Ông Locsin Jr. cho biết sẽ "phổ cập" lệnh cấm các tàu khảo sát hàng hải bằng cách "thêm Trung Quốc" vào danh sách các nước mà Manila cấm điều tàu khảo sát hoạt động trong vùng biển nước này.
"Tôi đã cấm các tàu khảo sát hàng hải, sửa đổi hạn chế đối với [tàu] Pháp và Nhật Bản bằng cách thêm vào Trung Quốc," ông viết trên Twitter ngày 12, lý giải rằng việc trao ngoại lệ cho một nước sẽ khiến lệnh cấm bị vô hiệu và gây ra những tiêu cực.
Tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc
Phát biểu của ngoại trưởng Philippines là phản ứng đối với thông cáo cùng ngày của phát ngôn viên phủ tổng thống, ông Salvador Panelo, cho rằng không có gì sai khi Manila tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc giám sát vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Động thái của Manila diễn ra trong bối cảnh xuất hiện các báo cáo nói rằng hai tàu khảo sát biển của Trung Quốc đã hoạt động trong EEZ Philippines những ngày vừa qua.
Phó giáo sư Ryan Martinson từ Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Đại học hải chiến Hoa Kỳ, một nhà quan sát biển Đông, đăng tải các hình ảnh bản đồ vào tuần trước được cho là quỹ đạo vận hành của hai tàu Trung Quốc trong vùng biển Philippines.
Theo Martinson, tàu Zhang Jian hoạt động từ ngày 3/8, trong khi tàu Dong Fang Hong 3 được ghi nhận xuất hiện gần phía bắc đảo Luzon, Philippines, hôm 6/8.
Ngoại trưởng Locsin hôm 10/8 tuyên bố sẽ trao công hàm phản đối sự hiện diện của hai tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ Philippines, sau khi bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana đề nghị Bộ ngoại giao tiếp tục phản đối sự hiện diện của các tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng biển Philippines mà không thông báo trước cho chính quyền sở tại.
Hình ảnh do chuyên gia Martinson đăng tải, được cho là quỹ đạo di chuyển của tàu Zhang Jian ở vùng biển phía đông Philippines từ ngày 3/8 (Ảnh: Twitter)
Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa ngày mùng 10 phân trần rằng Bắc Kinh "không tìm kiếm rắc rối" trong bối cảnh các bất đồng chưa được giải quyết trên biển Đông.
"Có rất nhiều tàu thuyền đang di chuyển ở biển Đông. Trong khuôn khổ quân sự, tôi cho rằng mỗi con tàu, đặc biệt là tàu hải quân, đều cần được quan sát cẩn trọng. Không chỉ để người Trung Quốc và Philippines biết, mà còn tất cả mọi người," ông Triệu nói.
"Tôi bảo đảm với chính phủ và người dân Philippines rằng: Chúng tôi quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cuối cùng cho khác biệt giữa chúng ta. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, không tìm kiếm rắc rối."
Trước những lùm xùm về nghi vấn hai tàu khảo sát Trung Quốc xâm nhập vùng biển Philippines không báo trước, bộ trưởng Lorenzana cũng tiết lộ quân đội nước này đã báo cáo ít nhất 4 trường hợp chiến hạm hải quân Trung Quốc di chuyển qua vùng biển nước này ở eo biển Sibutu - trong điều kiện tắt tín hiệu Hệ thống nhận diện tự động (AIS) - từ tháng 2 đến tháng 7.