên Thành, quân bảo vệ chỉ có 1000 người. Tôn Quyền khi đó mới mười mấy tuổi, vẫn còn quá trẻ, lơ là lười nhác, không hoạt động phòng ngự gì cả. Có một toán sơn tặc khoảng vài nghìn người, thừa lúc chủ tướng xuất chinh, hậu phương thiếu phòng bị, xông đến đánh chiếm thành. Quân hộ thành thấy địch đông hơn gấp bội nên chưa đánh đã sợ, để mặc kẻ địch tự do tung hoành.
Mọi người hoảng loạn bỏ chạy, Tôn Quyền vừa lên ngựa đã bị chặt đứt cương. Trong tình thế nguy hiểm, Chu Thái võ dũng song toàn, quát một tiếng lớn, múa binh khí, tả xung hữu đột, xông thẳng vào trung tâm vòng vây, chặn ngay trước ngựa của Tôn Quyền. Chỉ một mình một ngựa, bảo vệ Tôn Quyền mở đường máu thoát ra. Tôn Quyền không bị thương chút nào, nhưng Chu Thái bị trúng 12 mũi giáo, máu chảy không dừng nhưng vẫn anh dũng không ngừng sát địch. Lòng dũng cảm của ông đã cổ vũ sĩ khí, những người đang mất can đảm lại một lần nữa xông lên tham chiến, làm tăng cơ hội sống sót cho Tôn Quyền.
Qua trận huyết chiến, sơn tặc bị đẩy lùi, Tôn Quyền chuyển nguy thành an, Chu Thái bị nhiều vết thương chí mạng mà hôn mê, đến hôm sau mới tỉnh. Đối với chuyện Chu Thái anh dũng cứu chủ, "Tam quốc chí" có bàn : "Thị nhật vô thái, quyền kỉ nguy đãi" (câu này có nghĩa là: Ngày đó mà không có Chu Thái thì Tôn Quyền chắc lâm nguy).
Tôn Sách trở về rất cảm kích, phong cho Chu Thái lãnh huyện Xuân Cối. Năm 200, Tôn Sách mất giao lại Giang Đông cho Tôn Quyền.
Mãnh tướng nhiều lần xả thân cứu Tôn Quyền
Trong Tam quốc diễn nghĩa từng ghi lại một câu chuyện cứu chủ khác của Chu Thái. Năm 215, vào một ngày, Tào Tháo chia quân làm 5 ngả, đột kích Nhu Tu Khẩu. Bỗng nhiên sóng gió nổi lên ngút trời, chiến thuyền nghiêng lật, thủy quân của Tôn Quyền chưa khai chiến thì đã có một viên tướng rơi xuống sông mà thiệt mạng. Bên bờ, Tôn Quyền cùng Chu Thái dẫn quân tác chiến. Tuy nhiên, đại quân bị quân Tào chia cắt làm hai, trước sau không thể ứng cứu, Tôn Quyền bị vây giữa trận, tình thế vô cùng nguy nan.
Lần này còn nguy hiểm hơn cả lúc bị vây ở trận Tuyên Thành, đối thủ không phải là kẻ không biết binh pháp như đám sơn tặc trước đây, mà là Tào Tháo đích thân đốc chiến với binh hùng tướng mạnh
Chu Thái tung hoành giữa loạn quân. Do không nhìn thấy chủ, ông lại quay lại trận, tìm tin tức Tôn Quyền. Thuộc hạ chỉ hướng hai bên đang giao chiến kịch liệt nói "Chúa công đang bị vây khốn ở kia". Chu Thái lập tức đột phá trùng trùng vòng vây tới được bên Tôn Quyền và nói "Xin chúa công theo tôi". Thế là, Chu Thái phía trước tả xung hữu đột, Tôn Quyền theo sát tận lực phá vây.
Chu Thái phá vây đến được bên sông,thoát khỏi sự truy kích của quân Tào. Nào ngờ vừa quay lại thì không thấy Tôn Quyền đâu cả. Chu Thái nghiến chặt răng, quay người đột kích vào trùng trùng vòng vây lần thứ 3, nhanh chóng tìm được Tôn Quyền. Lúc này quân Tào bắn tên như mưa, đều hướng hai người mà bắn tới. Tôn Quyền hỏi: "Tên bắn như vậy, thoát ra sao đây?". Chu Thái điềm nhiên trả lời: "Chúa công đi trước, tôi ở sau, có thể thoát được". Thế là Tôn Quyền thúc ngựa đi mau, Chu Thái theo sát hộ vệ, đều vì che chở cho Tôn Quyền mà không phòng vệ bản thân.
Tôn Quyền không bị thương chút nào, nhưng Chu Thái không quản mưa tên đầy trời, chẳng ngại địch quân vây hãm, thân trúng vài mũi giáo, tên xuyên qua giáp, khắp thân chảy máu, chồng chất vết thương. Sau đó ông đột kích vào trận lần thứ 4, cứu được một viên danh tướng, rồi mới lê thân trọng thương quay về đại doanh.
Sau này, Tôn Quyền phong Chu Thái làm Bình Lỗ tướng quân và cử ông trấn giữ Nhu Tu Khẩu, trận tuyến phòng ngự quan trọng nhất của Đông Ngô. Một số tướng lĩnh thấy vậy liền tỏ thái độ bất mãn. Vì vậy, Tôn Quyền đã mở một bữa tiệc nhỏ. Trong bữa tiệc ông bảo Chu Thái vén áo lên rồi hỏi thăm từng vết thương, Chu Thái cứ thực tình mà tâu từng vết thương bị khi nào, tại sao. Mỗi lần ông kể Tôn Quyền lại ban cho ông một chén rượu và ôm Chu Thái khóc. Mọi người lúc đó hiểu ra sự khổ công ngoài chiến trường của Chu Thái, đều rất cảm động. Như vậy, Chu Thái thuận lợi trở thành Nhu Tu Đốc quân, toàn quân trên dưới một lòng kính phục.
Sau này, Tôn Quyền đánh bại Quan Vũ ở Kinh Châu, lần nữa đề bạt Chu Thái làm Thái thú Hán Trung, Phấn uy tướng quân, phong Lăng Dương Hầu. Chỉ tiếc là Chu Thái chưa đến được Hán Trung đã chết không rõ nguyên nhân, sử sách cũng không giải thích.
*Nguồn: Sohu, Sina