Trung Quốc "lập lờ đánh lận con đen"
Trong hai thập kỷ qua, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã dành rất nhiều nguồn lực cho việc phát triển các hệ thống tên lửa có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Mục tiêu của Trung Quốc là đặt các đối thủ, đặc biệt là các căn cứ và tàu chiến của Mỹ, đứng trước một mối đe dọa tầm xa mới.
Theo đuổi chiến lược tích hợp đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường với nhau, Trung Quốc dường như muốn kết hợp giữa lợi ích về chi phí khi chế tạo một vũ khí kép với quan điểm cho rằng làm như vậy sẽ tạo ra sự mơ hồ chiến lược giúp nâng cao khả năng răn đe trước bất cứ kẻ thù nào có ý định tấn công vào lực lượng thông thường của họ.
Ý tưởng của chiến lược này nằm ở chỗ nó sẽ khiến đối thủ của Trung Quốc phải lo ngại, nếu xung đột xảy ra, họ có thể sẽ vô tình tấn công vào các vũ khí hạt nhân, từ đó leo thang chiến tranh tới mức thảm kịch.
Tuy nhiên, điểm nguy hiểm của chiến lược này là sự không rõ ràng như vậy sẽ làm gia tăng khả năng xảy ra một vụ trả đũa hạt nhân lẫn nhau xuất phát từ những giả định sai lầm.
Chuyên gia Hans Kristensen thuộc Hiệp hội các nhà Khoa học Mỹ giải thích: Nếu Trung Quốc phóng một tên lửa lưỡng dụng vũ trang thông thường mà quốc gia mục tiêu lại không thể phân biệt được đó là đầu đạn hạt nhân hay thông thường thì họ có thể giả định nhầm rằng họ đang bị tấn công hạt nhân và sẽ đáp trả Trung Quốc bằng vũ khí tương ứng.
Kịch bản tương tự cũng có thể sẽ xảy ra với Trung Quốc: Khi chiến tranh nổ ra, đối thủ chỉ có ý định tấn công vào hệ thống tên lửa thông thường của PLA nhưng lại vô tình đánh trúng lực lượng hạt nhân của họ. Điều này sẽ dẫn tới việc Trung Quốc tin rằng khả năng răn đe hạt của họ bị tấn công có chủ đích.
Tên lửa DF-17 xuất hiện trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc. Ảnh: Sohu
"Thay đầu đạn, không thay tên lửa": Một chiến lược nguy hiểm
Nhận thức được kiểu chiến lược nước đôi này có nguy cơ gây mất ổn định, PLA từng chia tách các lực lượng hạt nhân và thông thường ra những lữ đoàn riêng biệt và bố trí ở những khu vực địa lý khác nhau.
Cách điều chỉnh này mang đến một số hy vọng rằng quốc gia đối thủ có thể phân biệt được đâu là lực lượng hạt nhân và đâu là lực lượng thông thường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này có thể đã được thay đổi khi nhìn vào cách thức Trung Quốc phát triển loại tên lửa DF-26 mới. DF-26 được biết tới là dòng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách 4.000 km.
DF-26 là tên lửa lưỡng dụng, có thể mang theo đầu đạt hạt nhân hoặc thông thường với trọng lượng từ 1.200-1.800 kg.
DF-26 có thể mang theo đầu đạt hạt nhân hoặc thông thường với trọng lượng từ 1.200-1.800 kg
Theo chuyên gia James Acton của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế thì DF-26 có thể được Trung Quốc tích hợp vào Lực lượng tên lửa thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLARF) của nước này theo hai cách nhưng chưa rõ Bắc Kinh tiếp cận theo phương án nào.
Cách thứ nhất có thể là duy trì cấu trúc hiện tại của PLARF và tách các lữ đoàn DF-26 hạt nhân và thông thường ra riêng rẽ. Thế nhưng, phương án này lại không tận dụng tối đa được đặc điểm nổi bật của vũ khí là “thay đổi đầu đạn, không thay đổi tên lửa”.
Do vậy, có vẻ như Trung Quốc sẽ bố trí các lữ đoàn DF-26 riêng lẻ cho cả các chiến dịch hạt nhân và thông thường, khiến việc phân loại trở nên khó khăn hơn.
Nhận định trên đã được củng cố bởi một số thông tin công khai liên quan tới DF-26. Một bản tin trên kênh CCTV năm 2017 về Lữ đoàn tên lửa 646 của PLA cho thấy đơn vị này đã được trang bị tên lửa đất đối đất tầm trung mới (nhiều khả năng ám chỉ DF-26).
Bản tin của CCTV còn nói rõ Lữ đoàn 646 “đồng thời sở hữu cả khả năng tấn công hạt nhân và tấn công thông thường”.
CCTV thậm chí còn miêu tả chi tiết một cuộc tập trận, trong đó lữ đoàn này phóng một tên lửa chính xác rồi nhanh chóng chuyển sang chế độ hạt nhân để thực hiện một đòn phản công hạt nhân. Điều đó chứng tỏ loại tên lửa mới của lữ đoàn thực sự sở hữu cả khả năng hạt nhân và thông thường.
Trước bối cảnh Trung Quốc đang triển khai các kế hoạch gia tăng số lượng tên lửa DF-26 thì chiến lược trên đặc biệt nguy hiểm. Bằng cách bố trí lẫn lộn các lực lượng, Trung Quốc hy vọng có thể tăng cường các khả năng răn đe của mình.
Tuy nhiên, cách làm này cũng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong một cuộc khủng hoảng hoặc thậm chí xung đột thông thường cũng có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân.
Trung Quốc lần đầu công bố video phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26