Manh mối mới trong vụ tàu Titan càng khiến bí ẩn thêm ly kỳ: Mảnh vỡ lớn bất thường và "ô cửa sổ tròn" kỳ quái

Mạnh Kiên |

Bên cạnh mảnh vỡ lớn bất thường được thu hồi, chuyên gia còn chỉ ra điều kỳ quái từ chiếc cửa sổ thủy tinh hình tròn trên tàu Titan.

Điều bất thường từ mảnh vỡ tàu Titan

Phần lớn xác tàu lặn Titan đã được vớt lên khỏi đại dương sau vụ nổ nghiêm trọng. Các bức ảnh chụp những mảnh vỡ kích thước to bản được thu hồi và vận chuyển vào bờ ở Canada đã làm dấy lên câu hỏi về tại sao sau vụ nổ thảm khốc như vậy, con tàu không bị nát vụn mà vẫn còn lại những mảnh vỡ rất lớn.

Trong số này có mảnh kim loại cong màu trắng, dường như là lớp vỏ ngoài của tàu Titan, dài đến 6m. Một mảnh khác cho thấy dây cáp, hệ thống máy tính tích hợp và các bộ phận cơ khí khác và một mảnh vỡ lớn hình vòm.

Các chuyên gia trước đó nói với NBC News rằng áp lực nước tác động lên tàu sẽ tương đương sức nặng 10.000 tấn của tháp Eiffel.

Người ta nói rằng lực của vụ nổ sẽ mạnh đến mức thân tàu bằng sợi carbon sẽ “nát vụn”, bốc hơi và khiến tất cả những người bên trong thiệt mạng trước khi họ kịp biết điều gì xảy ra.

Vậy tại sao mảnh vỡ tàu dường như vẫn nguyên vẹn?

Arun Bansil, giáo sư vật lý của trường đại học Northeastern, đã giải thích lý do tại sao chúng ta lại nhìn thấy những mảnh vỡ lớn như vậy.

Manh mối mới trong vụ tàu Titan càng khiến bí ẩn thêm ly kỳ: Mảnh vỡ lớn bất thường và ô cửa sổ tròn kỳ quái - Ảnh 1.

"Khi một chiếc tàu lặn ở sâu dưới đại dương, nó sẽ chịu lực tác động lên bề mặt do áp suất nước", ông nói với Northeastern Global News.

"Khi lực này lớn hơn lực mà thân tàu có thể chịu được, con tàu sẽ nổ tung. Điều quan trọng là thiết kế của thân tàu đã bảo vệ tàu trước áp lực nước lớn bên ngoài đang đè bẹp lên thân tàu”.

Giáo sư Bansil nói rằng hầu hết công nghệ sản xuất tàu đều dựa trên thép, titan và nhôm, với hiệu suất chịu áp lực cực lớn.

"Tuy nhiên, thân tàu Titan có thiết kế thử nghiệm bằng vật liệu khác. Nó sử dụng chủ yếu là sợi carbon, có ưu điểm là nhẹ hơn titan hoặc thép. Các đặc tính của sợi carbon dưới biển sâu vẫn chưa được hiểu rõ. Nó có thể bị nứt và gãy đột ngột”.

Giáo sư Bansil cho biết: “Mặc dù có vẻ trái với thông thường, nhưng các vật thể lớn thường không vỡ tan thành từng mảnh nhỏ trong vụ nổ”.

"Ví dụ, một chiếc nồi áp suất thường phát nổ với phần trên bị thổi bay nhưng phần thân vẫn còn nguyên vẹn. Vụ nổ của tàu Titan sẽ xảy ra ở những điểm yếu nhất của nó, chẳng hạn như các khiếm khuyết trên thân tàu”.

"Khi một vết nứt toác ra, các mảnh lớn của thân tàu sẽ không còn chịu lực tác động mạnh nữa nên ít nhiều vẫn còn nguyên vẹn”.

Thu hồi được các mảnh vỡ lớn sẽ rất tốt cho công cuộc điều tra. Thời gian tới, các mảnh vỡ sẽ được ghép lại với nhau để tìm ra được đâu là nguyên nhân gây ra sự cố phát nổ.

Manh mối mới trong vụ tàu Titan càng khiến bí ẩn thêm ly kỳ: Mảnh vỡ lớn bất thường và ô cửa sổ tròn kỳ quái - Ảnh 2.

Chiếc cửa sổ kỳ quái

Theo Peter Girguis, giáo sư và nhà hải dương học của Đại học Harvard, mảnh vỡ được vớt từ độ sâu hơn 3000m dưới đáy đại dương sẽ là chìa khóa giải thích số phận của các hành khách và phần nào trên con tàu bị hỏng.

“Tóm lại, các nhà điều tra sẽ xem xét các mảnh vỡ khác nhau mà họ phục hồi và cố gắng xác định nơi xảy ra lỗi”, ông nói với The Post.

Giáo sư Girguis cho biết thủ phạm nhiều khả năng nhất vẫn là thân tàu bằng sợi carbon hoặc bộ phận kết hợp giữa titan và carbon.

Không giống như hầu hết các phương tiện hoạt động dưới biển sâu khác sử dụng titan hoặc thép đặc biệt, thân tàu của Titan được làm bằng sợi carbon với một cặp nắp bằng titan.

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết các mảnh vỡ phù hợp với kết luận về một vụ nổ thảm khốc, khiến thân tàu chịu áp lực của Titan tự sụp đổ và vỡ vụn, khiến các hành khách không qua khỏi.

Ông Girguis cũng lưu ý đến cửa sổ bằng thủy tinh tròn kỳ lạ của tàu ngầm Titan, khác với thiết kế tối ưu đã được chứng minh và sử dụng trên tàu lặn trong nhiều thập kỷ ở các quốc gia khác.

“Cửa sổ trên Titan khác với thiết kế đó”, ông giải thích. “Thật đáng để xem xét vai trò của nó trong thảm họa này”.

Và sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa vùng biển sâu lạnh như băng cũng “phải được chú trọng”, chuyên gia Giguis nhắc nhở thêm. “Việc thay đổi nhiệt độ bất ngờ có thể gây thêm áp lực và biến đổi bất thường đối với vật liệu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại